Du lịch

Ngôi chùa nghìn năm hùng vĩ trên núi Đại Huệ

Nằm trên đỉnh núi Thăng Thiên (huyện Nam Đàn, Nghệ An), chùa Đại Tuệ nghìn năm tuổi được xây dựng bề thế, hùng vĩ giữa núi rừng.

Chùa Đại Tuệ tọa lạc trên đỉnh Thăng Thiên, thuộc dãy núi Đại Huệ (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An) có độ cao 450m so với mực nước biển. (Ảnh: Phạm Tâm).

Bao quanh ngôi chùa là khung cảnh hùng vĩ của núi rừng. Bên cạnh chùa có ao sen, giếng ngọc với dòng nước trong xanh, mát mẻ quanh năm. (Ảnh: Phạm Tâm).

Đứng trên đỉnh núi Thăng Thiên, phóng tầm mắt có thể thấy toàn cảnh các huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, TP Vinh cùng dòng sông Lam uốn lượn. (Ảnh: Phạm Tâm).

Chùa Đại Tuệ được vua Mai Thúc Loan sáng lập năm 713. Đến năm 1407, chùa được vua Hồ Quý Ly phục dựng. Đây là ngôi chùa duy nhất ở nước ta thờ Phật bà Đại Tuệ. (Ảnh: Phạm Tâm).

Trải qua thời gian, chùa Đại Tuệ chỉ còn lại 3 bức tường rêu phong và một mái nhà tranh. Năm 2011, công trình được xây dựng lại và hoàn thành sau 4 năm. (Ảnh: Phạm Tâm).

Chùa được xây mới trên khuôn viên rộng 6.000m2, gồm 20 hạng mục như bảo điện, tổ đường, nhà thờ Ngũ đế, nhà kỷ niệm đường, khu tăng xá... diện tích mỗi công trình từ 250-1.200 m2.

Đặc biệt, chùa còn có bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng với chiều cao 32m thờ thất Phật thế tôn và Phật Mẫu Đại Tuệ, Phật Di Lặc. (Ảnh: Phạm Tâm).

Ngoài ra, chùa còn thờ 5 vị vua: Vua Hùng, Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Quang Trung, Cảnh Thịnh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. (Ảnh: Phạm Tâm).

Hiện nền móng ngôi chùa cổ vẫn đang còn và được tôn tạo trang nghiêm để khách thập phương tham quan và lễ bái. (Ảnh: Phạm Tâm).

Năm 2016, chùa Đại Tuệ được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận 4 kỷ lục mới liên quan đến chùa. (Ảnh: Phạm Tâm).

Bao gồm: Chùa trên núi có hệ thống câu đối cuốn thư bằng chữ thuần Việt nhiều nhất, tượng hồng ngọc nhiều nhất, tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất và hồ nhân tạo lớn nhất. (Ảnh: Phạm Tâm).

Không chỉ là ngôi chùa có cảnh quan đẹp và nhiều công trình bề thế mà chùa Đại Tuệ còn mang trong mình những dấu ấn lịch sử. (Ảnh: Phạm Tâm).

Đến chùa lễ bái và vãn cảnh, du khách được hòa mình trong không gian trong lành, tĩnh mịch, là dịp để hiểu hơn về lịch sử của dân tộc. (Ảnh: Phạm Tâm)

Tác giả: Phạm Tâm

Nguồn tin: giaoducthoidai.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP