Hệ lụy này kéo dài đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận, tạo ra tiền lệ xấu trong công tác thu hút đầu tư cho cả địa phương lẫn nhà đầu tư.
Các dự án “treo” kéo dài trên địa bàn Nghệ An không chỉ tạo tiền lệ xấu trong thu hút đầu tư mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới công tác quy hoạch đô thị |
Những chiếc “bánh vẽ”… hết đát
Trong gần 4 năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tiến hành thanh, kiểm tra những dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động theo cam kết ban đầu.
Đặc biệt, Nghệ An cũng “nóng ruột” với những dự án thuộc diện “gom” đất vàng, đất đô thị ở các vị trí đắc địa mà chủ đầu tư thi công dang dở rồi bỏ hoang suốt nhiều năm liên tục. Thực trạng này cũng đã được người dân liên tục phản ánh tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri các cấp nhưng vẫn không thể giải quyết một cách dứt điểm.
Qua thống kê của Sở Xây dựng Nghệ An cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Sở Xây dựng đã được UBND tỉnh chỉ đạo tiến hành thanh kiểm tra 110 dự án liên quan đến sử dụng đất đô thị có dấu hiệu chậm tiến độ. Qua đó, Sở Xây dựng cũng đã kiến nghị cấp có thẩm quyền tiến hành thu hồi, chấm dứt hoạt động và hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan tới 11 dự án nhà ở chậm tiến độ với tổng diện tích 510ha đất.
Đáng quan tâm là trong số dự án bị đề nghị thu hồi nhiều nhất tập trung ở địa bàn Tp Vinh với 07 dự án, kế tiếp là thị xã Thái Hòa 02 dự án, các huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò mỗi địa phương 01 dự án.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Tp Vinh với 07 dự án mặc dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng để bàn giao hàng trăm héc ta “đất sạch” nhưng tiến độ triển khai xây dựng vẫn rơi vào cảnh “đắp chiếu” nhiều năm liên tục.
Điển hình như các dự án gồm: Dự án Khu đô thị viễn thông và công nghệ thông tin tại phường Bến Thủy; Dự án cải tạo môi trường và xây dựng khu dịch vụ thương mại, nhà ở tổng hợp tại phường Cửa Nam; Dự án khu nhà ở kết hợp trung tâm thương mại, nhà ở liền kề và biệt thự tại xã Nghi Phú và xã Nghi Đức; Dự án khu dân cư tại xã Nghi Liên; Dự án khu nhà ở tại xã Hưng Hòa; Dự án tổ hợp chung cư, khu dịch vụ cộng đồng phụ trợ tại phường Hà Huy Tập; Dự án khu đô thị hỗn hợp sinh thái ven sông Lam tại xã Hưng Hòa.
Qua tìm hiểu, những dự án này được thu hút đầu tư từ hàng chục năm trước nhưng đến nay vẫn chỉ là những chiếc “bánh vẽ” trên văn bản, giấy tờ khi chủ đầu tư không thực hiện trọng vẹn cam kết ban đầu với địa phương.
Bao giờ hết cảnh dự án “treo” kéo dài?
Để xảy ra tình trạng này, nhiều nguyên nhân cũng đã được cơ quan chức năng “giải phẫu” để đốc thúc chủ đầu tư thực hiện. Vậy nhưng, việc tìm ra phương pháp xử lý dứt điểm các dự án cố tình “găm” đất, “ôm” đất vẫn chưa thể triển khai có hiệu trên địa bàn Nghệ An trong thời gian qua.
Trong khi đó, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều văn bản đốc thúc, thậm chí gia hạn, giãn thời gian hoàn thành cho chủ đầu tư nhưng câu chuyện dự án “treo” vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác.
“Tiếp tục rà soát, đôn đốc các dự án khu đô thị, khu nhà ở đẩy nhanh tiến độ hoàn thành; chấm dứt hoạt động đối với các dự án không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm tiến độ theo quy định pháp luật; hạn chế việc gia hạn, giãn tiến độ đối với các dự án chậm tiến độ, tránh tình trạng chủ đầu tư “giữ đất”” - ông Nguyễn Trường Giang, giám đốc Sở Xây dựng đã nêu giải pháp để hạn chế tình trạng này như vậy.
Trước đó, vào giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2017, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã ban hành nhiều quyết định về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất và hủy bỏ các văn bản pháp lý có liên quan đến 129 dự án “ôm” hàng nghìn héc ta đất trên địa bàn.
Vậy nhưng, câu chuyện thu hồi dự án trên thực tế ở Nghệ An vẫn đang rơi vào cảnh loanh quanh, luẩn quẩn bởi ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư thì khâu thẩm định năng lực tài chính, phê duyệt quy hoạch… đang theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Bên cạnh đó, nhiều chủ doanh nghiệp rơi vào “thế khó” khi triển khai dự án do trước đó không sâu sát môi trường đầu tư và các yếu tố liên quan nên rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, dở dang công trình của mình.
Chính vì vậy, việc chuyển giao dự án đã có văn bản đề nghị thu hồi gặp phải nhiều phiền phức do vướng đền bù tài sản trên đất và các thủ tục pháp lý, chi phí liên quan từ chủ cũ.
Mặc dù, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 là khi thu hồi dự án chậm tiến độ, nhiều trường hợp không được bồi thường chi phí cho chủ đầu tư ban đầu nhưng khi tiến hành thu hồi, cấp chính quyền lại bị “kiện ngược” trở lại.
Chính vì vậy, ngoài việc vận dụng chặt chẽ cơ sở pháp lý theo quy định của pháp luật thì các điều khoản cam kết giữa nhà nước – nhà đầu tư cũng cần rõ ràng, minh bạch hơn nữa để tránh tình trạng rơi vào cơ chế xin – cho để nảy sinh nhiều hệ lụy xấu về sau.
Tác giả: Ngọc Thái
Nguồn tin: Báo Diễn đàn doanh nghiệp