Nhà máy xử lý rác huyện Nghĩa Đàn-Nghệ An. Ảnh: PV |
Xử lý rác tốt nhất tỉnh
Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ cao đóng trên địa bàn xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) do Cty CP Tập đoàn công nghệ T-TECH Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 11.2016 đến tháng 6.2017; chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7.2017; công suất xử lý 75 tấn rác/ngày đã giải quyết được bài toán rác tồn đọng trong nhiều năm qua ở Nghĩa Đàn.
Nhà máy được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín, xử lý rác bằng cách phân loại, đốt và cho ra sản phẩm là gạch không nung và hạt nhựa. Đại diện chủ đầu tư nhà máy cho biết, đây là dự án thuộc diện thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện lượng rác toàn huyện thu gom về vẫn chưa đủ công suất hoạt động của nhà máy.
Ông Phạm Hải - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình - cho biết: Nhà máy xử lý rác đóng trên địa bàn xã, qua 1 năm hoạt động cho thấy xử lý rác rất tốt, không gây ô nhiễm môi trường, người dân không có phản ánh gì. Môi trường trong nhà máy rất sạch sẽ, không khí trong lành.
Ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn - cũng ghi nhận hoạt động của nhà máy xử lý rác tại Nghĩa Bình rất tốt, không gây ô nhiễm. “Đây là nhà máy xử lý rác tốt nhất của Nghệ An” - ông Sơn nhận định.
Chưa có tiền xử lý rác
Tuy nhiên, một nghịch lý là mặc dù đã hoạt động hơn 1 năm và cho kết quả tốt, nhưng toàn bộ kinh phí hoạt động của nhà máy vẫn do phía chủ đầu tư tự lo, chưa nhận được kinh phí xử lý rác theo quy định.
Ông Triệu Tiến Đàm - Giám đốc nhà máy - cho biết: Trung bình mỗi ngày nhà máy xử lý khoảng 50 tấn rác nhưng toàn bộ chi phí đều đang do Cty bỏ ra. Mỗi tháng phải chi hơn 200 triệu đồng cho toàn bộ hoạt động, bao gồm trả lương cho khoảng 30 lao động, chưa kể khấu hao máy móc, thiết bị và lãi suất ngân hàng.
Trả lời câu hỏi tại sao nhà máy đi vào hoạt động đã hơn 1 năm nhưng vẫn không được trả tiền xử lý rác(?), ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn công nghệ T-TECH - cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần gửi công văn cho chính quyền địa phương đề nghị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Có vướng mắc một số thủ tục dẫn đến việc giữa chủ đầu tư nhà máy xử lý rác Nghĩa Đàn và UBND huyện Nghĩa Đàn chưa ký được hợp đồng. Nếu tình trạng này kéo dài chúng tôi sẽ rất khó khăn”.
Ông Phạm Hải - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình - cho biết: Theo mức giá hiện hành, chi phí xử lý rác khoảng 400.000 đồng/tấn nhưng hỗ trợ của huyện và của tỉnh chưa có, lâu nay nhà máy phải làm không công tự bỏ tiền ra cho tất cả các hoạt động.
Còn theo ông Lê Hồng Sơn - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn, đến nay hai bên vẫn chưa ký hợp đồng xử lý rác. Nguyên nhân chưa chi trả kinh phí cho nhà máy là do chưa có tiền, đang ghi nợ nhà máy và chưa biết khi nào có tiền.