Kinh tế

Ở trong tù, bầu Kiên vẫn tăng hàng trăm tỷ đồng tài sản

Chỉ trong ngày hôm qua (19/2), tài sản vợ chồng bầu Kiên tăng gần 137 tỷ đồng và tăng hơn 301 tỷ đồng kể từ đầu tháng 2, hiện đạt 2.193,2 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch lình xình của thị trường ngày 19/2, ACB là mã cổ phiếu ngân hàng có mức tăng đáng chú ý nhất. Mã này tăng mạnh 1.950 đồng tương ứng 6,69% lên 31.100 đồng - đây cũng là mức đỉnh giá mới của cổ phiếu.

Diễn biến giá ACB trong 1 tháng qua

ACB đang đạt mức giá cao nhất lịch sử

Tính từ đầu tháng 2 đến nay, cổ phiếu ACB tăng 4.300 đồng tương ứng tăng 16,04%.

Với mức tăng này của giá cổ phiếu, tài sản gia đình ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch Hội đồng quản trị ACB (HĐQT) - tăng mạnh.

Theo báo cáo quản trị năm 2020 do ACB mới công bố, ông Trần Hùng Huy đang sở hữu 74,07 triệu cổ phiếu tương ứng chiếm tỷ lệ 3,43% vốn điều lệ ở ngân hàng này. Bà Đặng Thu Thủy - Thành viên HĐQT - nắm 28,82 triệu cổ phiếu, chiếm tỉ lệ 1,19%.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp của gia đình ông Huy là Đầu tư Thương mại Giang Sen nắm 38,86 triệu cổ phiếu ACB (chiếm tỷ lệ 1,8%); Đầu tư Thương mại Vân Môn nắm 21,48 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 0,99%) và Đầu tư Thương mại Bách Thanh nắm 27,05 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ lệ 1,25%).

Trước đó, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên hồi tháng 4/2018, sở hữu của nhóm ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) ở ACB được cho biết đạt trên 10%. Trong đó, bầu Kiên sở hữu 31,57 triệu cổ phiếu còn bà Đặng Ngọc Lan sở hữu trên 38,5 triệu cổ phiếu.

Tính ra, trong phiên hôm qua, tài sản vợ chồng bầu Kiên tăng gần 137 tỷ đồng và tăng hơn 301 tỷ đồng kể từ đầu tháng 2, hiện đạt 2.193,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, tài sản cổ phiếu của gia đình Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy tăng hơn 371 tỷ đồng trong ngày 19/2 và tăng 818,2 tỷ đồng so với đầu tháng 2.

Về thị trường chung, phiên chiều 19/2, trong khi HNX-Index có pha bứt phá đáng chú ý ở đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC) thì VN-Index vẫn gần như đi ngang.

Nguyên nhân đi ngang của VN-Index do hệ thống giao dịch của trên HSX tiếp tục rơi vào tình trạng "đơ", "nghẽn" và loạn giá khiến nhà đầu tư không thể đặt lệnh và không thể gửi lệnh đi - hay nói cách khác là chỉ có thể đứng ngoài nhìn thị trường.

Đóng cửa, chỉ số chính đánh mất 0,88 điểm tương ứng 0,07% còn 1.173,5 điểm; HNX-Index tăng 0,22 điểm tương ứng 0,1% lên 231,18 điểm và UPCoM-Index tăng 0,78 điểm tương ứng 1,03% lên 76,13 điểm.

Tương quan số mã tăng - giảm trên toàn thị trường không có chênh lệch lớn. Có 485 mã tăng, 79 mã tăng trần và vẫn nhỉnh hơn so với 444 mã giảm, 28 mã giảm sàn.

Một phần lớn nguyên nhân khiến chỉ số giảm đến từ tình trạng chốt lời tại những mã cổ phiếu thuộc rổ Vn30 và khiến 22 mã giảm giá. Trong đó, VCB giảm 0,7%; VIC giảm 0,9%; VNM giảm 0,9%; GAS giảm 1,3%; VPB giảm 1,7%; FPT giảm 2%...

Một số cổ phiếu trong VN30 vẫn đạt được trạng thái tăng, chủ yếu là cổ phiếu ngân hàng: MBB tăng 2,5%; BID tăng 1,6%; CTG tăng 0,5%; STB tăng 0,5%; HDB tăng 0,2% và PLX tăng 0,2%.

Thanh khoản toàn thị trường sụt giảm 4,9% so với phiên trước đó, đạt 17.212,3 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HSX đạt 14.559,2 tỷ đồng, HNX đạt 1.772,9 tỷ đồng và UPCoM đạt 880,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1.223,9 tỷ đồng, tăng 2,8% so với phiên 18/2.

Đáng chú ý, khối ngoại phiên này bán ròng 24,9 tỷ đồng, trong đó bán ròng trên HSX 12,8 tỷ đồng; bán ròng trên HNX 13,6 tỷ đồng nhưng mua ròng 1,5 tỷ đồng trên UPCoM.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh trên sàn HSX, khối tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng 45,4 tỷ đồng song các tổ chức khác trong nước lại mua ròng 13,9 tỷ đồng, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng 97,2 tỷ đồng.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP