Xã hội

Người đàn ông cụt hai chân vẫn đi sửa xe khắp phố

Bị cụt cả hai chân, ngày ngày ông Nguyễn Văn Mị đẩy xe lăn ra góc phố hành nghề bơm xe, vá săm và sửa chữa xe đạp, xe máy. Chiếc xe lăn ấy còn đưa ông đi sửa xe “di động” khắp nơi, kiếm thêm đồng tiền để trụ vững trong lam lũ đời thường.

Ông Mị luôn quan niệm sống là phải luôn vươn lên chính mình dù có khó khăn đến mấy.

Biến cố bất ngờ

Ông Nguyễn Văn Mị (57 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) bị một tai nạn giao thông kinh hoàng năm 43 tuổi khiến hai ống chân dập nát. Vụ tai nạn làm biến đổi cuộc đời ông.

Đến ngã tư ga Vinh (TP Vinh), chúng tôi hỏi ông Mị sửa chữa xe đạp, xe máy ở đâu, một người lái xe ôm chỉ tay về một chiếc bơm và hộp gỗ trên vỉa hè nói: “Đó là nơi hành nghề của ông Mị đấy. Ông ấy sửa xe gần 15 năm nay rồi. Giờ ông đang đi sửa xe “di dộng” chút nữa mới về”.

Giải thích về việc ông Mị đi sửa xe “di động” người lái xe ôm nói: “Ông Mị giỏi nghề lại vui tính nên có nhiều người biết. Hễ xe của họ bị hỏng mà không đến được chỗ này thì luôn gọi điện cho ông Mị đến sửa. Khi nào thấy ông Mị tay cầm điện thoại và cột hai túi bóng vào hai bên xe lăn là biết ông chuẩn bị đi sửa xe di động. Nhiều khi trời mưa hoặc nắng thấy ông gồng người dùng hai tay lăn bánh xe để đi hành nghề, ai thấy cũng cảm phục. Nhiều lần, có người ngỏ ý dùng xe máy để chở ông đi cho khoẻ nhưng ông từ chối. Với ông việc gì có thể làm được thì không bao giờ làm phiền đến lòng tốt của người khác”.

Đang kể chuyện thì người xe ôm chỉ về phía góc đường và nói: “Ông Mị về rồi đó”. Nhìn theo hướng chỉ tay, chúng tôi thấy ông Mị ngồi trên chiếc xe lăn đã cũ. Một bên xe là hai túi nilon đồ nghề, bên còn lại là chiếc ô cột chặt vào tay xe lăn và hai chai nước treo lủng lẳng.

Ông Mị kể, khi chưa bị tai nạn, ông là công nhân Công ty Xây lắp điện. Vợ ông cũng là công nhân. Tuy đồng lương ít ỏi nhưng hai vợ chồng tiêu pha tiết kiệm nên cũng đủ nuôi hai con trai khôn lớn. Hiện, hai con của ông đều đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định.

Dù bị cưa cụt hai chân nhưng ông Mị vẫn luôn lạc quan, mưu sinh bằng nghề sửa xe máy, xe đạp. Ảnh: Vũ Đồng

Đang trò chuyện, giọng ông bỗng trầm lại khi nhớ lại biến cố của đời mình. Đó là năm 2004, khoảng 15h khi ông đi về phía chợ Vinh nhưng vừa đến đường Quang Trung thì bất ngờ bị chiếc xe xích lô chở gỗ tông phải. Cú tông mạnh khiến ông văng ra đường, đúng lúc một chiếc xe tải lao tới cán ngang qua hai chân ông. Tỉnh dậy, ông mới biết mình đang nằm trong bệnh viện với hai ống chân dập nát. Ngay trong đêm hôm đó, ông được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cấp cứu. Lúc đó, ông bàng hoàng vì biết đôi chân mình đã bị cưa cụt đến quá đầu gối.

“Thấy chân bị cưa cụt, tôi như người mất hồn với bao ý nghĩ trong đầu. Đôi chân không còn thì làm sao cáng đáng được công việc của một người chủ gia đình? Lấy gì nuôi sống gia đình? Vợ tôi một mình có gồng gánh được hai con thơ dại với người chồng bị tàn tật không?”, ông Mị trầm ngâm kể.

Nhưng mọi suy nghĩ đó của ông dần vơi đi khi vợ con, đồng nghiệp luôn ở bên cạnh chia sẻ và động viên. Nhờ thế, ông lấy lại tinh thần và nghĩ cách kiếm nghề để phụ thêm cho vợ. Ông nghĩ, mình không thể cứ ngồi ở nhà được. Còn hai tay thì vẫn còn làm nghề để có thể kiếm đồng tiền nuôi bản thân và phụ cho vợ nuôi hai con học hành đến nơi đến chốn.

Sau 3 tháng điều trị tích cực tại bệnh viện, ông được về nhà. Sau đó điều trị, luyện tập ở nhà thêm 1 năm, vết mổ trên đôi chân ông Mị mới lành.

Ông thợ sửa xe tốt bụng

Vết thương lành hẳn, ông bắt đầu tập làm công việc dọn dẹp nhà cửa. Dần dần ông giúp vợ con đi chợ bằng xe lăn rồi về nấu nướng, giặt quần áo. Ông kể: “Lúc đầu, thấy tôi làm, vợ và con đều không cho vì sợ tôi vất vả. Nhưng tôi nói với ba mẹ con rằng ngồi nhiều cũng mệt, buồn tay buồn chân lắm, làm được gì trong nhà cho mẹ con đỡ việc là vui rồi. Thấy tôi nói có lý nên cả ba mẹ con cũng ủng hộ”.

Khi đã thạo việc nhà, ông bắt đầu nghĩ cách đi tìm một nghề phù hợp để làm kiếm thêm thu nhập. Đến năm 2005, ông Mị quyết định ra ngã tư ga Vinh bơm xe vá săm và sửa chữa xe đạp, xe máy. Đây là công việc ông đã quen từ hồi chưa xây dựng gia đình. Cũng nhờ thế, hình ảnh người đàn ông bị cưa cụt hai chân, khuôn mặt hiền lành và phúc hậu ngồi trên chiếc xe lăn đeo lủng lẳng các vật dụng bơm, chậu, chai nước trở nên quen thuộc với những ai thường xuyên đi qua ngã tư ga Vinh này.

Mỗi ngày đi làm từ 6h sáng đến 19h tối, ông Mị cũng được gần 100.000 đồng. Còn những hôm đi sửa xe “di động”, ông lại kiếm thêm được vài chục ngàn đồng nữa. Riêng đối với chị em công nhân làm đường, học sinh, sinh viên thì ông Mị không bao giờ lấy tiền sửa xe. “Có lần thấy một cậu sinh viên dắt xe đi ngang qua cứ nhìn tôi, tôi biết xe cậu ta bị thủng săm nhưng cậu ta cứ ái ngại không vào sửa xe. Tôi hỏi thì cậu ấy bảo không mang theo tiền nên không dám vào. Tôi cười và nói luôn sẽ vá xe miễn phí. Thế nhưng hôm sau, cậu ấy quay lại gửi tiền cho tôi”, ông Mị kể lại một kỷ niệm.

Cuộc sống gia đình tuy còn nhiều khó khăn nhưng ông Mị luôn giữ cách sống đẹp: Ông không chỉ sửa xe miễn phí cho nhiều người mà nhiều lần ngồi ở góc ngã tư này, ông đã nhặt được ví tiền và tìm cách trả lại cho người đánh mất.

Một bác xe ôm kể: “Năm 2013, trên đường đi làm về, đến cổng chi nhánh Ngân hàng TMCP Sài Gòn (đường Nguyễn Sỹ Sách), bất ngờ ông Mị thấy một chiếc ví dày cộp rơi giữa đường. Nhìn nhìn xung quanh xem có ai rơi ví đang tìm kiếm để báo cho họ nhưng không thấy nên ông dừng xe lăn, cầm chiếc ví để trước bụng rồi tiếp tục về. Đi được mấy chục mét thì thấy một chiếc xe máy chạy ngược chiều, tốc độ rất chậm. Hai người ngồi trên xe đưa mắt dõi theo ánh đèn pha nhìn ngó khắp nơi như muốn tìm lại vật gì đó. Thấy thế, ông Mị chủ động hỏi và biết được hai người này đang tìm lại ví tiền bị rơi. Sau khi hai người nói rành mạch trong ví có 34,8 triệu đồng, ông Mị kiểm tra thấy đúng số tiền trên nên trả lại cho họ. Một lần khác, ông nhặt được ví có tiền, thẻ ATM và giấy tờ tuỳ thân. Sau đó, ông đã liên hệ và trả lại cho người đánh rơi”.

Ông Mị kể: “Thấy tôi bị cụt hai chân mà ngồi vá săm xe đạp, xe máy thì có người đến đặt vấn đề đưa tôi đi làm “bình phong” xin tiền khắp ga tàu, bến chợ, quán xá. Sáng đi xin, tối mịt mới về. Họ trả “lương” 6 triệu đồng/tháng. Nghĩ cái trò lừa đảo, siêng ăn nhác làm ấy tôi từ chối ngay. Tôi vẫn còn sức khoẻ, còn đôi tay thì vẫn làm được nghề, kiếm những đồng tiền chân chính”.

Tác giả: Vũ Đồng

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP