Các gói dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ đốt thủ công, chôn lấp sâu vào lòng đất ở khu vực gần thượng nguồn các con sông, vùng sinh quyển…đang trở thành mối nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy về môi trường sống cho tương lai gần.
Nhiều bãi xử lý rác thải tập trung ở một số huyện, thị của Nghệ An được chấp thuận cho xây dựng và xử lý theo công nghệ đốt, chôn lấp giữa khu vực đất rừng, gần thượng nguồn khu vực sông, suối |
Ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường
Tỉnh Nghệ An hiện có 11 huyện, thị được xếp vào vùng miền núi, trong đó có 6 huyện vùng cao gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp bám theo QL7 và QL48 cùng hệ thống thượng nguồn sông Hiếu và sông Lam.
Cũng giống như các huyện vùng cao khác của miền Tây Nghệ An, trước đây huyện vùng biên Kỳ Sơn chưa quy hoạch được bãi rác thải tập trung, lượng rác thải sinh hoạt của người dân thải ra thường hay đổ rác thải rất bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường.
Đến năm 2015, UBND huyện Kỳ Sơn đã quy hoạch và xây dựng một khu xử lý rác của thị trấn Mường Xén được đặt tại bản Noọng Dẻ thuộc xã Nậm Cắn, cách thị trấn Mường Xén khoảng vài Km. Do khu vực tập kết bãi rác chỉ cách trung tâm của bản này theo đường chim bay chưa đầy 1km nên mùi hôi thối phát ra từ quá trình phân hủy rác theo hướng gió bao trùm khu dân cư.
Chưa hết, việc bãi rác thải được quy hoạch sát QL7, lại nằm ở vị trí đồi núi cao và nằm trên thượng nguồn của sông suối nên khi trời mưa nước rỉ trong quá trình phân hủy rác theo nước mưa chảy xuống phía các hẻm núi để hòa vào dòng sông Nậm Mộ xuôi xuống thượng nguồn sông Lam.
Còn tại bản Bon (bản Bon được sáp nhập vào thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) vào tháng 5/2020), thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong – nơi có thượng nguồn con sông Hiếu chảy về xuông đang tồn tại một bãi rác thải sinh hoạt lộ thiên từ nhiều năm nay và và chỉ được xử lý thủ công nên các hộ dân ở bản Bon, thị trấn Kim Sơn nhiều năm nay sống ngột ngạt do mùi khói đốt rác theo gió vào nhà.
Năm 2011, dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng và đến đầu năm 2013 được khởi công xây dựng nhưng công nghệ vẫn duy trì phương pháp đốt thủ công, chôn lấp. Tuy nhiên, dự án này đến nay dự án mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường ngăn nội bộ và các hố chôn lấp với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng, nhưng số vốn hiện tại mới chỉ được cấp cho dự án là 14,2 tỷ đồng nên tạm dừng thi công từ năm 2015 cho đến nay.
Nguy cơ “bức tử” khu dự trữ sinh quyển
Mặc dù là những huyện vùng sâu, vùng núi cao nằm ở phía Tây tỉnh Nghệ An nhưng với tốc độ phát triển dân số, các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây nên vấn đề thu gom, xử lý rác thải trở thành câu chuyện đáng báo động cho môi trường sống. Đặc biệt, ở các huyện vùng cao đang hiện hữu Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An với trung tâm là Vườn quốc gia Pù Mát (Khu dự trữ sinh quyển thứ sáu của Việt Nam được UNESCO công nhận) là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào tháng 9/2007 nên vấn đề bảo vệ môi trường càng phải được đặt lên hàng đầu.
Trao đổi với báo chí, ông Lẩu Bá Tểnh – Trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Bãi rác thị trấn Mường Xén được hình thành năm 2015 và hoạt động đến nay. Huyện cũng biết là đặt ở vị trí hiện tại là có một số bất cập nhưng do quỹ đất không có nên trước đây đành chọn vị trí nói trên. Hiện bãi rác cũng đã quá tải nên vừa rồi huyện mới khảo sát và lập đề án bãi rác thải mới tại bản Bà, xã Hữu Kiệm với diện tích 2ha, cách xa khu dân cư khoảng 2km. Dự kiến, khi đề án được phê duyệt và xây dựng xong sẽ di dời bãi rác cũ xuống đây để giải quyết ô nhiễm”.
Trở lại với dự án xây dựng bãi rác thải tập trung dở dang trên địa bàn huyện Quế Phong, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện này cho biết, nguồn vốn bố trí trước đây là ngân sách từ nguồn vượt thu của tỉnh nhưng khi đó chưa được bố trí hết nên việc xây dựng bãi rác phải dừng lại từ nhiều năm nay. Huyện Quế Phong sẽ cố gắng tiếp tục huy động vốn từ những nguồn hợp pháp khác để hoàn thành xây dựng.
Theo thiết kế, bãi rác này có 4 ô chôn lấp với tổng diện tích gần 20.000m2. Ngoài ra, còn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống thoát khí thải, thoát nước mưa, đường giao thông và các công trình phụ trợ khác. Khi hoàn thành, dự án này sẽ là công trình xử lý rác thải đáp ứng tốt nhu cầu thu gom và xử lý rác thải của thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận trung tâm huyện Quế Phong.
Tuy nhiên, vấn đề làm sao để xử lý triệt để nguy cơ ô nhiễm từ rác thải ở các huyện vùng cao Nghệ An khó có thể “chốt” được phương án vì giải pháp đốt, chôn lấp vẫn chưa thể thay thế được.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Diễn đàn Doanh nghiệp