Mất ăn, mất ngủ
Những bất cập tại cơ sở chế biến tinh bột sắn nói trên là của hộ gia đình ông Nguyễn Hồng Phúc tại xóm Lĩnh Khánh, xã Nghĩa Khánh (huyện Nghĩa Đàn). Xưởng được xây dựng trên diện tích khoảng 2,4 ha, bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 12/2015 với công suất thiết kế 2,5 tấn/1 giờ. Điều đáng nói là cơ sở đã hoạt động được một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa chú trọng vấn đề xử lý môi trường nên đã phát sinh mùi hôi thối, khiến người dân sống xung quanh phải “sống dở, chết dở” vì ô nhiễm trầm trọng. Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân địa phương cũng đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về vấn đề trên nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Nước đen có mùi hôi thối từ hố biogas lộ thiên chảy xuống hố phía dưới không được lót đáy |
Chị Trương Thị T, trú tại xóm 9, xã Nghĩa An (cách xưởng chế biến này khoảng 200-300m), bức xúc: “Nhà tôi chỉ cách xưởng sản xuất tinh bột sắn này khoảng 200 đến 300m. Không khí ô nhiễm từ xưởng khiến chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Không chỉ riêng gia đình tôi mà còn hàng chục hộ dân ở xóm 9, xã Nghĩa An bị ảnh hưởng nhiều do giáp ranh. Các anh đến vào buổi trưa chứ ban đêm với sáng sớm còn khó chịu hơn thế này nhiều. Mới vào đầu vụ thì tình trạng ô nhiễm còn đỡ nhưng đến giữa vụ sắn, nhất là khoảng tháng 1 đến tháng 2 đầu năm là mùi hôi thối bao trùm xóm làng cả ngày”.
Để làm rõ thông tin phản ánh của người dân chúng tôi đã có mặt tại cơ sở chế biến tinh bột sắn này. Tại đây, nhiều công nhân đang tiến hành làm việc, máy móc sản xuất bình thường. Tuy nhiên không khí nơi đây đang hết sức khó chịu, mùi chua bốc lên xộc thẳng lên mũi.
Không chỉ có vậy, bên trong khuôn viên còn có thêm 1 hố lớn khác được đào rất sâu nhưng không được xây bằng bê tông hay lót bạt HDPE để chống thấm nước thải vào đất rồi ngấm ra tự nhiên. Dưới chiếc hố được che bạt đã xuất hiện lượng nước thải đen ngòm, có mùi hôi thối chảy xuống.
Theo ghi nhận của chúng tôi, nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất được đơn vị này thu gom vào ống rồi chảy vào một hố được che bằng bạt thường màu xanh nhưng chưa được bịt kín nên mùi hôi thối vẫn bốc ra ngoài môi trường. Mặt khác bên trong khuôn viên gần sát hố xử lý thải nói trên thì cơ sở này còn đổ một lượng bã sắn ra nhưng không được che chắn, tấp bạt đang phân hủy, bốc mùi. Gần đó là một lượng chất thải màu đen cũng tràn ra trong khuôn viên và sẽ chảy tràn xuống phía dưới. Nước phục vụ sản xuất của xưởng chảy tràn từ quá trình lắng bột, nước thải chảy qua 5 hố đào bằng đất có tổng diện tích khoảng 1.500m2, các hố đều không được láng đáy, ốp bờ chống thấm, dưới các đáy hố được lắp nối ống thông nhau. Nước thải từ khu vực tập kết bã và nước thải từ tách bột chảy tràn theo khe thoát nước.
Do ô nhiễm nặng nên nhiều người dân nơi đây đồng loạt phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường từ cơ sở sản xuất này. Tháng 3/2016, phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh Nghệ An) đã tiến hành kiểm tra và lập “Biên bản vi phạm pháp luật về môi trường trong trường hợp quả tang” đối với đơn vị nêu trên. Tại thời điểm kiểm tra thì cơ sở này không xuất trình được bất cứ giấy tờ pháp lý liên quan nào do ông Nguyễn Hồng Phúc không có mặt tại nhà máy. Theo đó, tại hiện trường, Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện phía sau hệ thống đập bột có 1 bãi tập kết bã sắn rộng 300m2. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ được lót bên dưới, phần còn lại chảy lan, tràn ra bãi đất, nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Tiếp đó đến tháng 12/2016, Sở TN&MT Nghệ An tiếp tục kiểm tra và cũng chỉ ra các sai phạm tương tự như Phòng Cảnh sát môi trường kiểm tra trước đó; đồng thời chỉ rõ đơn vị này chưa có báo cáo quan trắc, giám sát môi trường theo quy định, chưa kê khai, nộp phí nước thải công nghiệp, hồ lắng chưa được lót đáy, nước trước khi vào hồ biogas còn bị rỉ ra ngoài; chưa thu gom đối với chất thải nguy hại, chưa có kho lưu trữ, chưa lập hồ sơ cấp phép khai thác nguồn nước mặt… Qua đó, đoàn kiểm tra yêu cầu khắc phục những vi phạm và báo cáo về Sở TN&MT trước ngày 30/12/2016.
Đến ngày 22/5/2017, Phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn cũng tiến hành kiểm tra và yêu cầu đơn vị nêu trên khắc phục những vi phạm về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, cho đến nay những bất cập nêu trên cơ bản vẫn chưa được chủ đầu tư chấp hành nghiêm túc.
Hoạt động không phép
Ngoài vấn đề gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất gây ra thì Xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc còn là đơn vị hoạt động tự phát, không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào được cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định. Đến thời điểm hiện tại, cơ sở này vẫn chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Vì thế, chủ trương đầu tư cũng như giấy phép xây dựng của đơn vị này nghiễm nhiên là chưa được đơn vị nào cấp. Ngoài ra, nhà máy nêu trên cũng không được các cơ quan có thẩm quyền quy hoạch vùng nguyên liệu để hoạt động.
Biên bản vi phạm pháp luật về môi trường do Phòng Cảnh sát môi trường Nghệ An lập đối với cơ sở của ông Nguyễn Hồng Phúc vào tháng 3/2016 |
Qua trao đổi, ông Lê Viết Phú – Trưởng phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn - cho biết: “Hiện nay xưởng sản xuất nêu trên của ông Phúc đang thuộc diện đang phải dừng hoạt động để khắc phục ô nhiễm, bổ sung hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ theo quy định mới được hoạt động trở lại. Cơ sở chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc là hoàn toàn tự phát, chưa có bất kỳ giấy tờ thủ tục nào theo quy định về đất đai, xây dựng… Vậy nên chúng tôi yêu cầu đơn vị này hoàn thành các thủ tục cần thiết rồi mới cho hoạt động. Hiện, theo tôi được biết thì đơn vị này ngoài vi phạm về vấn đề môi trường khi không chịu đầu tư hệ thống xử lý nước thải đồng bộ, đạt chuẩn thì cơ sở của ông Phúc còn chưa được nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đương nhiên giấy phép xây dựng cũng như quy hoạch vùng nguyên liệu là không hề có”.
Việc một cơ sở sản xuất, chế biến tinh bột sắn hoạt động trên địa bàn xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn nhiều năm qua vẫn hoạt động nhưng không hề có bất kỳ giấy tờ, thủ tục nào theo quy định của pháp luật, gây ô nhiễm môi trường khiến dư luận hết sức bức xúc. Vấn đề trên đề nghị các ban, ngành chức năng tỉnh Nghệ An cần sớm kiểm tra làm rõ và xử lý để người dân không phải sống trong ô nhiễm..
Tác giả: PV
Nguồn tin: Báo Phụ nữ Việt Nam