A Páo tên thật là Ngô Sỹ Ngọc (SN 1988), tại xã Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Việt Bắc. Do không tìm được công việc ở các thành phố lớn nên Ngọc đã lựa chọn tỉnh miền núi Hà Giang để lập nghiệp, làm quê hương thứ hai của mình.
Với tình yêu đặc biệt với Hà Giang, A Páo đã miệt mài quảng bá, lan tỏa hình ảnh cao nguyên đá tới du khách qua tiếng sáo Mông và qua lời ca, tiếng hát, các tác phẩm âm nhạc và những video clip ngắn đăng trên các nền tảng mạng xã hội đã có nhiều người người yêu mến.
Tôi quen biết và từng tiếp xúc nghe A Páo hát rất nhiều bài do A Páo sáng tác. Trong đó có 2 ca khúc làm say đắm hàng triệu khán thính giả khắp mọi miền đất nước, nhất là hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đó là ca khúc: Hà Tĩnh quê ơi và Tìm em câu ví sông Lam.
A Páo nổi tiếng bởi 2 ca khúc Hà Tĩnh quê ơi và Tìm em câu ví sông Lam |
Nhưng với ca khúc "Khu mấn quê mình" với các câu ca từ thô tục như "Khu mấn quê mình ngon lắm em ơi... "lời bài hát thiếu văn hóa, không tôn trọng bản sắc quê nhà... đã làm cho người yêu nhạc khắp cả nước và nhất là người hâm mộ Nghệ An, Hà Tĩnh dậy sóng bực tức dẫn đến chửi bới, lăng mạ A Páo khắp cõi mạng, xem A Páo là đứa ít học, vô văn hóa, phông nhận thức về truyền thống văn hóa kém...
Vậy A Páo có sai không? Hoàn toàn sai khi A Páo sáng tác và thể hiện bài "Khu mấn quê mình", có lẽ do cao hứng và mất kiểm soát về cảm xúc và sự tâng bốc thái quá do người hâm mộ và cộng đồng mạng đưa đến cho A Páo một sự "ngáo" về sức mạnh của sự nổi tiếng.
Vậy A Páo có bệnh ngôi sao không? Có và rất lớn. Tôi dám khẳng định điều đó vì tôi từng tiếp xúc và trực tiếp nghe A Páo hát. A Páo lao vào các chương trình bất cứ đâu, bất cứ vùng miền nào miễn là đáp ứng được mức cát xê mà A Páo và ekip đưa ra.
Vậy A Páo có đáng thương không? Rất đáng thương. Vì, tuổi trẻ ai cũng có những phút giây bồng bột và bốc đồng khi mà sự nổi tiếng và danh vọng đến quá sớm và quá bất ngờ đã tung A Páo lên và nhầm tưởng mình là ngôi sao không thể đụng chạm.
Vậy nên khi "tai nạn" xảy ra cả xã hội và cộng đồng mạng lên án và chửi bới bằng những từ ngữ thô tục và thiếu văn hóa hơn cả ca từ trong bài "Khu mấn quê mình do A Páo sáng tác, trong đó có một số người là trí thức, quan chức về hưu cũng hùa theo hoặc a dua tát nước theo mưa để phê phán hoặc mạt sát A Páo.
Còn nhớ cách đây gần 3 năm, ở Hà Tĩnh khi phát hiện một trường hợp bị nhiễm Covid-19, trong khi các cơ quan chức năng đang truy vết để tìm cách khoanh vùng và dập dịch thì các tài khoản mạng xã hội lại thi nhau thêu dệt nên bao hư cấu về trường hợp nhiễm Covid từ việc đi với bồ hay đi chơi nhiều nơi làm ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và tinh thần của người bệnh. Có khi họ không suy sụp vì bệnh tật mà suy sụp vì những làn sóng tẩy chay, chửi bới, sỉ nhục của cộng đồng mạng.
