Đẹp

Những thói quen làm tăng nguy cơ tổn thương da do nắng

Ánh nắng mặt trời gay gắt trong những ngày hè không chỉ khiến môi trường nóng bức hơn mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, đặc biệt là làn da.

Đa phần mọi người đều nghĩ rằng không dùng kem chống nắng là nguyên nhân gây ra những tổn thất trên da mà không biết rằng còn rất nhiều thói quen khác cũng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương da từ ánh nắng mặt trời.

Không lựa chọn kỹ sản phẩm chăm sóc da

Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chăm sóc da cũng như la liệt sản phẩm chống lão hóa và điều trị mụn trứng cá. Hầu hết các sản phẩm này hoạt động bằng cách làm mỏng lớp ngoài của da hoặc điều hòa sản xuất melanin - một sắc tố tự nhiên đóng vai trò như một rào cản bảo vệ chống nắng, gây tác động xấu đến quá trình ngăn chặn ảnh hưởng của ánh nắng tới da. Đặc biệt, nếu sản phẩm có chứa retinol hoặc vitamin A, glycolic hoặc salicylic acid hay hydroquinone thì da càng dễ bị tổn thương do nắng. Chính vì vậy, trong những ngày nắng nóng, để hạn chế tác hại của ánh nắng khi cần tham gia giao thông hay lao động ngoài trời, cần thoa kem chống nắng, mặc quần áo và đội mũ bảo hộ cũng như nghỉ ngơi dưới bóng râm để không chỉ tránh tổn thất ngoài da mà còn chống mất nước cho cơ thể.

Dùng nước hoa thường xuyên có thể gây kích ứng da khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Sử dụng nước hoa thường xuyên

Có thể bạn không tin nhưng một số loại nước hoa có thể làm cho làn da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Trong đó phải kể đến nước hoa được sản xuất từ hoa oải hương, tuyết tùng, hương thảo, cam bergamot và gỗ đàn hương vì chúng thường chứa các hóa chất nhạy cảm và khi những mùi hương này tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, chúng có thể gây kích ứng da và tăng sắc tố viêm. Bên cạnh đó, các nhà khoa học Anh cũng đã nhận định, những vùng cơ thể xức nước hoa thường là vị trí nhạy cảm với ánh nắng mặt trời hơn cả nên bạn cần chú ý không nên sử dụng nước hoa lên vùng ngực và cổ trước khi ra ngoài trời nắng vì sẽ gây ra chứng loang lổ với biểu hiện vùng da bên cổ có đốm màu đỏ và giảm sắc tố.

Các thuốc đang dùng

Một số loại thuốc uống chữa trị mụn trứng cá, chẳng hạn như isotretinoin có thể làm tăng nguy cơ cháy nắng. Ngoài ra, một số thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamin, thuốc kháng sinh, thuốc chống nấm và thuốc chống viêm đã được biết là gây ra sự nhạy cảm với ánh sáng cao, được gọi là phản ứng nhạy cảm da với ánh sáng. Nguyên nhân được lý giải do tia cực tím (UV) hoạt hóa các thuốc này làm tỏa ra năng lượng gây tổn thương các mô da lân cận, kết quả làm nặng nề thêm tình trạng cháy nắng với biểu hiện bong tróc da. Hiện tượng này có thể xảy ra chỉ sau vài ngày dùng thuốc, có trường hợp chỉ xuất hiện một lần trong đời nhưng cũng có trường hợp tồn tại suốt 20 năm ngay cả khi đã ngừng dùng thuốc.

Chế độ ăn thiếu vitamin B3

Vitamin B3 có tác dụng khôi phục các tế bào da, sửa chữa các ADN bị hỏng và giảm tác dụng của tia tử ngoại bên ngoài từ ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, vitamin này còn làm tăng độ ẩm trên da giúp giảm các vết mẩn đỏ. Vitamin B3 chủ yếu được bổ sung từ thực phẩm nên hầu như không bao giờ có sự sản xuất thừa. Chế độ ăn thiếu hụt vitamin B3 (niacin) có liên quan đến sự nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Cụ thể, thiếu vitamin B3 sẽ gây bệnh lý Pellagra, biểu hiện chủ yếu là hiện tượng viêm vô trùng trên bề mặt niêm mạc da nơi tiếp xúc với ánh nắng, viêm lưỡi, thể nặng có thể có biểu hiện nôn ói, đau bụng và các biểu hiện thần kinh như kém nhớ, nhức đầu, giảm hoạt động, lãnh đạm... Do đó, để đảm bảo chế độ ăn đầy đủ vitamin B3, bạn cần ăn nhiều thịt, nấm, đậu phộng và các loại ngũ cốc, đồng thời tránh ăn chanh, cần tây và mùi tây vì những thực phẩm này có chứa một hợp chất quang hợp có thể gây ra các phản ứng giống như cháy nắng.

Không bôi lại kem chống nắng

Kem chống nắng là các sản phẩm có chứa chất bảo vệ da, chống lại ảnh hưởng của các tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, được thể hiện bằng chỉ số SPF. Tuy nhiên, nếu không bôi lại kem chống nắng theo đúng thời gian thì tác dụng bảo vệ da không còn. Nguyên nhân là do khi tia UV chiếu lên bề mặt da, các chất chống nắng sẽ hấp thu năng lượng và thực hiện phản ứng hóa học để chuyển đổi tia thành một chất khác lành tính hơn, tan ra từ bề mặt da trước khi tiếp cận collagen trong lớp hạ bì và ADN trong tế bào. Phản ứng này tiêu tốn khá nhiều kem chống nắng dưỡng ẩm cho da nên cần thực hiện bôi lại sau một thời gian nhất định để tránh nguy cơ cháy nắng và đen sạm. Thời gian chống nắng được tính bằng chỉ số SPF nhân với thời gian làn da bị kích ứng dưới nắng (thay đổi theo từng cá nhân). Ví dụ với kem chống nắng có chỉ số SPF 30, thời gian làn da bị kích ứng dưới nắng là 10 phút thì bạn có tổng thời gian chống nắng (ước tính) là 30 x 10 = 300 phút (tương đương 5 tiếng) cho một lần bôi kem. Bên cạnh đó, thời tiết mùa hè nắng nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi hơn để điều hòa thân nhiệt hoặc bơi lội trong nước cũng khiến kem chống nắng mất độ bám dính nhanh hơn nên cần thoa lại trong thời gian ngắn hơn để đảm bảo tác dụng ngăn ngừa tia tử ngoại gây hại da.

Không đeo kính chống nắng

Đôi mắt của bạn có thể bị hư hại bởi ánh nắng mặt trời, đặc biệt khi bạn đang ở hồ bơi hoặc bãi biển do ánh sáng chói mắt của nước tăng gấp đôi lượng tiếp xúc với đôi mắt. Giải pháp hiệu quả là sử dụng mắt kính phân cực có gắn thêm màng lọc có tác dụng ngăn chặn những tia sáng phân cực nằm ngang phản chiếu từ mặt phẳng như hồ nước, mặt biển, xa lộ… hay kính mát có tác dụng ngăn cản tia UV từ ánh nắng.

Tác giả: Lê Mỹ Giang

Nguồn tin: Báo Sức khỏe và đời sống

  Từ khóa: tổn thương da , thói quen

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP