Tin trong tỉnh

Nghệ An: Triển khai nhiều biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi

Nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đã ghi nhận dịch tả lợn châu Phi. Trước tình hình dịch có nguy cơ lây lan rộng, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp khống chế.

Dịch xuất hiện nhiều địa phương

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xuất hiện dịch tả lợn châu Phi ở nhiều địa phương như: Tp.Vinh, Yên Thành, Quỳ Hợp, Diễn Châu và Quỳnh Lưu.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tính từ ngày 24/10 đến nay, tại TP.Vinh có đến 5 xã, phường xuất hiện các ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, gồm: Nghi Đức, Nghi Kim, Đông Vĩnh, Nghi Ân, Hưng Chính. Luỹ kế đến nay, có 13 thôn, 15 hộ có lợn mắc dịch tả châu Phi với số lượng đã tiêu huỷ là 132 con, tổng trọng lượng khoảng 7 tấn.

Các mẫu bệnh phẩm lợn ốm được gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng III đều có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tất cả các ổ dịch xảy ra tại những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Nhiều địa phương ở Nghệ An xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Ảnh T.P.

Trước tình hình dịch lây lan rộng, Tp.Vinh thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, phân cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống cơ sở, phối hợp với địa phương thực hiện công tác phòng chống dịch. Đồng thời, cấp hoá chất, tổ chức phun thuốc khử trùng môi trường. Các địa phương cũng đã chủ động kinh phí mua vôi bột để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, tại huyện miền núi Quỳ Hợp, bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng tái phát từ cuối tháng 9. Còn tại huyện Yên Thành, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 16 ổ dịch tả lợn châu Phi. Đây là huyện có tổng đàn lợn lớn, nhưng dịch tả lợn châu Phi xảy ra chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Trên địa bàn huyện Diễn Châu cũng đã ghi nhận 5 ổ dịch tả lợn châu Phi.

Tăng cường biện pháp khống chế dịch

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp là do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, sau thời gian mưa lụt mầm bệnh phát tán rộng. Đặc biệt tại huyện Yên Thành xuất hiện tình trạng xác lợn chết được vứt trên kênh, mương làm tăng nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng xác lợn chết vứt trên kênh, mương Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng III, tiến hành kiểm tra hệ thống kênh đào từ đầu nguồn (giáp huyện Đô Lương) chảy qua các xã của huyện Yên Thành.

Đồng thời UBND huyện Yên Thành cũng đề nghị cộng đồng dân cư cùng chung tay để phát hiện, khai báo với chính quyền địa phương qua đường dây nóng của UBND các xã, thị trấn các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, kênh, mương.

Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Thành chỉ đạo các xã thường xuyên kiểm tra, phát hiện xác động vật thì tiến hành tiêu hủy. Xử lý nghiêm các trường hợp vứt xác động vật ra môi trường, bán chạy động vật ốm, chết, cố tình làm lây lan dịch bệnh.

Theo thông tin từ phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An, trên địa bàn tỉnh, số lợn được chăn nuôi hộ gia đình, nhỏ lẻ chiếm hơn 70%, tập trung ở các huyện như: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. “Do chăn nuôi nhỏ lẻ nên công tác phòng, chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn bởi điều kiện chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường; sau thời gian mưa lụt, ngập úng vừa rồi, mầm bệnh phát tán rộng. Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi chưa thực hiện nghiêm túc việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi; thường sử dụng thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng, chưa qua nấu chín cho lợn ăn,…”, ông Nguyễn Viết Lương – Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết.

Lực lượng chức năng xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, khử trùng chống dịch đúng kỹ thuật. ảnh T.H.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đã phân công cán bộ phụ trách cụm, huyện để tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương triển khai công tác chăn nuôi, thú y. Tiến hành xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, khử trùng chống dịch đúng kỹ thuật. Thực hiện giám sát, báo cáo hàng ngày diễn biến dịch bệnh xảy ra trên địa bàn theo quy định.

Bố trí mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để dịch lây lan, dây dưa kéo dài và phát sinh ổ dịch mới. Bên cạnh đó, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp dấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh. Tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống thông tin của địa phương về bệnh dịch, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Trong đó, chú trọng tuyên truyền đến người chăn nuôi cần tuân thủ nguyên tắc phòng, chống bệnh: cho lợn ăn chín, uống sôi, kiểm soát nguồn thức ăn cho lợn; phun tiêu độc, khử trùng, hạn chế người ra vào chuồng trại và khi lợn có biểu hiện mắc bệnh phải báo ngay cho chính quyền địa phương và thú y sở tại.

Tác giả: Minh Tâm - Hà Hằng

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP