Xã hội

Nhiều quy định mới hành khách cần biết khi đi tàu hỏa

Thông tư 09/2018 của Bộ GTVT quy định về vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt quốc gia vừa có hiệu lực. Nhiều quy định mới áp dụng cho hành khách đi tàu so với trước đây.

Nhiều quy định mới khi đi tàu hành khách cần phải biết. Ảnh: ĐSSG

Những đối tượng được ưu tiên khi mua vé tàu hỏa

Theo quy định mới của Bộ GTVT, vé tàu hợp lệ phải do doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách, hành lý trên đường sắt phát hành. Đối với vé cứng, không bị tẩy, xóa, sửa chữa, còn đủ các thông tin và phải đi đúng chuyến tàu và thời gian ghi trên vé. Đối với vé điện tử, có bản in, bản chụp thẻ lên tàu theo quy định của doanh nghiệp hoặc có bằng chứng được lưu trữ trên hệ thống cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp, trên đó có đầy đủ thông tin cá nhân khớp với thông tin giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ có đầy đủ thông tin cá nhân được pháp luật công nhận. Như vậy, các dạng vé khác trái với quy định nêu trên đều không có hiệu lực khi qua cửa soát vé.

Về đối tượng được ưu tiên xếp hàng mua vé đi tàu tại địa điểm bán vé được quy định theo thứ tự sau: Người có bệnh nặng mà theo yêu cầu của cơ quan y tế phải nhanh chóng chuyển đi; Thương binh, bệnh binh; Người khuyết tật; Phụ nữ có thai; Người đi tàu kèm trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi; Người già từ đủ 60 tuổi trở lên; Các đối tượng ưu tiên khác do doanh nghiệp quy định.

Quy định mới đề cập khá chi tiết những tình huống phát sinh khi đi tàu mà hành khách cần phải biết để đảm bảo quyền lợi của mình. Trong đó có trường hợp hành khách đi tàu vì lý do ốm đau trên tàu không thể tiếp tục hành trình buộc phải xuống ga dọc đường sẽ được tổ chức sơ cứu. Sau đó được trưởng tàu xác nhận để hành khách đi tiếp bằng chuyến tàu khác hoặc được doanh nghiệp trả lại tiền vé đối với quãng đường hành khách chưa đi tính từ ga gần nhất phía trước mà tàu có đỗ nhận khách đến ga đến ghi trên vé của hành khách đã mua.

Với trường hợp hành khách bị mất vé cứng thì cần phải báo cho nhân viên của doanh nghiệp. Trường hợp hành khách chứng minh được quyền sở hữu vé, doanh nghiệp có trách nhiệm cấp giấy xác nhận để hành khách tiếp tục đi tàu. Khi hành khách bị mất thẻ lên tàu nhưng doanh nghiệp không có đủ cơ sở để xác minh được là hành khách đã có vé đi tàu thì hành khách phải mua vé bổ sung theo quy định của doanh nghiệp hoặc hành khách phải xuống tàu tại ga gần nhất tàu có đỗ.

Hành khách bị nhỡ tàu do lỗi của “nhà tàu” thì xử lý ra sao?

Nhỡ tàu là trường hợp không phải hiếm, vậy khi bị nhỡ tàu thì hành khách sẽ được xử lý theo trình tự nào? Theo quy định, hành khách bị nhỡ tàu không do lỗi của doanh nghiệp thì vé không còn giá trị sử dụng. Doanh nghiệp quy định cụ thể các trường hợp nhỡ tàu do nguyên nhân khách quan và các biện pháp giải quyết để hỗ trợ hành khách. Hành khách bị nhỡ tàu do lỗi của doanh nghiệp thì đại diện của doanh nghiệp xác nhận bố trí để hành khách đi chuyến tàu sớm nhất có quy định dừng ở ga đến ghi trên vé của hành khách. Trường hợp doanh nghiệp bố trí loại chỗ có hạng thấp hơn loại chỗ ghi trên vé của hành khách thì phải có trách nhiệm trả lại tiền chênh lệch giữa tiền ghi trên vé của hành khách và tiền của loại chỗ thực tế mà doanh nghiệp bố trí cho hành khách. Trường hợp bố trí chỗ có hạng cao hơn loại chỗ ghi trên vé của hành khách thì hành khách không phải trả thêm tiền. Hành khách có quyền yêu cầu đổi vé đi vào ngày khác cùng loại tàu tương đương với vé đã mua và chỉ được thay đổi một lần.

Trường hợp hành khách không tiếp tục chờ đi tàu, doanh nghiệp phải trả toàn bộ tiền vé nếu nhỡ tàu ở ga đi hoặc tiền vé trên đoạn đường chưa đi nếu nhỡ tàu ở ga dọc đường. Hành khách được hỗ trợ như ăn, uống, ngủ, nghỉ trong thời gian hành khách chờ đi tàu.

Gần đây, hàng loạt vụ tai nạn đường sắt đã khiến tuyến lưu thông Bắc Nam bị ùn tắc, quy định mới đã đề cập đến hướng xử lý vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Theo đó, khi có sự cố gây tắc đường chạy tàu mà hành khách đang ở tại ga xuất phát thì có quyền từ chối đi tàu và yêu cầu doanh nghiệp trả lại toàn bộ tiền đã được ghi trên vé. Nếu hành khách chấp nhận chờ để đi tàu, doanh nghiệp phải bố trí để hành khách được đi tàu sớm nhất. Nếu tắc đường ở trên đường vận chuyển mà hành khách muốn trở về ga đi, doanh nghiệp phải bố trí đưa hành khách trở về bằng chuyến tàu đầu tiên và hành khách không phải trả tiền vé.

Khi trở về, hành khách có thể xuống một ga dọc đường nếu tàu có đỗ. Doanh nghiệp phải trả lại tiền vé cho hành khách trên đoạn đường từ ga hành khách xuống tàu đến ga đến ghi trên vé. Hành khách xuống tàu tại ga có đỗ và yêu cầu trả lại tiền vé thì doanh nghiệp phải trả lại tiền vé đối với đoạn đường mà hành khách chưa đi. Nếu hành khách chờ đợi ở ga mà tàu phải đỗ lại để chờ đi tiếp, doanh nghiệp phải đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu như: Ăn, uống miễn phí cho hành khách trong suốt thời gian chờ đợi ở ga.

Tác giả: Minh Anh

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP