Chúng tôi gặp Lương Thị Quỳnh Như (SN 2002), trú tại bản Xốp Nặm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương (Nghệ An) khi em từ trường THPT Tương Dương 1 về thắp hương cho mẹ. Trên bàn thờ đặt phía ngoài hiên nghi ngút khói, đôi mắt Quỳnh Như đỏ hoe, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Quỳnh Như nhớ mẹ!
Ở cái bản nghèo nơi vùng biên giới này cũng chỉ biết Quỳnh Như là một đứa trẻ không cha. Tuổi thơ lớn lên với bao nỗi buồn tủi khi bạn bè cùng trang lứa đều có một mái ấm được bao bọc bởi vòng tay yêu thương của bố mẹ. Quỳnh Như chia sẻ: “Lúc còn nhỏ, thấy các bạn được bố cõng trên lưng đưa đến trường lòng em lại quặn thắt lại và chỉ ước ao mình cũng có một người cha. Nhiều lần em gặng hỏi nhưng mẹ vẫn chỉ nói rằng: “Bố con đang đi xa lắm”. Cuộc sống hai mẹ con Quỳnh Như lam lũ vất vả khi phải dựng lều ở tạm khắp nơi trên vùng đất của bản Xốp Nặm.
Quỳnh Như luôn cố gắng vượt lên hoàn cảnh. |
Cuộc sống túng quẫn trong nghèo khổ, chị Lương Thị Hường (SN 1972, mẹ Quỳnh Như) đành gửi con ở lại quê hương cho họ hàng rồi sang Lào tha phương cầu thực. Một công ty khai thác gỗ nhận bà vào nấu ăn và phục vụ cho họ với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Quỳnh Như là một trong số ít học sinh ở xã biên giới này thi đậu vào trường PTDTNT THCS Tương Dương. Được nhà trường cấp học bổng, nuôi ăn ở nên gánh nặng trên vai người mẹ nhẹ đi phần nào.
Chẳng phụ công lao mẹ, năm nào Quỳnh Như cũng đạt học sinh tiên tiến của trường. Lên lớp 10, Quỳnh Như vinh dự được tham gia Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Nghệ An môn đẩy gậy và em đạt giải ba. Thành tích của em là niềm vui to lớn không chỉ đối với bản thân mà còn là động lực cho người mẹ đang vất vả ở Lào.
Nhưng số phận đau thương vẫn chưa buông tha cô nữ sinh nghèo khi cướp đi người mẹ của em trong ngày gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. “Hôm đó là ngày 25 Tết, trường chúng cháu được nghỉ nhưng mẹ gọi về bảo cứ ở thị trấn chờ mẹ để chiều nay mẹ đi mua ít đồ rồi mai 2 mẹ con cùng về nhà luôn. Cả ngày hôm ấy cháu cứ nôn nao chỉ mong sớm được gặp mẹ, được nghỉ Tết mà lòng nóng như lửa đốt. Chiều hôm đó có người gọi điện về báo, mẹ bị tai nạn và qua đời ở Lào” - Quỳnh Như nghẹn khóc kể lại.
Thi thể bà Lương Thị Hường được đưa về bản Xốp Nặm. Dân làng thương tình dựng tạm một túp lều trên nền đất cũ bên khe Chà Lạp để lo việc ma chay. Những giọt nước mắt của mọi người rơi xuống vừa tiếc thương người phụ nữ xấu số vừa ái ngại cho đứa con đang tuổi ăn học. Mỗi lần về, nhìn nền đất cũ nơi 2 mẹ con từng sinh sống, Quỳnh Như nhớ mẹ!
Bàn thờ mẹ Quỳnh Như được đặt nhờ ở nhà họ hàng. |
Chịu tang mẹ xong, Quỳnh Như lại khăn gói ra thị trấn ở trọ để đi học. Người chủ nhà thương hoàn cảnh của em đã miễn phí hoàn toàn tiền thuê trọ. Tuy nhiên, khi tang mẹ đã xong cũng là lúc túp lều cũ bị dỡ đi. Di ảnh người quá cố được họ hàng đưa về nhà cho tiện việc thờ cúng. Hàng tuần, Quỳnh Như đều nhờ bạn chở về để thắp hương cho mẹ.
“Trước đây, em luôn phấn đấu học tốt để trở thành một cô giáo về dạy cho các em nơi bản mình đang sinh sống. Nhưng bây giờ đến tiền sinh hoạt hàng ngày còn phải lo lắng nói chi đến chuyện thành cô giáo. Tâm nguyện lớn nhất của em lúc này là có được một nơi ở ổn định để thờ mẹ” - Quỳnh Như ngước đôi mắt nhìn lên di ảnh mẹ chia sẻ.
Chúng tôi chia tay cô nữ sinh lớp 11 khi trời vừa xế chiều, Quỳnh Như cũng lật đật phải vội ra trường để kịp thời gian học. Cái dáng người mảnh khảnh của Quỳnh Như với ước muốn trở thành cô giáo và tìm một chỗ thờ mẹ cứ hiển hiện và ám ảnh trong lòng chúng tôi…
Tác giả: ĐÀO THỌ - CẢNH HUỆ
Nguồn tin: Báo Tiền phong