Số hóa

Những xu hướng trên smartphone có thể trở lại trong năm nay

Cải tiến về phần cứng, phần mềm trong những năm tới có thể giúp smartphone còn một camera sau nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Smartphone có nhiều camera phía sau không phải đột phá mới. Các hãng như Apple, Google, Samsung, Huawei đều trang bị nhiều camera cho hầu hết smartphone cao cấp trong 3 năm gần đây. Từ những thiết bị có 2 camera sau, nhiều model mới còn trang bị 3, 4 hoặc 5 ống kính.

Dù mang đến một số tính năng chụp ảnh linh hoạt, không phải ai cũng thích nhiều camera sau, đặc biệt là những người quan trọng thẩm mỹ hoặc mắc chứng sợ lỗ (trypophobia).

Với sự xuất hiện của flagship trang bị một camera sau trong năm 2021, liệu yếu tố này có thể trở lại và phổ biến trong những năm tới?

Smartphone một camera trở lại sau 3 năm

Google Pixel 3 ra mắt vào tháng 10/2018 được xem là flagship cuối cùng đến từ hãng lớn trang bị một camera sau. Giữa những chiếc Huawei P30 Pro, Mate 20 Pro hay iPhone XS, một camera sau của Pixel 3 trông bất lợi khi thiếu camera góc siêu rộng hay camera telephoto.

Dù vậy, thuật toán phần mềm của Google vẫn có thể đáp ứng nhu cầu chụp ảnh chân dung hay góc siêu rộng, giúp Pixel 3 trở thành một trong những smartphone có camera tốt nhất 2018. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để cứu Pixel 3 khi thiết kế của máy không được đánh giá cao cùng thời lượng pin kém. Từ đó, 3 thế hệ Pixel tiếp theo đều trang bị nhiều camera hơn. Smartphone cao cấp với một camera sau gần như biến mất khỏi thị trường.

Sharp Aquos R6 trang bị một camera sau, kích thước cảm biến 1 inch. Ảnh: XDA.

Đến tháng 5/2021, Sharp giới thiệu Aquos R6 với nhiều cái đầu tiên. Đây là smartphone cao cấp đầu tiên trong gần 3 năm trang bị một camera sau với kích thước cảm biến 1 inch, lần đầu được thương mại hóa trên smartphone.

Dù chỉ bán tại một số quốc gia như Nhật Bản hay Indonesia, sự xuất hiện của Sharp Aquos R6 mang đến hy vọng smartphone với một camera sau sẽ tái xuất và phổ biến trở lại.

Điểm trừ của smartphone nhiều camera sau

Một trong những mục đích trang bị nhiều camera trên smartphone để chất lượng ảnh tiệm cận camera chuyên nghiệp. Tuy nhiên theo PhoneArena, vẫn có một số điểm trừ khiến smartphone nhiều camera chưa thể bắt kịp máy ảnh chuyên dụng.

Đầu tiên là khả năng chuyển đổi các camera dựa vào nhu cầu. Trên các dòng smartphone hiện nay, hệ thống 3 camera sau của iPhone được đánh giá hiệu quả nhất khi có thể chuyển camera một cách nhanh chóng, màu sắc ảnh về cơ bản khá tương đồng.

Tuy nhiên, giới hạn phần cứng và phần mềm chỉ đến đó. Ngay cả dòng iPhone 13 vẫn có sự chênh lệch về chất lượng ảnh giữa các ống kính. Camera chính sẽ đẹp nhất nhờ kích thước cảm biến lớn. Khi chuyển sang camera góc siêu rộng hay camera telephoto, chất lượng ảnh nhìn chung bị giảm trong điều kiện thiếu sáng.

Quá nhiều camera chưa thể giúp smartphone bắt kịp máy ảnh chuyên dụng về độ đồng nhất chất lượng giữa các ống kính. Ảnh: CNET.

Không chỉ iPhone 13, Google Pixel 6 Pro cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt khi ảnh được chụp trong điều kiện ánh sáng yếu. Camera zoom quang 4x trên máy được đánh giá cao về chất lượng, nhưng cũng cho ra ảnh nhiễu hạt khi ánh sáng không còn mạnh.

Vấn đề trên smartphone Android còn nằm ở tốc độ chuyển ống kính. Màu sắc và độ phơi sáng giữa các camera cũng không đồng nhất. Đây thường là vấn đề phần mềm nhưng cũng bị tác động bởi yếu tố vật lý. Khi zoom càng xa đồng nghĩa khẩu độ càng hẹp, ánh sáng đi vào ống kính ít hơn.

