Nữ doanh nhân nghìn tỷ bí ẩn
Sở hữu khối tài sản nghìn tỷ song ít người biết đến doanh nhân Đặng Thị Lý. Theo tài liệu của PV, bà Lý sinh năm 1954 có cùng quê Thanh Hóa với ông Lê Văn Vọng.
Ngoài Công ty Đại An, doanh nhân Đặng Thị Lý còn là cổ đông lớn nắm quyền chi phối, với 89,349% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Louis - doanh nghiệp được thành lập vào tháng 2/2016, với 5 cổ đông sáng lập gồm: Đinh Thị Liên, Đặng Thị Lý, Lê Văn Vọng, Lê Văn Hải và Dương Thị Nhàn.
Bà Đặng Thị Lý cũng là người sáng lập ra Công ty TNHH đầu tư và thương mại Anh Kiệt. Mới đây, Bà Lý đã giao công ty này cho nữ doanh nhân 9x Hoàng Thị Tuyết.
Có một điều trùng hợp khá thú vị là doanh nhân Hoàng Thị Tuyết có hộ khẩu đăng ký thường trú “cùng nhà” với ba anh em ông Lê Văn Vọng, Lê Văn Vân và Lê Văn Hải.
Đại gia Lã Vọng toan tính mới
Chỉ chưa tới 2 tháng sau khi thoái toàn bộ vốn và không còn là Tổng giám đốc của Tập đoàn Lã Vọng, ông Lê Văn Vọng đã thành lập doanh nghiệp mới là Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam, trụ sở chính tại đường 25 Ngọc Thuỵ, phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên, Hà Nội.
Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Tài chính Việt Nam có vốn điều lệ công ty là 500 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông sáng lập là ông Lê Văn Vọng - đồng thời là Tổng giám đốc Công ty góp 499,98 tỷ đồng, tương đương 99,99% cổ phần; ông Vũ Văn Thái và Hà Chí Luyện đều có địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hoằng Hóa - Thanh Hóa, mỗi người góp 10 triệu đồng, tương đương 0,002% cổ phần.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo khai trương quán cà phê
Sau ồn ào với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Pleiku. Chuỗi quán mới này sẽ đảm đương vai trò tái dựng làn sóng cà phê thứ 3 mà Trung Nguyên đã xây dựng thành công.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo cho biết, lý do chọn thành phố Pleiku để đặt quán đầu tiên của chuỗi thương hiệu vì đây là vùng đất di sản của cà phê - lớn chỉ sau thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột.
Sau chuỗi cà phê, sắp tới, bà còn phát triển nhiều nhánh thương hiệu mới để mở rộng đường đi đến thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực F&B.
|
Công ty của ông Trương Gia Bình thâu tóm công ty Mỹ
Công ty FPT gắn liền với ông Trương Gia Bình đã công bố mua lại 90% cổ phần của Intellinet Consulting (Intellinet). Thương vụ đã chính thức được ký kết tại thành phố Atlanta, Mỹ.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT, cho biết: “Đồng hành cùng các tập đoàn toàn cầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng tôi nhận ra một nhu cầu to lớn về tư vấn chiến lược và thực thi chuyển đổi số. Đầu tư chiến lược vào Intellinet chính là giải pháp để FPT đáp ứng nhu cầu này".
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty FPT kiêm CFO, cho hay, hiện tại FPT đã chi 30 triệu USD, bằng với doanh thu năm 2017 của Intellinet, để sở hữu 90% cổ phần của công ty này. Tuy nhiên, FPT đặt ra chỉ tiêu nếu Intellinet đạt được một mức doanh thu nhất định tron 3 năm tới thì thương vụ này có thể sẽ đạt tới 40-60 triệu USD.
|
Sếp dầu khí xin nghỉ việc ở nhiệt điện Thái Bình 2
Ông Nguyễn Thành Hưởng, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, vừa gửi đơn nghỉ việc lên Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Lý do được ông Nguyễn Thành Hưởng trình bày là vì nhiệm kỳ đã hết (ông Hưởng được bổ nhiệm từ tháng 3/2013) và không có nguyện vọng tái bổ nhiệm. Ngoài ra, ông Hưởng cũng đề cập đến lý do muốn dành thời gian cho gia đình sau 25 năm gắn bó với ngành dầu khí.
Những sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiệt điện Thái Bình 2 đã khiến một loạt cựu sếp dầu khí bị khởi tố, bắt giam và bị tòa án xét xử. Trong đó, ông Đinh La Thăng phải chịu mức án 13 năm tù giam vì tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Trịnh Xuân Thanh bị tuyên phạt 14 năm tù tội cố ý làm trái, chung thân tội tham ô...
Kỷ luật nguyên Tổng giám đốc Vicem
Ban bí thư vừa có quyết định thi hành kỷ luật với ông Trần Việt Thắng, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem).
|
Theo đó, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả các vi phạm và quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Trần Việt Thắng bằng hình thức cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, cách chức Uỷ viên Ban chấp hành Đảng bộ Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam.
Quyết định được Ban Bí thư đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương về việc đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật với ông Trần Việt Thắng, Uỷ viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Phó bí thư Đảng uỷ Vicem.
Sếp ACV ký bổ nhiệm hơn 70 người trước khi nghỉ hưu
Ông Lê Mạnh Hùng, hiện là Tổng giám đốc ACV. Ông sẽ về hưu từ giữa tháng 7. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn trước khi nghỉ hưu, ông Hùng đã ký 76 quyết định bổ nhiệm trưởng, phó phòng trong Tổng công ty. Các nhân sự mới nhận nhiệm vụ từ ngày 1/7.
ACV cho biết việc ông Hùng ký liên tiếp nhiều quyết định bổ nhiệm nhân sự là "giúp công ty kiện toàn bộ máy".
Mục đích này được công ty đặt ra từ năm 2015. Sau một thời gian xem xét, các đơn vị trực thuộc Tổng công ty đã đề nghị thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ theo mô hình mới vào đầu năm 2017.
Bộ Giao thông vừa phê duyệt quyết định giao Thanh tra bộ kiểm tra trách nhiệm của người đại diện phần vốn nhà nước tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động bổ nhiệm, luân chuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Tác giả: Bảo Anh
Nguồn tin: Báo VietNamNet