Trong sự việc sáng tác và thể hiện bài hát "Khu mấn quê mình" nhìn nhận một cách công bằng, tôi thấy A Páo vừa đáng trách vừa đáng thương. Đáng trách bởi lẽ có thể vì em chưa hiểu hết ý nghĩa của từ "khu mấn" mà đưa vào bài hát đã động chạm đến tính tự ái của người xứ Nghệ. Đáng thương vì em cô độc giữa cơn bão truyền thông và người dùng mạng xã hội vùi dập không thương tiếc.
A Páo cũng là con người, có những phút bồng bột là khó tránh khỏi. Thử hỏi trong gia đình mình, nếu có người thân vấp phải sai lầm như A Páo bị cộng đồng mạng vùi dập tơi tả đến thế ta có thấy đáng thương? Đối với người nghệ sĩ cả đời sáng tác chỉ để lại một, hai ca khúc được mọi người yêu mến và ca hát trong mỗi thôn xóm hay góc phố đã là thành công và để lại danh vọng cho đời. Đằng này A Páo đã để lại cho xứ Nghệ hai bài hát làm mê say bao người đó là bài hát "Hà Tĩnh quê ơi" phỏng thơ Trần Quốc Anh, Âm nhạc A Páo và bài hát "Tìm em câu ví sông Lam".
Đánh giá một cách khách quan là hai bài hát này hay và chân chất, mộc mạc. Không hay tại sao lại được nhiều ca sĩ và người dân hát đến vậy? Nhiều người nói hai bài hát này không có gì mới và ca từ là sự cắt ghép từ nhiều nguồn ghép lại mà thành bài hát. Ô hay, vậy tại sao trước khi A Páo làm mọi người không thử làm đi xem có hay và có hấp dẫn như A Páo đã làm không? Cứ khi người ta gặp sự cố lại a dua và kể tội.
Bảng chữ cái tiếng Việt có 29 chữ cái sao mọi người không xếp đúng vị trí để thành bài hát, bài thơ hay tiểu thuyết để nổi tiếng mà lại đi trách người khác cắt ghép từ nhiều nguồn.
Tôi thấy trên Facebook của Nguyễn Tiến Trình có đánh giá rất khách quan và công tâm như sau: "Trong cuộc sống ai cũng có những lúc sai lầm, vấp ngã nhưng biết nhận lỗi và đứng lên sau sai lầm và vấp ngã là điều đáng quý và nên làm. Chúc em vững vàng vượt qua mọi khó khăn để có những ca khúc mang đậm chất dân ca xứ Nghệ chất lượng, có nét riêng của nhạc sỹ Ngô Sỹ Ngọc tiếp tục ra đời để phục vụ khán giả. Với quan điểm cá nhân của mình, A Páo có thể không bằng những ca sỹ nổi tiếng khác nhưng vẫn có những nét riêng của mình, mộc mạc, chân chất, chân thành. Đó là cái hay của A Páo".
A Páo là người con của xứ Nghệ và đã để lại cho xứ Nghệ hai ca khúc rất hay. Từng đó đủ để mọi người biết và yêu mến A Páo. Dù sai lầm, dù bốc đồng thì A Páo vẫn là người con của xứ Nghệ mang chuông đi đánh xứ người và tiếng chuông đó có thể có lúc vang vọng, lúc trầm đục thì xứ Nghệ vẫn là nơi để A Páo trở về, là nơi chở che cho A Páo trước mọi phong ba bão táp.
Với mỗi người dù thành công hay thất bại thì quê hương chính là nơi để quay về. Nhưng với cú "sảy chân" của mình thì A Páo lại bị rất nhiều người xứ Nghệ chửi bới và lăng mạ. Chúng ta hãy thật tỉnh tâm để nhìn nhận sự việc và có những nhận xét khách quan, công tâm, có lý có tình. Đừng là nơi ác mộng để mỗi người con khi gặp sai lầm không dám quay về cố hương.
Người Nghệ có câu "giận thì giận mà thương lại càng thương! "Hy vọng sau sự cố này A Páo sẽ rút kinh nghiệm và có nhiều sáng tác hay với ngôn từ trong sáng để đáp lại tình yêu thương của người dân xứ Nghệ và cả nước./.
Tác giả: Mai Thanh Hải
Nguồn tin: nguoiduatin.vn