Tin trong tỉnh

Nghệ An "tuyên chiến" với trì trệ đầu tư công

Nhìn nhận đúng tình hình, từ đó tìm ra đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp và tập trung thực hiện quyết liệt, nhằm hoàn thành đúng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An quyết liệt thực hiện mục tiêu đầu tư công năm 2024

Đó là “4 đúng” mà ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu ra để đề nghị các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư tập trung thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Bước tạo đà khá tích cực

Trong báo cáo gần đây tại hội nghị giao ban tỉnh, ông Phạm Hồng Quang - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: Ngay sau khi có Quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh, công tác giao kế hoạch vốn được UBND tỉnh Nghệ An triển khai kịp thời. Theo đó, tổng kế hoạch giao năm 2024 là hơn 9.076 tỷ đồng, trong đó đưa vào đầu tư công tập trung phần tỉnh quản lý hơn 4.628 tỷ đồng. Đến nay, địa phương đã hoàn thành giao chi tiết 100% kế hoạch vốn cho 1.030 dự án để triển khai thực hiện.

Mặc khác, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã quan tâm và chỉ đạo sát sao, quyết liệt với nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Do vậy, tính đến cuối tháng 4/2024, kế hoạch đầu tư công tập trung đã giải ngân gần 989 tỷ đồng, đạt 21,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ 15,3% và cao hơn so với bình quân cả nước là 17,46%.

Trong đó, một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giải ngân 269,19 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân 11,444 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân 93,576 tỷ đồng, đạt 36,7%.

Còn về kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, địa phương cũng đã giải ngân 57,612 tỷ đồng, đạt 10%. Có 24 đơn vị/tổng 68 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân khá. Các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.

Trái ngược với kết quả khá tích cực trên thì tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững mới chỉ đạt 6,9%; vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 11,02% và nguồn ngân sách Trung ương - vốn trong nước mới đạt 13,01%; kế hoạch kéo dài mới giải ngân 10%.

Mặt khác, địa phương vẫn còn 26/68 đơn vị giải ngân dưới 10%, trong đó có 13 cơ quan, đơn vị chưa giải ngân. 72 dự án nguồn đầu tư tập trung với số vốn hơn 700 tỷ đồng và 356 dự án nguồn chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân.

Nhiều dự án trước nguy cơ chậm tiến độ

Liên quan đến vấn đề này, đại diện các sở, ngành, địa phương cũng đã chỉ ra những khó khăn, vướng mắc; trong đó nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ công tác giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Không những vậy, các thủ tục đầu tư phải thực hiện qua nhiều quy trình. Mặc dù hiện nay đã có hướng dẫn cụ thể về Luật Đấu thầu, Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, tuy nhiên các địa phương vẫn còn lúng túng trong quá trình thực hiện...

Tập trung thực hiện “4 đúng”

Có thể thấy, công tác giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Nghệ An đã đạt được kết quả khá tích cực, cao hơn cùng kỳ và cao hơn mặt bằng chung cả nước.

Tuy nhiên, nhìn nhận vẫn còn gần 3/4 chặng đường gian nan ở phía trước, ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng: Không vì vậy mà có tâm lý chủ quan, còn nhiều vấn đề cần quan tâm nhận diện rõ ràng, từ đó có biện pháp, giải pháp để thực hiện giải ngân vốn đầu tư theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tối thiểu trên 95%.

Do vậy, trong khuôn khổ Hội nghị giao ban toàn tỉnh diễn ra mới đây, vị Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã đề nghị các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư cần tập trung thực hiện “4 đúng”: Nhìn nhận đúng tình hình, từ đó tìm ra đúng nguyên nhân, đề ra đúng giải pháp và tập trung thực hiện quyết liệt, nhằm hoàn thành đúng mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Cụ thể, các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc, bám sát tình hình, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, hoàn thành mục tiêu đề ra.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công; chủ động trong việc chỉ đạo xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công, phân nhiệm các đồng chí phụ trách từng dự án, từng nhóm dự án.

Đối với nhóm các dự án không có vướng mắc, gồm 84 dự án/1.280 tỷ đồng, các đơn vị tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn kịp thời các dự án này.

Còn đối với nhóm các dự án đang còn vướng mắc hoặc đang triển khai hồ sơ thủ tục gồm 76 dự án/1.858 tỷ đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các đơn vị chủ động xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc kịp thời; có phân công, giao trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng bộ phận, từng cá nhân, lấy hiệu quả xử lý công việc là tiêu chí đánh giá kết quả đạt được.

Nghệ An đề ra phương châm "4 đúng"

Riêng với các dự án vướng mắc giải phóng mặt bằng, gồm 21 dự án ở địa bàn 15 huyện, đặc biệt là các dự án trọng điểm thì giao cho UBND các huyện, nhất là huyện có nhiều dự án như: Nghi Lộc, Diễn Châu, Đô Lương, Tân Kỳ, Anh Sơn, Quỳnh Lưu cùng các thị xã Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa và TP Vinh tập trung xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Mục tiêu phấn đấu đến hết tháng 6/2024, không còn đơn vị, dự án giải ngân 0 đồng. Đến tháng 9 tất cả các dự án phải hoàn thành hồ sơ thủ tục, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để thi công trên hiện trường. Lưu ý, việc đẩy nhanh tiến độ phải gắn với đảm bảo chất lượng công trình, dự án, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động rà soát, đôn đốc các ngành, các huyện triển khai thực hiện đúng cam kết đã ký, tham mưu hoạt động của các Tổ công tác bảo đảm thực chất và có hiệu quả. Từ tháng 6, rà soát để đề xuất điều chỉnh, điều chuyển vốn kịp thời. Các dự án giải ngân chậm, dự án chưa giải ngân đồng nào kiên quyết điều chuyển để tập trung vốn cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Giao các Sở quản lý xây dựng chuyên ngành, nhất là Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Công an tỉnh tập trung ưu tiên, hỗ trợ, hướng dẫn tối đa cho các chủ đầu tư trong việc hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục, thẩm định các quy trình để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Vướng mắc ở đơn vị nào, chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh để xem xét, xử lý.

Tác giả: HỒNG QUANG - NGỌC THÁI

Nguồn tin: diendandoanhnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP