Chùa Vĩnh là một ngôi chùa có lịch sử lâu đời ở xóm Liên Tân, xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi chùa là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của nhiều thế hệ người dân địa phương nơi đây.
Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, ngôi chùa chỉ còn lại phần móng. Sau này, người dân địa phương lập bàn thờ tạm trong khuôn viên, nền đất cũ của ngôi chùa để thờ cúng.
Các phật tử vào chùa Vĩnh phụ giúp thầy Đồng Pháp trông trẻ. |
Theo lời kể của người dân địa phương, năm 2018, sư thầy Thích Đồng Pháp (SN 1993, quê ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc) về tiếp quản và giữ chức trụ trì chùa Vĩnh.
Không có chỗ ở, sư thầy phải dựng tạm một mái nhà tranh để có chỗ trú mưa nắng. Điều kiện sống hết sức thiếu thốn nhưng hằng ngày, một mình sư vẫn cần mẫn quét dọn, trông coi chùa, phục vụ việc lễ bái của người dân địa phương.
Tâm nguyện của sư thầy là về nơi đây trông coi, phục dựng chùa Vĩnh, nhưng rồi những đứa bé kém may mắn lần lượt bị bỏ rơi trước cổng chùa kèm lời nhắn "xin nương nhờ cửa Phật, nhờ thầy nuôi dưỡng" đã khiến thầy dần trở thành người cha bất đắc dĩ.
12 đứa trẻ bị bỏ rơi, được sư thầy đưa vào chùa chăm sóc, nuôi dưỡng. |
Nhân duyên đầu tiên là vào tối một ngày cuối năm 2019, một đứa bé cựa quậy trong cái bọc vải, đôi mắt nheo nhúm dưới tia nắng sớm, tiếng khóc im bặt khi thầy cúi sát xuống ẵm cái bọc lên. Đó là một buổi sáng định mệnh trong bước đường tu hành của sư trẻ Thích Đồng Pháp.
Thời gian đầu các bé sơ sinh đều do một mình thầy chăm sóc, nuôi dưỡng. Hàng đêm việc pha sữa cho trẻ, thay tã, bỉm rồi chăm sóc khi các bé ốm, nằm viện… đều do một tay sư Đồng Pháp đảm nhiệm. Nguồn sữa và đồ dùng cho trẻ, sư phải đi xin từ nhiều người.
Đến giờ, thầy trở thành cha nuôi của 12 đứa trẻ bị bỏ rơi. Đứa lớn nhất hiện chưa đầy 5 tuổi, đứa bé nhất vừa được 3 ngày tuổi. Những đứa trẻ được thầy cưu mang đều bị bỏ rơi lúc nửa đêm, rạng sáng. Có bé được đặt ở cổng chùa, bé được đặt trong chánh điện. Có bé còn nguyên cuống rốn, khi bé vừa sinh được ít ngày.
Hiện, nhà chùa đang nuôi 12 trẻ (cháu lớn nhất gần 5 tuổi, cháu nhỏ nhất chỉ mới 3 ngày tuổi) và 5 người khuyết tật, không nơi nương tựa. |
Người dân trong làng thương sư Đồng Pháp và lũ trẻ, khi cho bộ quần áo, lúc lại cho ít đồ chơi hay hộp sữa bò. Chính quyền địa phương cũng đã sẻ chia với sư thầy và các em bằng lòng cảm thông chân thành nhất.
Nhiều đơn vị, tổ chức và cá nhân biết tiếng sư Đồng Pháp và việc thiện của thầy, thỉnh thoảng lại đến thăm tặng quà cho các cháu. Trực tiếp giúp thầy việc sinh hoạt, ăn ở, đưa đón các em đi học hàng ngày là những phật tử có nhà ngay gần chùa. Họ đều là những người có gia đình, cháu con yên ấm. Các cô đến với các bé không chỉ vì công việc của người bảo mẫu mà còn vì lòng rung cảm, thương yêu, trìu mến với những đứa trẻ đáng thương.
Đã có nhiều người đến gặp sư Đồng Pháp để xin nhận một trong số bọn trẻ về làm con nuôi, nhưng sư đều từ chối. "Ngày nào tôi còn khỏe, tôi còn chăm cho các cháu có một cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác. Tôi nghĩ có lẽ cái duyên mình đã gắn bó với những đứa trẻ có hoàn cảnh như vậy, thì mình cứ hoan hỉ đón nhận", Sư Thích Đồng Pháp chia sẻ.
Hiện nay chùa Vĩnh đang được tôn tạo và xây mới. |
Khi được hỏi, nuôi 12 đứa con, có bao giờ thầy cảm thấy mệt mỏi không, thầy lắc đầu, nụ cười hiền hậu lấp lánh niềm vui trong ánh mắt: "Có bé khi mới nhặt về nuôi, đôi tay và đôi chân đã bị liệt bẩm sinh. Nhưng chỉ cần được nhìn thấy bọn trẻ lớn lên bên nhau mỗi ngày là tôi vui rồi. Đã xác định làm cha nuôi của các cháu, dù có khó khăn thế nào tôi cũng cố gắng hết sức để chăm sóc, nuôi nấng các cháu ăn học nên người", sư Đồng Pháp nói.
Thời gian này, sư Đồng Pháp đang bận rộn với việc xây mới khu nhà ở riêng cho các bé và tôn tạo lại ngôi chùa. Để trách tiếng ồn và bụi bẩn trong quá trình xây dựng, ảnh hưởng đến cuộc sống của các bé, sư Đồng Pháp đành phải mang một số đứa bé đến gửi tạm ở các ngôi chùa khác.
Ông Nguyễn Xuân Diệu, Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc cho biết: "Cách đây chừng 6 năm, sư thầy Thích Đồng Pháp về tiếp quản và giữ chức trụ trì chùa Vĩnh. Chùa không có chỗ ở, sư thầy phải dựng tạm một mái nhà tranh, để có chỗ trú mưa, trú nắng. Giờ đây, chùa Vĩnh không chỉ là nơi bà con địa phương sinh hoạt văn hóa tâm linh mà đã trở thành mái ấm, nơi nương tựa cho những đứa trẻ kém may mắn".
Tác giả: Thiện Quyền – Trung Hiếu
Nguồn tin: nguoiduatin.vn