Trạm trộn bê tông không phép nằm giữa khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Vũ Toàn. |
Ngày 22-6, chúng tôi tiếp cận Trạm trộn bê tông nhựa nóng Asphalt tại khu vườn của ông Đường Văn Hạnh tại xóm 1, xã Quỳnh Tam. Toàn bộ máy móc, máy xúc, thùng phuy và hàng trăm khối đá vụn các loại đứng phơi dưới nắng trời như đổ lửa.
Ông Hạnh cho biết: “Tháng 7-2019 Công ty CP xây dựng-đầu tư 289 đến thuê hẳn khu vườn của tôi để dựng trạm, lắp đặt máy móc. Khu vườn rộng 5.000 m2. Hợp đồng cho thuê trong 5 năm. Giá thuê 40 triệu đồng/năm. Tôi là chủ vườn kiêm bảo vệ trạm trộn”.
Chúng tôi hỏi vì sao trạm trộn không hoạt động mà “nằm im” dưới nắng trời như thế. Một người dân kể: “Sau tết, họ cho máy chạy được khoảng 200-300 tấn rồi dừng lại nhưng cách đây hơn một tuần (khoảng giữa tháng 6) nhân công lại đến khởi động máy. Chắc là sắp chạy tiếp.
Tiếp xúc với nhiều người dân sinh sống xung quanh trạm bê tông nóng này mới biết nỗi bức bối do phải chịu ô nhiễm môi trường do trạm trộn bê tông gây ra. Ông T. và một số người dân ở xã Quỳnh Tam phản ánh: Mỗi khi máy sản xuất thì khói bụi mù trời. Cái đập nước đầu nguồn của hơn 100 hộ dân xóm 1 cũng bị nước xả từ máy móc gây ô nhĩem nguồn nước và cá chết. Một số phụ nữ trong làng đến ngày sinh đẻ lo sợ khí trời, nguồn nước ô nhiễm nên phải tạm lánh sang vùng cư dân khác mới yên tâm.
Ông M. và một số người dân xã Quỳnh Châu ở hai bên đường xe tải vào, ra trạm trộn cũng không dấu nổi những kìm nén: Xe vào ra rầm rập ngày đêm tung bụi mù mịt. Trong bụi là mùi khét của nhựa đường phả ra nóng hầm hập. Người dân bức bách đến nỗi có lúc định vác cuốc xẻng ra đào đường, ngăn không cho xe vào, ra trạm trộn.
Chúng tôi trao đổi vụ việc này với ông Hoàng Văn Bộ-Chủ tịch huyện. Ông Bộ nói ngay: “Tôi vào rồi. Đã báo cáo tỉnh rồi”. Sau khi chúng tôi nêu thực trạng trạm trộn và sự bức xúc của người dân địa phương, ông Bộ vẻ bực dọc với vụ việc: “Công ty CP xây dựng-đầu tư 289 lập trạm trộn ở vườn nhà ông Hạnh là không đúng. Đây là vùng đất nông nghiệp, đất ở và không thuộc diện quy hoạch cho sản xuất kinh doanh. Công ty này lại không có giấy phép để lắp trạm trộn ở đây.
Huyện yêu cầu di rời từ đầu năm nhưng công ty xin gia hạn đến hết năm. Ảnh: Vũ Toàn. |
Ngày 10-9- 2019, UBND huyện đã cử cán bộ Phòng Tài nguyên Môi trường xuống kết hợp với UBND xã Quỳnh Tam (chủ tịch xã, cán bộ địa chính, công an xã) và giám đốc Công ty để kiểm tra, rà soát và kí bản cam kết dừng hoạt động. Bản cam kết còn giao đến ngày 30-3-2020 Công ty này phải di dời”. Nói đoạn, ông Bộ lắc đầu: “Cam kết này giao cho xã giám sát nhưng rốt cuộc là muối bỏ biển”.
Chúng tôi nêu một sai phạm khác là, mặc dù cam kết như thế nhưng sau tết Công ty CP này vẫn “chạy lậu” để có 200-300 tấn nhựa đường nóng bán cho nhà thầu. Vậy, UBND huyện đã có hình thức xử phạt nào hay chưa. Ông Bộ nói: “Xử phạt rồi”. Chúng tôi hỏi cụ thể, xử phạt như thế nào, thời điểm nào. Ông Bộ hướng dẫn chúng tôi gặp ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện để biết cụ thể. Tại đây, ông Tuấn thừa nhận có việc Công ty CP này “chạy lậu” 200 tấn nhựa đường nóng vào đêm 13-2-2020 như chúng tôi phản ảnh.
Về việc xử phạt, ông Tuấn mở máy điện thoại gọi ông Nguyễn Văn Quang, chủ tịch UBND xã Quỳnh Tam để hỏi nhưng ông Quang cho biết “chưa xử phạt gì cả”. Cũng theo ông Tuấn, huyện đã rất kiên quyết. Ngày 23-3 Chủ tịch huyện đã kí văn bản yêu cầu Công ty đẩy nhanh tiến độ khảo sát vị trí mới trong cụm công nghiệp của huyện tại xã Quỳnh Châu để di chuyển trước ngày 30-4. Nhưng Công ty lại có tờ trình xin gia hạn đến hết tháng 12 năm nay (!).
Tác giả: Vũ Toàn
Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam