Tin trong tỉnh

Ở tâm bão 'H': Phía trước là khó khăn

1.914 người đã bị nhiễm 'H' (HIV) khiến huyện miền núi Quế Phong đang phải dẫn đầu số người có 'H' ở Nghệ An.

Chị Lô Thị L. ao ước thoát khỏi “H” để làm lại cuộc đời. ẢNH: K.HOAN


Việc ngăn chặn “H” ở phía trước vẫn là khó khăn khi các dự án quốc tế hỗ trợ đã và sắp rút vì hết thời gian.

Thảm cảnh

Căn nhà xập xệ nằm bên đường của bản Tạng (xã Tiền Phong, H.Quế Phong) là nơi cư ngụ của 3 mẹ con chị Lô Thị L. Trong căn nhà này chẳng có tài sản gì đáng giá. Thấy có khách lạ là tôi đến nhà, chị L. khoanh tay “chào cán bộ”. Người phụ nữ 45 tuổi nước da đen đúa, gầy nhẳng buồn bã kể về quãng đời khốn khổ: “Em lấy chồng, được 2 đứa con thì chồng bỏ đi theo đứa khác. Em theo bạn bè, dính vào ma túy và khi đang mang heroin đi bán thì bị bắt và bị kết án 12 năm tù”. Khi đang thụ án, chị L. được đưa đi xét nghiệm và phát hiện đã bị nhiễm HIV. Chị L. được tha tù trước thời hạn vì bệnh tật. Trở về nhà, mang “H” trong người, nên chị L. luôn bị bệnh tật hành hạ. Hai đứa con, đứa lớn năm nay 18 tuổi, còn đứa nhỏ 13 tuổi nhưng thường xuyên đau ốm. “Em chỉ mong sao thoát khỏi bệnh, được khỏe mạnh để đi làm kiếm tiền nuôi con”, chị L. nhìn ra cửa, ước mơ.

Trước mặt nhà chị L. cũng vốn là một tổ ấm gia đình, nhưng căn nhà ấy nay chỉ còn trơ lại cái nền đất. Đó là mái ấm của em ruột chị L. - chị Lô Thị T., năm nay 39 tuổi. Chồng chết vì AIDS cách đây 3 năm, chị T. dính vào ma túy, bị nghiện rồi đi buôn ma túy, bị bắt và đang phải thụ án. Chồng chết, vợ đi tù, gia đình ly tán. Ba đứa con của chị T., 1 đứa đang đi trại giáo dưỡng, 2 đứa còn lại, chị L. cũng không biết cháu mình đang làm gì, ở đâu.

Ông Lương Viết Trường, người phụ trách y tế bản Tạng, chỉ về phía căn nhà trông nghèo nàn nằm gần đối diện với nhà chị L., nói với tôi, đó là nhà chị Cầm Thị Th. Chồng chị Th. nghiện ma túy, dính “H” và hiện đang đi tù, chị Th. lây nhiễm “H” từ chồng. “May mắn là 2 đứa con sinh trước khi con Th. mắc “H” nên thoát được”, ông Trường nói.

Mỗi khi phải bổ sung thêm người đã nhiễm “H” vào sổ hay gạch tên người mất vì AIDS, xót xa lắm!

Lương Thị Kiên, Trưởng trạm y tế xã Tiền Phong

Năm 2017, chị Hà Thị T. (ở bản Tạng) mang thai đôi con trai đầu lòng. Khi sắp đến ngày sinh, chị đi xét nghiệm thì nhận tin sét đánh đã bị nhiễm “H” dù chồng chị chẳng hề hấn gì. “Khi đó, em không tin vào tai mình và vẫn hy vọng đó là một sự nhầm lẫn. Sau khi sinh con, thấy sức khỏe yếu đi mà không rõ nguyên nhân, em đi xét nghiệm lại thì kết quả đã bị nhiễm HIV”, chị T. kể. Vẫn hy vọng vào một phép màu để 2 đứa con thoát khỏi “H”, nhưng đến đầu năm 2018, kết quả xét nghiệm của 2 đứa con đã làm chị suy sụp. “Lúc đó em rất buồn và suốt ngày khóc, không muốn ăn uống gì nữa. Mình bị sao cũng được, nhưng con còn quá nhỏ đã phải gánh chịu bệnh tật”, chị T. buồn bã nói. Hơn 1 năm nay, mỗi tháng 1 lần, chị T. lại đón xe khách đi gần 200 km xuống TP.Vinh để lấy thuốc điều trị “H” cho con.

Thông thường, “H” bị lây nhiễm từ chồng sang vợ, nhưng ông Trường nói, điều lạ ở bản Tạng là nhiều trường hợp ngược lại, có trường hợp vợ dính “H” nhưng chồng may mắn không bị lây nhiễm. “Nguyên nhân cũng khó xác định, nhưng ở đây nhiều trường hợp khi chưa có chồng, họ đi làm ăn xa, có thể bị “dính” rồi mang “H” về bản”, ông Trường lý giải. Bản Tạng hiện đã có 60 người nhiễm “H”, nhiều người đã tử vong.

