Dịch bệnh kéo dài, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ tại TP.Vinh (Nghệ An) ngừng hoạt động, lâm cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Nga |
Do dịch bệnh, ngừng hoạt động kéo dài, hệ thống trường mầm non tư thục trên địa bàn tỉnh Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn. Một nhà đầu tư, chủ hệ thống trường mầm non tư thục tại TP.Vinh cho biết: “Thực tế là từ năm 2020 đến nay, trường mầm non tư thục hầu như không hoạt động được bao nhiêu, đã có 4 tháng liên tục trong năm 2021 ngừng hoạt động, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn”.
Nghỉ dịch, học sinh không đến trường, phụ huynh không nộp học phí, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư không có kinh phí trả lương cho giáo viên. Bên cạnh đó, các chi phí khác như tiền bảo hiểm, nợ lãi ngân hàng và các chi phí khác vẫn phải chi.
“Để đầu tư trường mầm non tư thục, nhà đầu tư phải vay số tiền rất lớn, thông qua kênh ngân hàng hoặc tự huy động, dự kiến phải trả trong vòng hàng chục năm mới hoàn vốn. Việc phải ngừng hoạt động kéo dài làm doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản” - vị doanh nhân chia sẻ.
Mặt khác, do điều kiện, mức sống người dân chưa cao, nên mức thu học phí mầm non tư thục trên địa bàn Nghệ An phải hạ thấp so với mặt bằng chung, chủ đầu tư càng không có tích lũy để phòng rủi ro. Vừa qua, các đơn vị này càng gặp khó khăn khi trình hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, lại bị trả hồ sơ do Sở LĐTBXH cho rằng giáo viên tư thục cũng được nghỉ hè 2 tháng và hưởng nguyên lương.
“Thực tế, quy định nói trên chỉ áp dụng cho khối công lập, chứ khối tư thục là gì có nguồn để trả lương hè cho giáo viên. Nếu làm thế phải thu học phí rất cao, học sinh sẽ bỏ học, trường đóng cửa luôn” – cô Lê Thị P., kế toán một trường mầm non tư thục chia sẻ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ ăn uống, cà phê...và nhiều ngành nghề khác cũng lao đao vì dịch bệnh. “Nhân viên ngành du lịch đang xoay sở đủ nghề để sinh tồn, nhưng cũng rất khó vì dịch bệnh, cái gì cũng khó” – ông Nguyễn Hữu Bắc – Chủ tịch Công ty Đầu tư Du lịch PhucGroup nói.
Theo Cục Thống kê Nghệ An, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả tỉnh có 628 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7,8,9, tình hình càng thêm khó khăn do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Số chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm dừng hoạt động là 64 doanh nghiệp, tăng 21 doanh nghiệp so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp giải thể là 79 doanh nghiệp, tăng 33,9%.
Nhiều doanh nhân kiến nghị cơ quan chức năng Nghệ An có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp trụ lại và vượt qua khó khăn như khoanh nợ, cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, miễn giảm thuế, tạm ngừng nộp bảo hiểm và các khoản khác, vay trả lương cho lao động...
“Nếu không có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và linh hoạt để “giải cứu” doanh nghiệp, thì con số doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể sẽ tăng lên, kéo theo rất nhiều hệ lụy” – ông Nguyễn Hữu Bắc kiến nghị.
Tác giả: Quang Đại
Nguồn tin: Báo Lao động