Như Báo Người Lao Động đã thông tin, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung yêu cầu cán bộ, công chức chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp.
Bộ quy tắc ứng xử này nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận. Tuy vậy, nhiều người cũng đặt nghi vấn, cho rằng rất hiếm có cán bộ làm công tác quản lý chủ động xin thôi giữ chức vụ, rằng điều này là không khả thi.
Ông Bùi Văn Toàn đã có đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Tam An vì nhận thấy bản thân không đủ năng lực và mất uy tín với người dân |
Trên thực tế, thời gian qua, không ít cán bộ tại tỉnh Quảng Nam đã chủ động xin nghỉ việc vì nhiều lý do. Trong đó, nhiều người nhận thấy mình không đủ năng lực, mất uy tín nên xin nghỉ.
Điển hình, cuối năm 2016, ông Bùi Văn Toàn đã có đơn xin thôi giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào thời điểm đó, ông Toàn cho biết ông xin nghỉ vì không hoàn thành nhiệm vụ và cảm thấy mất uy tín với người dân.
Cụ thể, trong đợt kiểm điểm năm 2016, xã Tam An được xác định "không hoàn thành nhiệm vụ" do chưa trả hết nợ xây dựng nông thôn mới cho doanh nghiệp vì gặp khó khăn trong công tác khai thác quỹ đất. Ông Toàn cho rằng xã bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ là trách nhiệm của cả tập thể nhưng ông là người đứng đầu thì phải chịu trách nhiệm trước tiên.
Một lý do khác quan trọng hơn dẫn đến việc ông Toàn xin từ chức là do không làm được như lời hứa với dân. Theo vị chủ tịch xã này, việc tranh chấp đất đai của một số hộ dân trong xã kéo dài hơn 10 năm, trải qua ít nhất 3 nhiệm kỳ. Vào năm 2010, khi ông bắt đầu làm Chủ tịch UBND xã Tam An, còn 16 hộ dân mua đất đã được cấp sổ đỏ nhưng lại không có đất. Ông Toàn nhiều lần hứa với họ sẽ sớm giải quyết nhưng đến thời điểm năm 2016 vẫn còn 4 hộ chưa giải quyết xong.
Cũng tại huyện Phú Ninh, vào năm 2018, 3 cán bộ thuộc Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2016 (gọi tắt là Đề án 500) đồng loạt có đơn xin nghỉ việc.
3 người xin nghỉ gồm: ông Bùi Ngân Tùng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành; ông Nguyễn Văn Điển, cán bộ Văn phòng Thống kê xã Tam Thái và chị Nguyễn Thị Viễn, cán bộ Văn phòng Thống kê xã Tam Đàn. Nguyên nhân 3 cán bộ này xin nghỉ việc là vì các lý do như nhà ở xa đi lại khó khăn, lương không đủ nuôi gia đình nên chuyển sang kinh doanh…
Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành - ông Nguyễn Ngân Tùng Sơn - thời điểm đó nói rằng do công việc không phù hợp với bản thân nên xin nghỉ để người khác làm. "Điều quan trọng vẫn là kinh tế, lúc trước chưa có vợ thì không sao, khi có vợ con rồi thì làm lương không đủ nuôi vợ con nên xin nghỉ ra ngoài làm tư nhân" – ông Sơn bày tỏ lúc làm đơn xin nghỉ việc.
Ông Nguyễn Văn Khoa xin thôi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam để về làm ruộng |
Năm 2016, ông Nguyễn Văn Khoa (lúc đó 51 tuổi) cũng đã làm đơn xin thôi giữ chức vụ Phó chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam để… về làm ruộng.
Kể với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Khoa cho biết sau khi làm trưởng thôn rồi làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã, tháng 8-2015, ông được HĐND xã Tam Anh Nam bầu giữ chức Phó chủ tịch UBND xã. Ông Khoa cũng được đưa vào quy hoạch làm Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam trong nhiệm kỳ sau.
Sau hơn một năm nắm cương vị phó chủ tịch xã, ông Khoa thấy công việc này không phù hợp với bản thân. Nhiều công việc của nhiệm kỳ trước để lại và công việc lúc đó ở xã không giải quyết dứt điểm, tồn đọng nhiều nên ông làm đơn xin nghỉ việc.
"Tôi nhận thấy bản thân không đủ năng lực để giải quyết công việc nên xin nghỉ để nhường lại nhiệm vụ cho người có năng lực hơn. Mình làm không được mà tham quyền cố vị thì mọi việc sẽ tiếp tục bị đình trệ, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và lợi ích của người dân trong xã. Hơn nữa, những cán bộ trẻ, có tài năng, học hành sâu rộng hơn lại không có cơ hội được thể hiện" - ông Khoa tâm sự.
Vị nguyên phó chủ tịch xã nói rằng sau khi "từ quan", cuộc sống của ông rất thoải mái, nhẹ nhàng, không còn đau đầu, trằn trọc suy nghĩ mỗi đêm như trước đó. "Xin nghỉ việc chẳng hay ho gì nhưng tôi không hề hối hận và thấy rằng mình xin nghỉ là quyết định đúng đắn. Sinh ra từ gốc rạ, ngày xưa làm ruộng, chừ không làm quan thì về làm ruộng thôi" – ông Khoa chia sẻ.
Cũng trong năm 2016, một cán bộ khác là ông Huỳnh Nhuận (SN 1972) - Chủ tịch UBND xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam - đã chủ động có đơn xin nghỉ việc.
Gần đây nhất, trong tháng 11-2021, ông Đặng Hữu Lên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam - đã có đơn xin nghỉ việc vì sức khỏe không đảm bảo. Một lãnh đạo Thị ủy Điện Bàn cho biết ông Lên là người của công việc, thường trăn trở với sự phát triển của địa phương. Trong khi đó, các bác sĩ cho rằng nếu ông Lên suy nghĩ nhiều thì bệnh không suy giảm được. Vì vậy, ông có nguyện vọng xin nghỉ để người khác thay thế, đảm đương công việc của thị xã tốt hơn.
Cũng trong tháng 11, ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh đã gửi đơn xin nghỉ việc. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 2-12, ông Lê Văn Ninh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Ninh, cho biết ông đã gặp trực tiếp ông Phú để động viên, trao đổi nhưng ông Phú kiên quyết xin nghỉ.
Lý do là gia đình ông Phú có nhiều việc, bản thân không thể toàn tâm toàn ý để giải quyết công việc của xã. Tuần tới, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ họp để xem xét nguyện vọng của ông Phú.
Ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, cho rằng cán bộ làm công tác quản lý nhận thấy bản thân không đủ năng lực, mất uy tín và xin nghỉ việc là điều rất đáng hoan nghênh. "Người nào cảm thấy không đảm đương nổi thì xin nghỉ việc. Xin từ chức cũng là một trong những thái độ đáng trân trọng, đáng trân quý" - ông Thẩm nhìn nhận.
Tác giả: Trần Thường
Nguồn tin: Báo Người Lao Động