Kinh tế

'Đại gia' bán lẻ ngoại lỗ triền miên: Đau đầu chuyện doanh nghiệp chuyển giá

Tại sao cùng địa bàn, cùng loại hình kinh doanh là bán lẻ nhưng các tập đoàn bán lẻ trong nước khác như Co.opMart, VinMart với độ phủ rất lớn, lại không nghe báo lỗ thê thảm như vậy?

Khách hàng đông, doanh thu tăng mạnh nhưng Lotte Mart vẫn liên tục báo lỗ. Ảnh: Độc Lập

Bình luận việc các đại gia trong ngành bán lẻ ngoại liên tục báo lỗ, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đặt vấn đề, tại sao cùng địa bàn, cùng loại hình kinh doanh là bán lẻ nhưng các tập đoàn bán lẻ trong nước khác như Co.opMart, VinMart với độ phủ rất lớn, lại không nghe báo lỗ thê thảm như vậy? Lỗ đến đó, họ đã đóng cửa lâu rồi chứ không thể mở rộng.

Theo ông Doanh, với một hoạt động kinh doanh, báo lỗ đến 11 năm hoặc hơn thế nữa là điều rất không bình thường. Thông thường, doanh nghiệp (DN) chịu lỗ đến 3 năm, nếu xét thấy không ổn, họ phải thay đổi chiến lược, tìm mọi cách có lãi, xem xét có nên tiếp tục hay không... chứ không thể có chuyện “cam chịu” ngồi nhìn hoạt động kinh doanh của mình lỗ triền miên vậy.

Cuộc đua mở rộng hoạt động không phải là chuyện bất thường, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều cạnh tranh mở rộng để giành thị phần. “Nếu lỗ liên tục, sao lại mở rộng đầu tư, điều này khó giải thích về logic kinh tế. Các cơ quan quản lý tài chính, thuế cần vào cuộc xem xét thấu đáo, lỗ lã thế nào. Cần có phân tích để công bằng hơn. DN FDI được hưởng nhiều ưu đãi; thuê đất trong bán lẻ cũng rất ưu đãi, lại là các tập đoàn có tên tuổi, người tiêu dùng đang đón nhận tích cực, nhưng hơn chục năm qua VN lại không thu được đồng tiền thuế nào là sao? Việc cứ báo lỗ, tăng đầu tư của các DN FDI như đã thành thói quen mà chúng ta chưa có biện pháp quyết liệt để dẹp. Nhân sự kiện Lotte Mart báo lỗ, tôi nghĩ phải có những cuộc gặp các bên trong và ngoài nước, kiểm toán... một cách sòng phẳng hơn”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nói.

Trong một điều tra toàn quốc của Tổng cục Thuế năm 2013 về tình trạng trốn thuế đã chỉ ra rằng có 83% DN FDI đang sử dụng nhiều mánh khóe khác nhau nhằm giảm số tiền thuế phải nộp. Mức thất thu còn nghiêm trọng hơn theo báo cáo Đánh giá chính sách ưu đãi thuế tại VN của Oxfam đầu năm 2017 cho thấy chính sách ưu đãi thuế đã góp phần thu hút vốn FDI nhưng cũng làm giảm thu ngân sách khá lớn. Cụ thể, năm 2013, Chính phủ ước giảm thu ngân sách từ thuế TNDN là 2.080 tỉ đồng, năm 2014 là 2.500 tỉ đồng.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng rất khó để chứng minh được các DN ngoại chuyển giá bởi đó đều là những tập đoàn đa quốc gia, có rất nhiều năm hoạt động ở nhiều nước khác nhau và họ thừa kinh nghiệm để có thể thực hiện các chiêu thức đa dạng mà cơ quan quản lý VN không dễ phát hiện.

Câu chuyện chuyển giá cũng là vấn đề nhức đầu đối với cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều quốc gia khác. Đặc biệt hiện nay, nếu việc chuyển giá được thực hiện qua hình thức dịch vụ thì không có cơ sở để bác bỏ. Ví dụ, phí sử dụng thương hiệu nếu được công ty mẹ quy định là 10% trên tổng doanh thu thì VN khó lòng bác bỏ hay chứng minh rằng phí đó là cao, là vô lý. “Tuy nhiên dù khó nhưng vẫn cần phải thanh kiểm tra thường xuyên, ví dụ xem xét cụ thể đó là chi phí đầu tư gì? Tài sản cố định được trích khấu hao trong thời gian dài có làm đúng không...”, luật sư Xoa nhấn mạnh.

Tác giả: M.Phương - N.Nga

Nguồn tin: Báo Thanh niên

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP