Những cánh rừng ngập mặn phòng hộ xanh bát ngát nằm dọc sông Mơ, xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) là lá chắn xanh vững chắc để che chắn bão tố, triều cường, bảo vệ đê biển, hạn chế xói lở bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng hiện nay rừng đã bị người dân chặt phá để đào hồ nuôi tôm.
Năm 2017, hộ ông Hồ Văn Thủy ở xã Quỳnh Thanh đã dùng máy xúc tàn phá khu rừng ngập mặn xanh tốt khoảng trên 1 ha ở xã Quỳnh Lương để nuôi tôm. Ảnh: Văn Trường |
Đặc biệt, vùng rừng ngập mặn đoạn qua xóm 12, xã Quỳnh Thanh đã bị đào bới cày nát. Các hộ dân sau khi phá rừng đã dùng máy múc san lấp thành ao hồ rồi cải tạo đắp bờ để nuôi tôm, nuôi cua.
Nhiều hộ lấn rừng với diện tích lớn để nuôi tôm như hộ ông Trần Tin ở xóm 12 đào đắp 1.343 m2; hộ ông Hồ Đình Luân ở xóm 12 đào đắp 4.720 m2; hộ ông Phan Quế ở xóm 7 đào đắp 15.000 m2 (từ năm 2009)… Nhiều hộ dân còn xây dựng các công trình nhà cửa, kè bờ ao nuôi tôm trên đất rừng phòng hộ.
Đàn cò tìm về đậu bên những diện tích rừng ngập mặn ít ỏi ven sông Mơ. Ảnh: Văn Trường |
Ông Hồ Xuân Xuyên - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thanh thừa nhận: Từ năm 2000 lại nay có 13 hộ dân lấn chiếm trên 10 ha diện tích rừng phòng hộ để nuôi tôm. Cái khó hiện nay là các hộ dân đã đầu tư vào các ao tôm từ 200 - 300 triệu đồng nên giải tỏa rất khó khăn.
Theo ông Trần Huy Đạt - Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu, đối với diện tích rừng ngập mặn, đơn vị mới chỉ được giao sơ đồ vùng rừng ngập mặn chứ vẫn chưa được giao đất, giao rừng nên cũng khó quản lý.
Một số người dân xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu) phá rừng phòng hộ, lấn hẳn ra sông Mơ để nuôi tôm. Ảnh: Văn Trường |
Vấn đề đặt ra hiện nay là chính quyền huyện Quỳnh Lưu cần nhanh chóng có giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Nếu không, với đà này chỉ thời gian ngắn rừng phòng hộ ven sông, ven biển ở Quỳnh Lưu sẽ dễ biến mất./.
Tác giả: Văn Trường
Nguồn tin: Báo Nghệ An