Tin trong tỉnh

Nghệ An: Xuất hiện trường hợp viêm não Nhật Bản, cảnh báo di chứng

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỉ lệ tử vong lớn và để lại di chứng vô cùng nặng nề nhưng nhiều dấu hiệu ban đầu dễ bị bỏ qua.

Điều tra dịch tế khu vực bệnh nhân

Ngày 18/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh vừa xuất hiện thêm một trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An

Trước đó, ngày 4/7, cháu Vi Thị Hà Th. (SN 2013) bất ngờ xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn. Sau đó, cháu được uống thuốc hạ sốt nhưng không đỡ nên được chuyển lên Trung tâm Y tế huyện.

Qua thăm khám, ngày 8/7, cháu Th. lại được chuyển lên tuyến trên là bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Vào ngày 14/7, kết quả xét nghiệm cho thấy, cháu dương tính với viêm não Nhật Bản.

Tiến hành điều tra dịch tễ tại gia đình bệnh nhân. Ảnh: Sở Y tế Nghệ An.

Tiếp nhận thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Quỳ Hợp đã cử đoàn công tác tiến hành điều tra, xử lý. Tại khu vực phát hiện bệnh nhân, đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế, thực hiện điều tra dịch tễ, giám sát môi trường,... tại gia đình và khu vực xung quanh nhà bệnh nhân sinh sống.

Đồng thời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Nghệ An đã chỉ đạo hướng dẫn địa phương các hoạt động phòng, chống dịch viêm não Nhật Bản, như giám sát véc-tơ, môi trường, đồng thời tổ chức truyền thông về bệnh viêm não Nhật Bản.

Kết quả điều tra dịch tế, trong vòng 1 tháng nay, cháu chỉ ở địa phương với gia đình, không đi đâu xa. Khu vực xung quanh nhà và bản cũng không có ai đi xa về. Bản thân cháu chưa tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản.

Bác sĩ Nguyễn Huy Anh, Phó trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cho hay: “Hiện tại, ngoài cháu Th., sức khỏe các thành viên trong gia đình nội, ngoại đều bình thường. Qua điều tra, đoàn chưa phát hiện véc-tơ truyền bệnh. Đoàn nhận định, bệnh nhân Th. là trường hợp bệnh nội tại”.

Trước đó, vào giữa tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận thêm một trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản tại bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương. Trẻ mắc bệnh là cháu N.V.Q, 10 tuổi.

Được biết, toàn bản Chăm Puông có 208 trẻ dưới 15 tuổi. Bản Chăm Puông và toàn xã Lượng Minh chưa có thêm trường hợp nào nghi mắc bệnh viêm não Nhật Bản… Tuy nhiên, Lượng Minh là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Điều kiện vệ sinh môi trường ở đây không đảm bảo, chỉ có 67% số hộ có nhà vệ sinh.

Xử lý ca mắc viêm não Nhật Bản mới này, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo và phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Tương Dương tiến hành giám sát véc-tơ, môi trường tại bản; phun hóa chất xử lý môi trường; tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các hoạt động phòng, chống viêm não Nhật Bản như truyền thông về bệnh; rà soát các trường hợp chưa tiêm, tiêm chưa đủ mũi vắc-xin viêm não Nhật bản để tiến hành tiêm vét.

Tăng cường công tác rà soát, tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở người lớn và trẻ em do virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. Các nguồn lây bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là các loài chim hoang dã và gia súc như lợn, trâu, bò, ngựa.

Đường lây qua trung gian truyền bệnh là muỗi Culex. Muỗi sẽ bị nhiễm virus gây bệnh viêm não Nhật Bản sau khi hút máu từ các loài động vật bị bệnh, sau đó truyền sang người thông qua vết muỗi đốt. Muỗi Culex sinh sản mạnh vào mùa hè nên bệnh Viêm Não Nhật Bản thường bùng phát vào mùa hè, nhất là từ tháng 5 - 7.

Bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao: 25% ở các nước nhiệt đới và 50% người bệnh có các di chứng thần kinh – tâm thần. Tử vong do viêm não Nhật Bản thường xảy ra trong những ngày đầu, khi bệnh nhân có triệu chứng hôn mê sâu, co giật, tổn thương hành não. Chính vì vậy, người thân cần quan tâm, lưu ý đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu viêm não Nhật Bản.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Thanh Chương đã cử đoàn công tác tiến hành điều tra ca mắc viêm não Nhật Bản ở xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương. Ảnh: Sở Y tế Nghệ An.

Ông Chu Trọng Trang, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết: “Nghệ An là tỉnh có nhiều sinh cảnh phù hợp và đặc biệt mùa hè là thời điểm muỗi Culex truyền bệnh sinh trưởng và phát triển mạnh. Do đó, đơn vị đã đề nghị các địa phương không được chủ quan, lơ là; tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, đặc biệt tăng cường công tác rà soát, tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản trên địa bàn”.

Để ngăn ngừa bệnh, mọi người dân cần chủ động thực hiện vệ sinh môi trường sạch sẽ; loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng; ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng, chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình…

Và đặc biệt, mọi người cần thực hiện tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vắc-xin được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên trong chương trình tiêm chủng mở rộng). Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1-2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi thứ 2 một năm.

Hằng năm, cả nước ghi nhận khoảng từ vài trăm đến 1.000 trường hợp mắc viêm não vi rút và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Viêm não Nhật Bản thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong cao (có thể lên đến 10 - 20%), ngoài ra có thể gây các di chứng lâu dài ảnh hưởng phát triển thể chất và trí não. Dấu hiệu bệnh thường gặp: sốt cao đột ngột kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần (vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê).

Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP