Số hóa

Nỗi lo cáp quang biển

Các hoạt động kinh tế - xã hội, điều hành ở các cấp… hiện nay phụ thuộc vào mạng intertnet, công nghệ viễn thông là điều không còn bàn cãi. Nếu không có đầu tư mới, nhanh và lớn thì các cuộc “khủng hoảng” về đứt quang cáp biển, mất kết nối quốc tế sẽ còn tiếp diễn.

Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam đang tham gia khai thác 5 tuyến cáp quang biển quốc tế, gồm Asia America Gateway (AAG), Asia Pacific Gateway (APG), SMW3 (còn gọi là SEA - ME - WE3), Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á) và Asia - Africa - Euro 1 (AAE-1). Mới đây, trừ tuyến SMW3, 4 tuyến còn lại đều gặp sự cố, riêng tuyến APG mất kết nối hoàn toàn.

Các sự cố nói trên đã làm mất khoảng 75% kết nối đi quốc tế của Việt Nam và những ngày đầu tháng 2 vừa qua đã diễn ra “khủng hoảng” về kết nối mạng internet đi quốc tế của Việt Nam. Sau khi Bộ TT-TT lập ban chỉ đạo điều phối và khắc phục sự cố, cuộc “khủng hoảng” mới dịu dần, kết nối mạng đi quốc tế dần ổn định và cơ bản không còn bị “mất mạng”.

Theo chỉ đạo của Bộ TT-TT, các nhà mạng đã ứng cứu, chia sẻ lưu lượng cho nhau. Cụ thể, Viettel đã chia sẻ 100Gbps kết nối internet quốc tế cho VNPT. Cùng với đó, các nhà mạng tăng cường mua thêm dung lượng kết nối quốc tế qua hệ thống cáp quang đất liền.

Cùng với 5 tuyến cáp quang biển nói trên, Viettel đang khai thác 2 tuyến cáp quang đất liền là tuyến Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào - Campuchia để đảm bảo các phương án kết nối. VNPT cũng có tuyến cáp quang đất liền CSC kết nối từ Lạng Sơn đi Trung Quốc. Đây là những hệ thống dự phòng của Viettel và VNPT, thời gian qua đã được khai thác tối đa. Viettel và VNPT cũng đã tham gia vào các liên minh để đầu tư xây dựng 2 tuyến cáp biển mới là SJC2 và ADC.

Dự kiến trong năm nay, 2 tuyến cáp quang biển này sẽ xây dựng xong, đưa vào vận hành. Đây là 2 tuyến cáp quang biển có áp dụng những công nghệ mới nhất, do đó dung lượng và giá thành đều có khả năng tốt hơn các tuyến cáp biển hiện tại. Khi các tuyến cáp quang biển mới đưa vào hoạt động, sự phụ thuộc của Việt Nam vào các tuyến cáp biển hiện nay sẽ giảm đi.

Trong những năm qua, hạ tầng internet tại Việt Nam đã phát triển rất nhanh, từng bước hoàn thiện nhưng so với nhiều nước trong khu vực vẫn ở mức thấp. Cụ thể, kết nối internet của Việt Nam ra quốc tế chủ yếu phụ thuộc vào 5 tuyến cáp quang biển.

Kết nối 3 tuyến đất liền cũng như hệ thống vệ tinh Vinasat của VNPT, chỉ mang tính dự phòng, dùng trong trường hợp khẩn cấp. Trong khi đó, Singapore có 30 tuyến cáp quang biển, Malaysia có 22 tuyến và Thái Lan có 10 tuyến.

Theo một số nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước, hạ tầng hiện nay của Việt Nam về lâu dài vẫn chưa đủ phục vụ cho các thuê bao. Khi có sự cố đứt cáp, một số nhà cung cấp dịch vụ gặp khó khăn vì không đủ hạ tầng ứng cứu; trong khi nhu cầu sử dụng của người dùng càng ngày càng cao, với mức tăng trung bình 30% mỗi năm, nên việc gia tăng số lượng cáp quang biển quốc tế là giải pháp cần thiết.

Có thể khẳng định, trong năm 2023, Việt Nam sẽ có 7 tuyến cáp quang biển kết nối quốc tế, nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, cùng với việc mua thêm dung lượng kết nối quốc tế trên các tuyến cáp quang đất liền hiện tại, cần có sự đầu tư, xây dựng thêm các tuyến các quang đất liền kết nối quốc tế mới.

Điều này, trước hết là trách nhiệm của các nhà mạng viễn thông, cùng đó là sự quyết liệt của Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng. Chuyện đứt quang cáp biển đã xảy ra thường xuyên, nhiều năm qua.

Trong khi đó, các hoạt động kinh tế - xã hội, điều hành ở các cấp… hiện nay phụ thuộc vào mạng intertnet, công nghệ viễn thông là điều không còn bàn cãi. Nếu không có đầu tư mới, nhanh và lớn thì các cuộc “khủng hoảng” về đứt quang cáp biển, mất kết nối quốc tế sẽ còn tiếp diễn.

Tác giả: TRẦN LƯU

Nguồn tin: Báo Sài Gòn giải phóng

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP