Tin trong tỉnh

Nhà thầu xây dựng Thuỷ điện Bản Vẽ tự ý bán tài sản trên đất cho người dân Tương Dương (Nghệ An)

Công trình thuỷ điện Bản Vẽ đã hoàn thành và đi vào hoạt động hơn chục năm nay. Thế nhưng, hàng chục héc ta đất được chính quyền cho chủ đầu tư mượn để các nhà thầu sử dụng làm lán trại cho công nhân, nhà điều hành để thi công công trình này chưa thể thu hồi. Sở dĩ có chuyện này xảy ra là các nhà thầu đã tự ý bán tài sản trên đất cho nhiều người dân địa phương…

Tự ý bán tài sản trên đất cho hàng chục hộ dân

Để xây dựng công trình thuỷ điện Bản Vẽ (xã Yên Na, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), vào năm 2004, UBND huyện Tương Dương đã giải phóng mặt bằng bàn giao cho đầu tư là Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 mượn đất, để các nhà thầu thi công làm lán trại cho công nhân, nhà điều hành. Năm 2011, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, thay vì phải bàn giao mặt bằng sạch giao lại đất cho huyện quản lý, thì nhiều nhà thầu đã tự ý bán nhà trên đất cho một số hộ dân, dẫn đến công tác thu hồi đất để quy hoạch đưa vào sử dụng rất khó khăn, và ngay cả những hộ dân mua tài sản đó cũng đang sống thấp thỏm vì đất không hề có bất kỳ giấy tờ nào hợp pháp.

Những giấy tờ "nhận tiền", hay "bàn giao tài sản" giữa người dân và nhà thầu.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Tương Dương, thì số diện tích đất đến nay, chủ đầu tư chưa bàn giao cho huyện là 76,76 ha. Trong đó, hơn 5,4 ha rất khó thu hồi. Lý do là năm 2011, sau khi thi công xong công trình, một số nhà thầu đã tự ý bán nhà trên đất cho hàng chục hộ dân. Một số hộ đã làm nhà kiên cố, số nữa đang sinh sống trong các khu nhà cũ.

Anh Vi Văn Xay, hiện đang ở trong khu nhà điều hành của Công ty Cavico trước đây cho biết: Trước nhà tôi ở bản Khe Ò, nhưng vì ở đó sạt lở, nên bố mẹ tôi mua lại khu nhà này với giá 10 triệu đồng. Khi được hỏi, anh có giấy tờ mua bán gì không thì anh Xay cho biết: “Chỉ nói miệng, đưa tiền vậy thôi”. Hỏi tiếp anh Xay, sau khi mua khu nhà này, phía công ty có quay lại để làm các thủ tục gì không, anh nói: Không có!

Anh Vi Văn Xay (áo đen ở giữa) hiện đang ở trong ngôi nhà "mua miệng" khu nhà điều hành của Công ty Cavico với giá 10 triệu đồng.

Ông Vi Thanh Bình đã có nhà ở bản Có Phảo, nhưng khi Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 410 bán nhà trên đất, thì ông đã mua với giá 50 triệu đồng, tuy nhiên trong giấy nhận tiền chỉ ghi 45 triệu, còn 5 triệu nữa, theo ông Bình là “người trông coi nhận riêng”.

Khu nhà ông Bình mua là khu nhà ở của công nhân, với hai dãy nhà xây tương đối kiên cố. Hiện, gia đình vừa sinh sống vừa làm xưởng mộc ở đây. Ông Bình bày tỏ: “Lỡ mua lại nhà của họ rồi, giờ muốn được chính quyền quan tâm, quy hoạch sao đó để gia đình có một suất đất ở chừng vài trăm mét vuông, chứ ở thế này, cả nhà cứ lo lắng vì đất không có bìa đỏ”.

Một nhà thầu khác là Chi nhánh Công ty CP Sông Đà 410 cũng "bán" cho ông Vi Thanh Bình khu nhà ở của công nhân, với hai dãy nhà xây tương đối kiên cố giá 50 triệu đồng.

Tương tự, bà Lương Thị Mai cho biết, gia đình bà trước đây sinh sống ở bản Khe Chống. Do vợ chồng bà có công trông coi kho tàng cho Công ty Cavico nên được ông Trần Văn Xin, Trưởng Ban điều hành cho hai gian nhà sát mặt đường, trước đây là nhà của ban điều hành. Kể từ đó gia đình chuyển đến Bản Vẽ để sinh sống luôn.

Bà Lương Thị Mai có công trông coi kho tàng cho Công ty Cavico nên được ông Trần Văn Xin – Trưởng Ban điều hành "cho" hai gian nhà sát mặt đường.

Ông Lương Thanh Truyền, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: Ở thời điểm đó, khu dân cư thuộc bản Khe Ò có vài điểm sạt trượt rất nguy hiểm, xã và huyện cho di dời khẩn cấp 7 hộ, và họ được phép tự tìm kiếm chỗ ở tạm, nên họ đã mua lán trại cũ của một số nhà thầu để ở; số còn lại là tự mua bán với nhau, xã không biết.

Gặp nhiều khó khăn khi giải toả

Cũng theo Phó Chủ tịch xã Yên Na thì, huyện Tương Dương đã mở nhiều cuộc họp, và Chủ tịch huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng cho đến nay, vẫn chưa giải phóng được mặt bằng. “Khi các công ty rút đi, họ tự ý bán tài sản trên đất cho dân mà không hề báo với chính quyền địa phương. Bà con, thì một số không hiểu quy định của pháp luật, một số biết nhưng vẫn mua, coi như "chuyện đã rồi". Xã đã họp dân nhiều lần, vận động bà con bàn giao mặt bằng, nhưng bà con đang còn nhiều đề xuất, cho nên chúng tôi cũng chỉ biết kiểm đếm để báo cáo lên cấp trên”- ông Lương Thanh Truyền cho hay.

Ông Lương Thanh Truyền - Phó Chủ tịch UBND xã Yên Na: Người dân khi đó tự ý mua bán với các nhà thầu, chính quyền không biết!

Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Tương Dương, khẳng định: “Trước hết, trách nhiệm này thuộc về chủ đầu tư là Công ty CP Thuỷ điện Bản Vẽ (trước đây là Ban quản lý dự án thuỷ điện 2). Vì theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư phải hoàn trả mặt bằng sạch trước khi bàn giao đất cho địa phương quản lý. Nhưng, khi thi công xong công trình, các nhà thầu lại tự ý bán tài sản trên đất, để cho bà con tiếp tục sử dụng tài sản gắn liền với đất, dẫn đến khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Trong lúc đó, các nhà thầu hoặc đã giải tán, hoặc không có mặt tại địa phương để phối hợp giải quyết vấn đề”.

Theo Báo cáo của Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 (thuộc Tổng Công ty phát điện 1), hiện tại còn 76,6 ha đất thuộc khu vực mặt bằng công trường phục vụ thi công Thủy điện Bản Vẽ trước đây (khu ảnh hưởng 1 và khu ảnh hưởng 2 theo tờ trích lục bản đồ địa chính khu đất tỷ lệ 1/10.000 được sở TNMT phê duyệt ngày 30/5/2012) UBND huyện Tương Dương đang đề nghị bàn giao lại cho địa phương. Trong đó, có 08ha, trước đây (năm 2005) được huyện Tương Dương bàn giao cho Chủ đầu tư để giao cho đơn vị thi công để xây dựng lán trại, công trình tạm phục vụ thi công Thủy điện Bản Vẽ. Sau khi hoàn thành công trình (năm 2012), đơn vị thi công rút đi không thực hiện tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng cho nên phần đất này bị các hộ dân trong khu vực chiếm dụng, sử dụng các công trình do đơn vị thi công để lại.

Có đến 94 hộ dân hiện đang sinh sống là các công trình lán trại, nhà ở của các Nhà thầu để lại.

Căn cứ kết quả điều tra hiện trạng sử dụng đất, hiện nay có 94 hộ dân đang sử dụng các công trình lán trại, nhà ở của Nhà thầu để lại trên phần đất này. Trong thời gian qua Ban quản lý dự án thuỷ điện 2 đã nhiều lần triển khai thực hiện thu dọn, hoàn trả mặt bằng tuy nhiên không thực hiện được do người dân phản đối ngăn cản, không chấp nhận trả phần đất đã chiếm dụng.

Để thực hiện công tác bàn giao phần đất trên đây cho địa phương quản lý sử dụng, ngày 31/8/2022, UBND huyện Tương Dương đã thành lập Tổ liên ngành kiểm tra, tiếp nhận bàn giao đất tại khu mặt bằng công trường thủy điện Bản Vẽ do chủ đầu tư không có nhu cầu sử dụng và trả lại cho địa phương quản lý (Quyết định số 581/QĐ-UBND ngày 31/8/2022).

Công tác giải toả để trả lại "đất sạch" cho chính quyền địa phương vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Tổ liên ngành đã triển khai thực hiện từ ngày 13/9/2022, đến nay đã cơ bàn hoàn thành công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất, lập phương án quy hoạch chi tiết sử dụng đất gắn với việc xử lý chiếm dụng đất đai của các hộ dân đối với 08ha. Sau khi phương án sử dụng đất và xử lý đất đai được người dân chấp thuận và ký biên bản đồng ý trả lại đất, Chủ đầu tư sẽ thực hiện thu dọn, hoàn trả mặt bằng và bàn giao cho địa phương. Phương thức thực hiện là xử lý thu hồi đất của người dân đến đâu thực hiện thu dọn hoàn trả mặt bằng đến đó. Kế hoạch dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022 với điều kiện người dân đồng thuận chấp nhận trả lại đất theo phương án đã lập.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP