TAND tỉnh Yên Bái vừa tuyên án các bị cáo vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" xảy ra tại huyện Yên Bình giai đoạn 2020 - 2021.
Đáng chú ý, HĐXX sơ thẩm đã bác bỏ các cáo buộc đối với ông Đinh Tiến Hùng - nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái về vai trò "người khởi xướng" trong vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Trung Dũng tuyên ông Đinh Tiến Hùng không có tội. Việc giải quyết các quyền, lợi ích hợp pháp của ông Đinh Tiến Hùng sẽ được tiến hành theo quy định của pháp luật.
Ông Đinh Tiến Hùng sau khi được HĐXX sơ thẩm tuyên vô tội. (Ảnh: Công Lý) |
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội ngay trong phiên tòa hình sự sơ thẩm là chuyện ít khi xảy ra ở Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật, một người chỉ bị coi là có tội khi bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, người phạm tội có quyền bào chữa và không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội. Cơ quan điều tra chịu trách nhiệm đối với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Quyết định trên cho thấy, quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm cho rằng việc khởi tố, điều tra, truy tố đối với ông Đinh Tiến Hùng về tội danh này là không có căn cứ. Hành vi của ông Hùng không cấu thành tội phạm nên đã tuyên bố bị cáo không phạm tội.
Đối với trường hợp điều tra, truy tố không đúng quy định pháp luật gây oan sai, theo quy định của pháp luật, người ký các quyết định này, những người tham gia hoạt động tiến hành tố tụng trong vụ án này có sai phạm và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể sẽ phải xin lỗi và bồi thường oan sai.
Người bị khởi tố oan sai, bị truy tố oan sẽ được xin lỗi, được bồi thường và được phục hồi các quyền cơ bản của công dân, trong đó sẽ được cơ quan đơn vị nhận trở lại làm việc.
Tuy nhiên, luật sư Cường cho rằng, đây chỉ là bản án sơ thẩm, rất có thể Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Yên Bái sẽ kháng nghị đối với một phần hoặc toàn bộ bản án này, đặc biệt là với nội dung tuyên bố bị cáo Hùng không phạm tội. Trường hợp có kháng nghị, bản án này chưa có hiệu lực pháp luật và hồ sơ sẽ được chuyển đến tòa án cấp cao tại Hà Nội để xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Trong trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn luật định sẽ không có hiệu lực pháp luật đối với phần bản án bị kháng cáo kháng nghị, khi đó các quyền lợi của bị cáo có thể sẽ chưa được phục hồi. Trong vụ án này, nếu ông Hùng không có kháng cáo và Viện Kiểm sát không có kháng nghị đối với phần xét xử với ông Hùng trong thời hạn luật định thì mới có hiệu lực pháp luật.
Bởi vậy, phải chờ đợi sau 15 ngày, kể từ ngày xét xử sơ thẩm (hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị) mà không có bất kỳ kháng cáo kháng nghị nào đối với phần bản án này, quyền lợi của ông Hùng mới được xem xét phục hồi theo quy định của pháp luật. Trường hợp có kháng cáo hoặc kháng nghị. tòa án cấp phúc thẩm sẽ thụ lý và xem xét xét xử theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết quả xét xử phúc thẩm vẫn giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm, xác định ông Hùng không phạm tội, khi đó mới giải quyết hậu quả của việc điều tra, truy tố oan sai.
Đây là vụ án phức tạp, quan điểm của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và quan điểm của tòa án cấp sơ thẩm là khác nhau, thậm chí là mâu thuẫn nhau, dẫn đến kết quả giải quyết vụ án tuyên bố bị cáo không phạm tội là khá bất ngờ.
Thông thường những vụ án mà tòa án xét xử tuyên bố bị cáo không phạm tội là những vụ án kéo dài nhiều năm, có sai sót về đánh giá chứng cứ, về quy trình tố tụng. Tuy nhiên, những năm gần đây những vụ án oan sai đã giảm đi nhiều.
Thực tiễn tố tụng cho thấy những vụ án mà khởi tố, điều tra, truy tố nhưng không có căn cứ để kết tội đối với bị can (do không chứng minh được tội phạm) thì sẽ kết thúc bằng quyết định đình chỉ điều tra, vụ án đẩy ra đến tòa án để xét xử và tòa án tòa án tuyên bố bị cáo không phạm tội là hiếm khi xảy ra trong những năm gần đây.
Vụ án cho thấy niềm tin vào công lý đối với bị cáo, với người bào chữa, gia đình của bị cáo và nhiều người khác trong xã hội. Tuyên một bản án có nội dung bị cáo không phạm tội như trên phần nào thể hiện sự khách quan của hội đồng xét xử và có thể sẽ được dư luận đồng tình ủng hộ.
Đối với nội dung bản án, kết quả xét xử, phải căn cứ vào kết quả điều tra, truy tố và kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Việc bị cáo có tội hay không có tội do hội đồng xét xử quyết định theo đa số, căn cứ vào quy định pháp luật, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Tòa án cấp sơ thẩm có quyền tuyên bố bị cáo không phạm tội nếu bị cáo không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Tòa án cấp phúc thẩm cũng có thể tuyên bố giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với nội dung kháng cáo hoặc sửa bản án sơ thẩm hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, điều tra lại... Bởi vậy, nếu có kháng nghị, bị cáo và gia đình bị cáo sẽ tiếp tục chờ đợi kết quả xét xử phúc thẩm, sẽ tiếp tục tinh thần nghị lực để theo đuổi vụ án, bào chữa để bảo vệ quan điểm như đã trình bày ở cấp sơ thẩm.
Vụ án này dư luận xã hội quan tâm và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải thận trọng trong việc xem xét đánh giá chứng cứ, đánh giá về bản chất vụ án.
Trong trường hợp bản án có hiệu lực pháp luật xác định bị cáo bị oan và không kết tội bị cáo, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng sẽ được đặt ra, khi đó bị cáo có quyền yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước hiện hành.
Theo cáo trạng, Công ty TNHH Tuyên Huy, do ông Nguyễn Văn Hậu làm Giám đốc, có mỏ quặng ở xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Mỏ quặng này đã hết hạn và đang trong quá trình xin cấp phép lại. Năm 2020, để chuẩn bị cho việc khai thác khi được cấp phép lại, Công ty Tuyên Huy đã hợp tác với Công ty TNHH Ngọc Tâm của ông Lăng Đức Hân để mở một con đường vào khu mỏ. Trong quá trình thi công, ông Lăng Đức Hân phát hiện nhiều hầm lò cũ và quyết định nổ mìn để lấy đá làm đường, đồng thời kiểm tra có quặng chì - kẽm hay không; nếu có quặng sẽ tách riêng và tìm cách xử lý sau. Tháng 10/2020, vì gặp khó khăn trong quá trình cấp lại giấy phép, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Phó Giám đốc Công ty Tuyên Huy đã nói với ông Nguyễn Văn Hậu rằng có quen biết ông Đinh Tiến Hùng - lúc đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn Yên Bái. Cả hai đã gặp nhau tại thành phố Yên Bái và thảo luận tại quán cà phê Đồng Tâm (đường Yên Ninh). Theo cáo trạng, tại buổi gặp gỡ này, ông Hùng đã đề xuất sẽ giúp quan hệ và tạo điều kiện cho việc khai thác tài nguyên trái phép. Ông Hùng được chia 1/3 số tiền thu được từ hoạt động này. Tháng 3, 4 năm 2021, Công an Yên Bái đã khởi tố các vụ án "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Sử dụng trái phép vật liệu nổ" dựa trên lời khai của các đối tượng, mặc dù ông Hùng không thừa nhận vai trò của mình trong vụ án. Hơn 1 năm sau, ông Hùng bị khởi tố với tư cách là "người khởi xướng" trong vụ "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên". Thông qua quá trình thẩm định, khối lượng đất đá được xác định là "quặng chì - kẽm" có trị giá hơn 2 tỷ đồng và khoảng hơn 1.000 tấn. Ông Hùng được tại ngoại và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm rời khỏi nơi cư trú. |
Tác giả: Hải Ninh
Nguồn tin: kienthuc.net.vn