Chị Hà Thị T. (ở bản Tạng) và 2 đứa con sinh đôi nhiễm “H” sau khi lọt lòng mẹ

Khó khăn tứ bề

Người đầu tiên nhiễm “H” tại H.Quế Phong được phát hiện vào năm 1998 tại xã Châu Kim, sau đó dịch “H” “tấn công” nhiều xã, mạnh nhất bắt đầu từ năm 2009. Đến cuối 2018, một số xã của huyện này có số người nhiễm “H” rất cao: xã Tiền Phong 417 người, xã Mường Nọc 368 người, xã Châu Kim 201 người... Năm 2015, huyện này có 2.163 ca xét nghiệm HIV thì có 242 ca dương tính. Năm 2016, 2.182 ca xét nghiệm, 382 ca dương tính. Năm 2017, 1.550 ca xét nghiệm, 189 ca dương tính. Năm 2018, 1.049 ca xét nghiệm, phát hiện 106 ca dương tính với HIV.

Mỗi tháng được trả 760.000 đồng, những người phụ trách y tế thôn bản muốn thực sự sống với nghề cũng khó, nhất là với người nhiễm “H” nhiều như ở bản Tạng. Phụ trách y tế bản cũng là cộng tác viên của chương trình phòng chống HIV/AIDS, đi vận động những người nghi nhiễm “H” xét nghiệm để được phát thuốc điều trị. Nhưng việc vận động cũng không hề dễ dàng. “Chúng tôi phải dùng đủ mọi cách để thuyết phục nhưng nhiều người vẫn không chịu đi, thậm chí có khi phải lừa, bảo là chỉ đi khám sức khỏe thông thường thôi, họ mới chịu. Năm 2018, tôi chỉ vận động được 8 người đi xét nghiệm, có 3 người dính H”, ông Trường nói.

Vợ chồng anh Lữ Văn Đ. (nghiện ma túy) và Lang Thị L. đều bị nhiễm “H”. Năm 2018, chị L. sinh đứa con thứ 4. Sau khi sinh, ông Trường đã nhiều lần đến nhà vận động chị L. đưa con đi xét nghiệm để được điều trị nhưng vẫn không thành. “Trước năm 2018, chúng tôi đi vận động người nghi nhiễm “H” đi xét nghiệm, nếu vận động thành công, chúng tôi được hỗ trợ 50.000 đồng, nhưng năm 2018 thì không còn tiền hỗ trợ nữa”, ông Trường nói.

Lần giở quyển sổ dày cộm ghi chép danh sách những người nhiễm “H” của xã, y sĩ Lương Thị Kiên, Trưởng trạm y tế xã Tiền Phong, buồn bã thông báo, đến nay đã phát hiện 417 người trong xã bị nhiễm “H”. Danh sách người nhiễm “H” ngày cứ nối dài thêm. Có 44 người đã chết vì “H” được ghi nhận, 373 người đang được điều trị, trong đó có 109 phụ nữ 18 - 49 tuổi, 10 trẻ dưới 15 tuổi, còn lại là nam giới. “Mỗi khi phải bổ sung thêm người đã nhiễm “H” vào sổ hay gạch tên người mất vì AIDS, xót xa lắm!”, chị Kiên thở dài.

Người đầu tiên nhiễm “H” được phát hiện ở xã Tiền Phong vào năm 2000. Từ đó đến nay, nó như một cơn bão, cứ ngày một khốc liệt. Ngành y tế đã tích cực vào cuộc, nhưng vận động được người dân đi xét nghiệm để điều trị là không hề dễ dàng. Khó nhất là hiện nay nhiều thanh niên ở xã đi làm ăn xa, rất khó để vận động những người khả nghi đã bị lây nhiễm đi xét nghiệm.

Căn nhà, nơi cư ngụ của 3 mẹ con chị Lô Thị L. ở bản Tạng

“Họ còn sợ bị kỳ thị nên muốn giấu, không dám đi xét nghiệm. Cứ nhìn vào số người đăng ký nhận thuốc ARV tại trạm y tế xã là biết. Rất ít người nhận tại xã vì ngại, chủ yếu họ đăng ký nhận trên huyện”. Về hệ lụy của cơn bão “H”, chị Kiên nói, khoảng 85% người bị “H” ở đây đều nghèo, có người không có nhà ở. Bị nhiễm “H”, sức đề kháng yếu đi khiến họ dễ bị nhiễm cúm và các bệnh khác nên dù đang ở độ tuổi 30 - 40 nhưng sức lao động cũng hạn chế nên họ rất khó cải thiện kinh tế.

Bà Trương Thị Tuyết Mai, Phó chủ tịch UBND H.Quế Phong, cho biết 5 dự án quốc tế mang tài trợ đến H.Quế Phong để góp phần ngăn chặn “H” gồm: Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Mỹ, Ngân hàng Thế giới, Quỹ toàn cầu, Trung tâm phát triển y tế cộng đồng và Tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, đến nay đã rút đi gần hết. Các dự án chấm dứt, các hoạt động để ngăn ngừa “H” lây nhiễm sẽ gặp khó khăn. Từ 2016, nhóm đồng đẳng viên đã hết tài trợ, phải dừng hoạt động; nhóm y tế thôn, bản được tập huấn kỹ năng tiếp cận, vận động cũng đã phải dừng. Kinh phí để chi trả cho những người chuyên trách và cộng tác viên phòng chống HIV/AIDS từ 3 năm nay không còn. Không có kinh phí, nhiều nhân viên y tế thôn bản ở các xã là tâm điểm của cơn bão “H” phải nghỉ việc vì không trụ nổi.

Tác giả: Khánh Hoan

Nguồn tin: Báo Thanh niên

  Từ khóa: quế phong , hiv , Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP