Giáo dục

Nghệ An: Tin giả bủa vây quanh vụ phản đối sáp nhập trường

Lợi dụng việc sáp nhập trường ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, một số người dùng mạng xã hội đưa các thông tin sai sự thật.

Một số lớp học ở điểm trường chính Trường tiểu học Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An còn vắng học trò sáng 23-4 - Ảnh: DOÃN HÒA

Sáng 23-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Bùi Xuân Ân - hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An - cho biết đến sáng nay còn 33 học sinh ở điểm trường Thanh Nam chưa đến trường học, trong đó có 4 học sinh vắng có lý do ốm.

33 học sinh chưa đến trường

Như vậy, kể từ ngày chính thức có quyết định sáp nhập điểm trường Thanh Nam về trường chính ngày 10-4 đến nay đã trôi qua gần hai tuần nhưng vẫn còn hàng chục học sinh chưa tới trường học tập.

"Nhà trường, các đoàn thể đang tiếp tục đến tận gia đình từng học sinh để tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa con em đến trường đi học khi năm học sắp kết thúc.

Vắng học trò, thầy cô cũng rất trăn trở và buồn vì cha mẹ làm mất đi quyền được học hành của các cháu", ông Ân nói.

Trong khi đó, theo Ban Tuyên giáo huyện Thanh Chương, trong thời gian qua việc sáp nhập trường ở Thanh Chương nhận được sự quan tâm của dư luận, một số người dùng mạng xã hội đăng tải, chia sẻ một số thông tin sai sự thật.

Về thông tin sau khi sáp nhập, diện tích điểm trường Thanh Nam bán đất để trả nợ cho doanh nghiệp 7 tỉ đồng là không đúng.

Ông Thái Văn An - chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn - khẳng định: "Sau khi sáp nhập điểm trường ổn định, diện tích điểm trường Thanh Nam sẽ được sử dụng một phần để mở rộng khuôn viên cơ quan UBND xã.

Phần còn lại xây dựng nhà văn hóa xóm Nam Thượng nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới".

Cơ sở vật chất ở điểm trường Thanh Nam xuống cấp, không đủ điều kiện dạy học - Ảnh: DOÃN HÒA

"Mỗi em học sinh phải đóng 10 triệu đồng để trả nợ cơ sở vật chất tại điểm chính" là sai sự thật.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương, việc xây dựng cơ sở vật chất tại điểm chính là do cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đã tập trung nguồn lực đầu tư, huy động nguồn vận động tài trợ xã hội hóa giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học.

Kết quả đến nay đã xây mới 6 phòng học, sân, bờ rào, cổng trường, sân cỏ nhân tạo, công trình vệ sinh; cải tạo nâng cấp văn phòng, 5 phòng chức năng. Mua mới 30 máy vi tính, 11 tivi, 70 bộ bàn ghế.

Tổng trị giá hơn 8,8 tỉ đồng, đáp ứng các điều kiện để chuyển học sinh từ điểm lẻ Thanh Nam về điểm chính học tập.

Địa phương mong phụ huynh ủng hộ

Tại buổi đối thoại với phụ huynh, lãnh đạo UBND xã Ngọc Sơn mong muốn phụ huynh ủng hộ địa phương và nhà trường, bớt thời gian đưa đón con em về điểm học chính để các cháu được học tập trong môi trường tốt hơn.

Thời gian tới, để nhân dân tham gia giao thông được thuận lợi hơn, UBND xã Ngọc Sơn sẽ làm gờ giảm tốc, gương phản chiếu trên các tuyến đường đồng thời tăng cường công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông để đảm bảo đường thông hè thoáng, nhân dân đi lại được thuận tiện hơn.

Quãng đường di chuyển từ điểm lẻ Thanh Nam về trường chính Trường tiểu học Ngọc Sơn, xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An - Ảnh: Google Maps

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, ngày 10-4 xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An tổ chức sáp nhập điểm lẻ Thanh Nam (152 học sinh khối lớp 1-5) về trường chính Trường tiểu học xã Ngọc Sơn.

Cho rằng việc chuyển điểm trường lẻ về xa, không có thời gian đưa đón con và truyền thống nhiều năm ở điểm lẻ, nhiều phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối chủ trương sáp nhập trường.

Trong hai ngày 12 và 15-4, một số phụ huynh đưa con đến trước trụ sở UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu được đối thoại, giữ lại điểm lẻ Thanh Nam.

Tác giả: DOÃN HÒA

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

  Từ khóa: sáp nhập , thanh chương , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP