Giải trí

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận hơn 1,2 tỷ đồng tác quyền

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một trong những người được phân phối tiền bản quyền tác giả âm nhạc cao nhất trong năm 2021. Đó là tiết lộ của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn thông báo trong 20 năm hoạt động, VCPMC thu được khoảng 1.063 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc. Nếu năm đầu tiên thành lập chỉ thu được 78 triệu đồng, tới năm 2021, trung tâm đạt được con số 160 tỷ đồng, kỳ vọng đạt trên 230 tỷ đồng trong năm 2022 - chạm đến mục tiêu 10 triệu USD/năm.

Số tiền thu được này được phân bổ cho các tác giả ký hợp đồng ủy thác. Trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 20/9 để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 20 năm thành lập vào tháng 10, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn tiết lộ có những nhạc sĩ thu được hơn 1 tỷ đồng tác quyền trong năm 2021. Nhạc sĩ Hoài An tiết lộ so với những ngày đầu tham gia, tiền tác quyền âm nhạc nhận được trong năm 2021 gấp mấy trăm lần.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ anh gia nhập VCPMC vào năm 2006, số tiền tác quyền nhận được lúc đó chỉ hơn 9 triệu đồng. Năm 2021, tổng số tiền thu được là hơn 1,2 tỷ đồng.

"Qua đó để thấy được sự phát triển mạnh mẽ của VCPMC. Đối với tôi đây là mái nhà, nơi mang lại cho tôi những lợi ích hợp pháp và khiến tôi tin rằng mình sống được với nghề", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thu được 1,2 tỷ đồng tiền tác quyền. Ảnh: VCPMC.

Không chỉ là người đại diện đòi tiền bản quyền âm nhạc, VCPMC cũng giúp đỡ nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bảo vệ quyền tác giả bài hát Vầng trăng khóc vào năm 2008. Khi này anh bị nghi ngờ đạo nhạc Trung Quốc, Thái Lan. Thông qua sự trợ giúp của VCPMC, nhạc sĩ đã gửi đơn lên CISAC để rà soát lại và được công nhận quyền tác giả bài hát Vầng trăng khóc.

VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với trên 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc như biểu diễn nghệ thuật, phát thanh - truyền hình, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim…

Biểu đồ phát triển qua 20 năm của VCPMC trong thu tác quyền âm nhạc. Ảnh: VCPMC.

Họa sĩ Văn Thao - con trai của nhạc sĩ Văn Cao - kể lại, khi Văn Cao sáng tác Mùa xuân đầu tiên và được in ở Nga, nhà nước Nga gửi tác quyền khi đó là 100 rúp Nga. Em gái họa sĩ khi đó đang học ở Nhạc viện Tchaikovsky là người nhận tiền, nhạc sĩ Văn Cao khi đó chưa từng biết tới đồng tiền tác quyền nào.

Họa sĩ Văn Thao nói về câu chuyện tác quyền âm nhạc. Ảnh: VCPMC.

“Mặc dù khi có tiền bản quyền tác giả âm nhạc, bố tôi không còn nữa nhưng số tiền tác quyền thu được đủ nuôi mẹ bây giờ. Đó là niềm mơ ước của cha tôi từ xưa. Theo nguyện vọng của ông, gia đình hiến tác quyền Quốc ca cho Nhà nước. Các thế hệ trước sáng tác không nghĩ đến tác quyền, đều vì tình yêu âm nhạc, yêu quê hương, đất nước. Nhưng đối với thế hệ sau, nhờ VCPMC họ nhận được đồng tiền cho sản phẩm sáng tạo”, họa sĩ Văn Thao nói.

Từ khi được Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập năm 2002 với hơn 200 nhạc sĩ thành viên, VCPMC hiện nay quy tụ gần 5.200 tác giả thành viên. Tính đến tháng 9/2022, VCPMC ký thoả thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tác giả: Gia Linh

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP