Trường ĐH Luật Hà Nội. |
Không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm vì không là công chức, viên chức (!)
Theo tìm hiểu của PV Dân trí, mới đây Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng đã ký văn bản số 2145/BTP-TCCB gửi ông Lê Đình Vinh- Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink để thông báo giải quyết kết quả thí điểm thi tuyển Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội gây ồn ào suốt 3 năm qua.
Bộ Tư pháp cho biết khi chuẩn bị tổ chức thi tuyển thì ngày 26/5/2015 Bộ Chính trị ban hành Thông báo số 202-TB/TW kết luận về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Trên cơ sở rà soát và với cách hiểu rằng nội dung Đề án thí điểm thi tuyển của Bộ Tư pháp cơ bản phù hợp với tinh thần, nội dung của Thông báo số 202-TB/TW nên trong các ngày 31/8/2015 và 1/9/2015 Bộ này đã tổ chức thi tuyển.
Kết thúc kỳ thi, ông Lê Đình Vinh là ứng viên đã được công bố trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội.
Tuy nhiên, ngay sau ngày công bố kết quả thi tuyển, Bộ Tư pháp nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chuyển “Đơn kính báo và khiếu nại” đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, báo cáo về sự việc.
Bộ Tư pháp đã rà soát và thấy rằng đây là đơn nặc danh, nội dung trong đơn phản ánh không có cơ sở nên cuối tháng 12/2015 đã có báo cáo Thường trực Chính phủ về vấn đề này.
Riêng nội dung liên quan đến điều kiện người dự thi tuyển “phải là công chức, viên chức” do còn cách hiểu khác nhau về tinh thần, nội dung Thông báo số 202-TB/TW nên tháng 1/2016 Bộ Tư pháp tiến hành họp với sự tham dự của đại diện một số cơ quan Trung ương, thống nhất tạm dừng triển khai việc bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội đối với ông Lê Đình Vinh để chờ đến khi đề án của Ban cán sự Đảng Chính phủ được ban hành sẽ chính thức giải quyết.
Ngày 9/5/2017 Bộ Nội vụ có công văn hướng dẫn triển khai thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng. Trong đó đã làm rõ những nội dung có cách hiểu khác nhau về Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, tại thời điểm thi, vị trí công tác ông Vinh đã dự thi phải là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức. “Ông không thuộc đối tượng tham gia dự tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng nói chung và chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội nói riêng. Bộ Tư pháp có thiếu sót là chưa kịp thời điều chỉnh đối tượng thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội theo Đề án của Bộ để phù hợp với Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị”- văn bản của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nêu rõ.
Với những lý do trên, Bộ Tư pháp đã họp và nhận thấy Bộ không có đủ cơ sở để bổ nhiệm ông Lê Đình Vinh giữ chức Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, mặc dù ông Vinh đã được công bố trúng tuyển.
“Để xảy ra sự việc nêu trên là điều rất đáng tiếc và nằm ngoài mong muốn của Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp trân trọng xin lỗi và mong muốn nhận được sự chia sẻ, thông cảm từ phía ông về sự việc này. Bộ Tư pháp sẽ chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra thiếu sót nêu trên kiểm điểm nghiêm túc và coi đây là bài học sâu sắc trong công tác quản lý của Bộ”- Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho hay.
Tuy vậy, Bộ Tư pháp khẳng định, trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những ý tưởng, giải pháp nhằm đổi mới bộ máy và hoạt động của Trường ĐH Luật Hà Nội mà ông Vinh đã đề xuất trong quá trình tham dự kỳ thi, đặc biệt là một số ý tưởng, giải pháp về đổi mới cơ chế quản trị đại học, tiếp cận trình độ tiên tiến, phát huy giá trị cốt lõi và tăng cường năng lực cạnh tranh,…
Văn bản này của Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cũng được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ,…
TS Lê Đình Vinh (đứng thứ 2 từ phải sang) và các ứng viên trúng tuyển trong kỳ thi năm 2015 được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tặng hoa chúc mừng (Ảnh: Bộ Tư pháp). |
Có gì “khuất tất”, “mờ ám”?
Sau khi nhận được văn bản của Bộ Tư pháp, luật sư Lê Đình Vinh lập tức có đơn khiếu nại và kiến nghị gửi tới Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và các cơ quan liên quan cho rằng theo Đề án thí điểm thi tuyển lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng của Bộ Tư pháp thì cả 4 vị trí thi tuyển (Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội và Giám đốc Học viện Tư pháp) đều mở rộng cho các đối tượng không phải là công chức tham gia.
“Có nghĩa là cả Đề án không phù hợp với Thông báo số 202-TB/TW của Bộ Chính trị. Vậy tại sao Bộ Tư pháp không huỷ toàn bộ đề án và huỷ toàn bộ kết quả kỳ thi mà chỉ dừng bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội?. Việc dừng bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội trong khi vẫn bổ nhiệm các vị trí khác đã trúng tuyển trong cùng một kỳ thi có đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các thí sinh hay không?”- ông Vinh phân tích.
Đặc biệt, trong đơn kiến nghị của mình, TS Lê Đình Vinh đặt nghi vấn: “Liệu có chuyện gì “khuất tất”, “mờ ám” trong việc tổ chức thi tuyển và xử lý kết quả thi tuyển vị trí Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội vừa qua? Đặc biệt là có việc gạt “người ngoài” để dọn đường cho “người nhà” hay không?”.
TS Lê Đình Vinh cho rằng việc Bộ Tư pháp không huỷ bỏ Đề án và Kỳ thi mà chỉ căn cứ vào công văn của Bộ Nội vụ để kết luận không có đủ cơ sở để bổ nhiệm ông giữ chức Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội là không có căn cứ pháp luật, vi phạm Đề án do chính Bộ Tư pháp ban hành và xâm phạm quyền lợi hợp pháp của cá nhân ông Vinh.
“Tôi khiếu nại toàn bộ nội dung giải quyết của Bộ Tư pháp với lý do không có căn cứ pháp luật. Đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, chỉ đạo giải quyết lại toàn bộ sự việc theo đúng trình tự, thủ tục và theo đúng pháp luật, đảm bảo sự công khai, minh bạch, khách quan, công bằng”- Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink nhấn mạnh.
Ai sẽ bị xem xét kỷ luật? Kỳ thi tuyển lãnh đạo cấp Vụ của Bộ Tư pháp được tổ chức vào đầu tháng 9/2015 do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường làm Chủ tịch Hội đồng thi. |
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: Báo Dân trí