Khả năng thu nhận ánh sáng ảnh hưởng lớn đến nhiều chi tiết quan trọng như độ sắc nét, màu sắc, dải tương phản, nhiễu hạt... Do đó, kích thước cảm biến càng lớn sẽ thu lại một phần ánh sáng bị mất, giúp cải thiện phần nào chất lượng ảnh.

Smartphone một camera cần những gì?

Dù chất lượng chưa bằng máy ảnh chuyên dụng, không thể phủ nhận hệ thống nhiều camera trên smartphone giúp thiết bị trở nên thú vị hơn. Camera góc siêu rộng từng là tính năng độc quyền trên smartphone LG nhưng bây giờ, nhiều thiết bị tầm trung giá rẻ cũng trang bị camera này. Tuy chất lượng có thể kém hơn camera chính, khả năng chụp ảnh góc siêu rộng vẫn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị.

Trong khi đó, camera telephoto cho phép chụp cận cảnh nhiều chi tiết ở khoảng cách xa mà không bị giảm chất lượng, cho cảm giác sử dụng tương tự camera chuyên nghiệp. Ống kính này còn hỗ trợ chế độ chụp chân dung, tạo hiệu ứng mờ phông tự nhiên. Kết hợp thuật toán phần mềm, người dùng có thể tạo ra bộ ảnh chân dung chất lượng tốt từ camera này.

Ảnh chụp từ Sharp Aquos R6 so với một số smartphone khác. Ảnh: XDA.

Với việc hệ thống nhiều camera trở nên quen thuộc, các nhà sản xuất cần đáp ứng một số yếu tố để mang hệ thống một camera trở lại smartphone mà không ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm. Theo PhoneArena, một trong những camera có thể loại bỏ là ống kính góc siêu rộng. Thay vào đó, chỉ cần giúp camera chính chụp rộng hơn bình thường, bổ sung nút zoom ra xa khi cần.

Trên Sharp Aquos R6, điều đó giúp ảnh chụp góc thường và góc rộng có màu sắc, độ phơi sáng và chất lượng như nhau. Tuy góc chụp không rộng như smartphone hiện nay, đa số người dùng sẽ không quá than phiền bởi trong hầu hết trường hợp, họ có thể lùi vài bước để chụp nhiều đối tượng hơn.

Một trong những yếu tố cần quan tâm là khả năng zoom quang để chụp vật ở khoảng cách xa. Với Xperia 1 III, Sony đã trang bị camera thay đổi tiêu cự, cho phép zoom quang 2,9x hoặc 4,4x chỉ với một camera. Oppo cũng giới thiệu camera có thể nhô lên khỏi thân máy. Dù chưa rõ tác dụng cụ thể, đây vẫn là một trong những công nghệ camera đáng chờ đợi trong năm.

Tính năng khác cần trang bị trên smartphone một camera là thay đổi khẩu độ, cho phép chụp ảnh chất lượng cao trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau. Kết hợp khẩu độ lớn với cảm biến 1 inch giúp chụp ảnh chân dung mà không cần camera telephoto. Trong khi đó, khẩu độ nhỏ giúp hạn chế quang sai, ảnh hưởng chất lượng ảnh trong một số trường hợp.

Thuật toán phần mềm cũng là yếu tố quan trọng khi nói đến chất lượng camera trên điện thoại. Ảnh: XDA.

Ngoài ống kính camera duy nhất, smartphone có thể trang bị cảm biến LiDAR hoặc ToF để ghi nhận khoảng cách trong điều kiện thiếu sáng, giúp ảnh chân dung có chất lượng tốt hơn. Ngoài ra, thuật toán phần mềm cũng là yếu tố quan trọng để xử lý màu sắc, độ phơi sáng và các chi tiết trong ảnh.

Tuy đã trải qua nhiều năm cải tiến, luôn có không gian để phát triển camera trên smartphone. Nếu muốn mang đến trải nghiệm chụp ảnh giống camera chuyên dụng, rút gọn hệ thống camera sau còn một ống kính dường như là cách tốt nhất. Tuy nhiên, có thể mất vài năm để các hãng phát triển đủ công nghệ tích hợp vào một camera, kể cả phần mềm lẫn phần cứng.

Tác giả: Phúc Thịnh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP