Bệnh nhân tìm đến BV Da liễu Trung ương để thăm khám và khắc phục hậu quả trong tình trạng da dễ bị kích ứng-bị đỏ, sưng và ngứa. Đồng thời, da mặt bị sạm đen, xuất hiện những vùng trắng, đen khác biệt rõ rệt.
Theo ThS. Bác sỹ Lê Thị Mai, khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương, qua khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân này được cơ sở làm đẹp cho sử dụng kem trộn trong thời gian 6 tháng. Thời gian đầu bệnh nhân rất hài lòng vì làn da trắng và mịn rất nhanh. Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng sử dụng, da bệnh nhân dần mỏng, các mạch máu nổi rõ trên khuôn mặt.
Đặc biệt là da bệnh nhân rất dễ bị kích ứng, bị đỏ, sưng và ngứa. Sau đó bệnh nhân ngừng bôi kem do cơ sở spa bán cho và bị ngứa ngáy không chịu nổi; nổi mẩn nhiều hơn; da sạm đen đi. “Trên cùng khuôn mặt, làn da của cô ấy như cái bánh đa vừng đen, lỗ chỗ chỗ trắng, chỗ sạm đi. Bệnh nhân khá tự ti, chán nản và không kém phần lo sợ”, bác sỹ Lê Thị Mai cho biết.
Khuôn mặt của nữ bệnh nhân xuất hiện nhiều vùng nám sạm sau khi sử dụng kem trộn. Ảnh BSCC |
Bệnh nhân đã được bác sỹ chỉ định dùng kem chống nắng 3 giờ/lần, bôi các sản phẩm chống viêm không chứa corticoide, kem giữ ẩm, kháng histamin đường toàn thân nhằm hạn chế các phản ứng viêm gây tiếp tục tăng sắc tố. Đồng thời, bệnh nhân cũng được sử dụng các liệu trình điều trị tại chỗ không xâm lấn để khắc phục tình trạng tăng sắc tố và mẩn ngứa.
“Với trường hợp bệnh nhân này, ngoài khắc phục những “lỗi” mà bệnh nhân đang gặp phải khi làm đẹp không đúng cách, bác sỹ còn phải “chữa trị” cả tâm lý để bệnh nhân yên tâm điều trị. Bởi bản thân bệnh nhân khi đến viện đã rơi vào trạng thái hoang mang, lo sợ không chữa khỏi”, bác sỹ Mai chia sẻ.
Theo các chuyên gia da liễu, việc khắc phục tình trạng tăng sắc tố do sử dụng kem trộn sẽ mất thời gian dài. Trung bình từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí với những trường hợp mất sắc tố thì trở nên “vô phương cứu chữa” bởi các chất làm trắng da hoạt động bằng cách giảm sự hiện diện của sắc tố melanin trên da.
Các sản phẩm sử dụng làm trắng da thường chứa nồng độ khác nhau của hydroquinone, corticosteroid, thủy ngân và các tác nhân khác, chẳng hạn như axit salicylic, hypochlorite. Những hợp chất này gây tổn thương da nếu sử dụng không đúng. Cụ thể chất hydroquinone có thể gây tăng sắc tố, teo da, giãn mạch, mụn trứng cá nặng, mất độ đàn hồi của da khiến da lỏng lẻo. Mặt khác, corticosteroid được hấp thụ nhanh chóng, có thể dẫn đến nhiễm nấm da, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc vô sinh.
Đây không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất bị biến chứng sau khi sử dụng sản phẩm làm trắng da mà không để ý đến những tác dụng phụ. Thực tế thời gian qua BV Da liễu Trung ương đã tiếp nhận rất nhiều những ca “tai nạn” sau khi sử dụng kem trộn, kem làm trắng da, kem chứa thành phần corticosteroid.
Có thể kể đến trường hợp nữ bệnh nhân 20 tuổi vào khám trong tình trạng gương mặt nổi đầy mụn mủ, chảy dịch… sau khi dùng các loại kem trộn trị nám má, mụn trứng cá. Sau một thời gian bôi, cô gái này thấy da láng mịn bất ngờ. Tuy nhiên, khi bệnh nhân ngừng bôi thì mặt đã bùng phát nhiều mụn trứng cá, tình trạng nặng nề hơn lúc đầu chỉ trong thời gian rất ngắn.
Tương tự, một nam sinh 16 tuổi nhập viện với khuôn mặt chi chít mụn sau khi sử dụng sản phẩm kem trị mụn được rao bán trên mạng xã hội. Sau 2 tuần sử dụng, mặt mụn của nam thanh niên gần như không còn nhưng khi ngừng bôi, vùng da mặt lúc này bắt đầu xuất hiện nhiều mụn hơn với dạng mụn mủ, gây ngứa ngáy, khó chịu.
Bác sỹ Mai thông tin, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, phản ứng phụ thường gặp thường là từ 55%- 80% trong tổng số người sử dụng kem trộn. Vì thế, để có một làn da đẹp, mọi người cần đến các cơ sở chăm sóc da có đội ngũ bác sĩ da liễu có trình độ chuyên môn tốt để được chăm sóc đúng cách và tránh những biến chứng đáng tiếc.
Tác giả: Vân Hà
Nguồn tin: Báo Pháp luật & Xã hội