Du lịch

Ngôi đền thiêng thờ người hành khất trở thành tiến sĩ

Đền Đông Hải ở vùng cửa biển Nghệ An thờ một danh nhân có xuất thân rất đặc biệt từ một cậu bé hành khất thi đậu tiến sĩ và sau khi mất được tôn làm thành hoàng.

Đền Đông Hải (xã Phúc Thọ, Nghi Lộc, Nghệ An) thờ danh nhân tiến sĩ Phạm Huy. Ảnh: Hữu Thành

Xã Phúc Thọ thuộc huyện Nghi Lộc (Nghệ An), là vùng cửa biển của xứ Nghệ (Cửa Hội). Tại đây có ngôi đền Đông Hải thờ tiến sỹ Phạm Huy, một danh nhân có lịch sử xuất thân hết sức đặc biệt.

Theo tộc phả dòng họ Phạm ở làng Cổ Bái (xã Phúc Thọ), ngày xưa có người mẹ nghèo khổ cùng con trai từ Hưng Yên vào làng hành khất. Cậu bé tên Phạm Lồng sinh năm 1470, lúc đó khoảng chừng 10 tuổi.

Đến một nhà thuộc hàng khá giả trong làng Cổ Bái, gia chủ không có con, thấy cậu bé khôi ngôi tuấn tú, muốn nhận cậu làm con nuôi, nhưng mẹ cậu thì phải tiếp tục đi hành khất.

Bên trong đền Đông Hải. Ảnh: Hải Đăng

Phạm Lồng cảm tạ gia chủ nhưng không đành lòng để mẹ đi hành khất một mình nên xin cho mẹ cậu được ở lại giúp đỡ việc nhà.

Cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của Phạm Lồng, chủ nhà đồng ý để hai mẹ con cùng ở lại và đổi tên cậu thành Phạm Huy với mong ước sự nghiệp của cậu sẽ được huy hoàng, rạng rỡ.

Phạm Huy thông minh xuất chúng, chẳng bao lâu sức học đã vượt bạn bè đồng trang lứa, người cha nuôi phải gửi cậu sang ông đồ làng bên (nay là xã Nghi Xuân - huyện Nghi Lộc) để tiếp tục thụ giáo.

Khoa thi năm Quý Sửu, niên hiệu Hồng Đức thứ 24 (1493), Phạm Huy xuất sắc ghi danh bảng vàng với học vị Tiến sĩ, triều đình ban lệnh cho địa phương tổ chức lễ vinh quy bái tổ.

Tương truyền, ngày ấy hai làng tranh chấp về quyền làm chủ lễ vinh quy bái tổ của Tiến sĩ Phạm Huy. Làng bên cho rằng, nếu không có thầy đồ nhiều chữ của làng này dạy dỗ thì làm gì có Tiến sĩ Phạm Huy hôm nay.

Còn làng Cổ Bái lý luận rằng, nếu không có gia đình cha mẹ nuôi cưu mang thì làm sao có một Phạm Huy giỏi giang để ghi danh bảng vàng. Không ai chịu ai, cuối cùng triều đình phải phân xử và phần thắng thuộc về làng Cổ Bái.

Tiến sĩ Phạm Huy làm đến chức Công Bộ đô cấp sự trung. Ông làm quan thanh liêm, chính trực nên được nhân dân yêu mến, kính trọng.

Về hưu tại làng Cổ Bái, ông vận động, tổ chức bà con nhân dân tiếp tục khai khẩn đất hoang, mở rộng làng mạc, phát triển nghề đánh cá, cuộc sống ngày càng no đủ.

Sau khi Phạm Huy mất, người dân làng Cổ Bái tôn ông làm Thành hoàng và lập đền thờ. Hiện tại, ở đền Đông Hải vẫn còn lưu giữ 7 sắc phong của triều Hậu Lê và triều Nguyễn, nội dung ca ngợi công lao, đức độ của Tiến sỹ Phạm Huy.

Đền thờ Tiến sĩ Phạm Huy sau được một người con cháu trong dòng họ là ông Phạm Thiên Long – một đại gia ngành dược ở TPHCM tài trợ phục dựng.

Đền Đông Hải còn phối thờ các vị anh hùng dân tộc Yết Kiêu và Sát hải đại vương Hoàng Tá Thốn - hai tùy tướng của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Hàng năm, vào ngày rằm tháng Ba âm lịch, tại đây diễn ra lễ tế, cầu quốc thái dân an, trời yên biển lặng, mưa thuận gió hòa.

Câu chuyện cảm động về lòng hiếu thảo, ý chí vượt khó và phẩm chất đức độ thanh liêm, chính trực, hết lòng vì dân của danh nhân Phạm Huy được đời sau truyền tụng như một tấm gương sáng để noi theo.

Tác giả: Quang Đại

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP