Kinh tế

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May, Da Giầy bình quân từ nay đến năm 2025 đạt từ 17-18%/năm

Là một trong các mục tiêu UBND tỉnh đưa ra tại Kế hoạch số 163/KH-UBND ban hành ngày 7/3 về việc triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh đề ra mục tiêu: Phát triển ngành Dệt May và Da Giầy trở thành một trong những ngành công nghiệp chủ lực về xuất khẩu và đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh trên cơ sở ưu tiên phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để phục vụ, đáp ứng nhu cầu nguyên phụ liệu đầu vào cho các doanh nghiệp Dệt May, Da Giầy trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nghiên cứu, thiết kế, xây dựng và phát triển thương hiệu để nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh sản phẩm. Phát triển chuỗi liên kết hoàn thiện sản phẩm may mặc để thụ hưởng các chính sách nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do, với điều kiện có quy mô đầu tư phù hợp, sử dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Định hướng ngành may mặc: Ưu tiên phát triển các dự án có quy mô lớn, tập trung vào các khâu có giá trị gia tăng cao, trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Phát triển các sản phẩm may mặc phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa, đủ khả năng cạnh tranh với các thương hiệu nhập khẩu nhằm thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường trong nước và dần tạo xu hướng có sức ảnh hưởng lan tỏa ra thị trường quốc tế. Tập trung đổi mới công nghệ, trang thiết bị, hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển khâu thiết kế tạo mẫu, cắt vải tự động, đa dạng hóa sản phẩm; giảm tỷ lệ sản xuất gia công trong toàn ngành…

Định hướng ngành Dệt: Ưu tiên phát triển các dự án sản xuất mặt hàng vải dệt kim, dệt thoi, là sản phẩm có khả năng gắn kết các khâu sản xuất sợi, may mặc và sản phẩm vải cao cấp phục vụ may xuất khẩu đáp ứng nhu cầu các nhà máy may mặc trong nước. Thu hút các dự án mới trong ngành dệt có suất đầu tư lớn (trừ khâu nhuộm), đầu tư máy móc thiết bị hiện đại gắn với hệ thống quản lý chất lượng, quản lý lao động và bảo vệ môi trường. Quy hoạch phát triển một số vùng nguyên liệu để phục vụ ngành dệt, sản xuất sợi ở địa bàn các huyện có lợi thế đáp ứng nhu cầu các nhà máy dệt trong nước, giảm nhập khẩu nguồn nguyên liệu đầu vào.

Định hướng ngành Da Giầy: Đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất giầy dép đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Khai thác có hiệu quả năng lực sản xuất hiện có và đầu tư phát triển theo nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu. Khuyến khích và thu hút các dự án đầu tư phát triển thương hiệu giầy thể thao, giầy dép da, túi xách, cặp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để khai thác thị trường trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm…

Định hướng công nghiệp hỗ trợ sản xuất sản phẩm nguyên, phụ liệu: Tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất các sản phẩm: Xơ, kéo sợi phục vụ cho ngành dệt đặc biệt là sợi tổng hợp; xơ sợi chức năng, xơ sợi nguyên liệu mới thân thiện môi trường, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, giảm dần nguyên liệu đầu vào của nhập khẩu. Thu hút đầu tư các sản phẩm nhựa hỗ trợ cho ngành dệt may như: Ống nhựa, các sản phẩm hóa chất hỗ trợ cho ngành dệt…

Tại Kế hoạch, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp thực hiện gồm: Quy hoạch không gian phát triển; tập trung hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh; phát triển thị trường tiêu thụ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; các cơ chế chính sách; đổi mới khoa học, công nghệ và phát triển bền vững, xanh hóa ngành Dệt May, Da Giầy; phát triển nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất.

UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Phương án phát triển ngành Dệt May và Da Giầy trong Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm mục tiêu phát triển ngành Dệt May và Da Giầy trên địa bàn tỉnh nhanh và bền vững. Đồng thời rà soát, đánh giá thực trạng, dự báo nhu cầu thị trường để tham mưu, nghiên cứu cơ chế chính sách, các giải pháp thu hút đầu tư và đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành Dệt May và Da Giầy phù hợp với nội dung Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt…

UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ và các nội dung theo quy định. Tăng cường đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ và các quy định pháp luật khác có liên quan; chủ động tiếp cận các chính sách, đề xuất các nội dung hỗ trợ theo quy định…

Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035:

- Tập trung thu hút vào các khâu tạo giá trị gia tăng dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa với nhóm sản phẩm chính gồm: Sợi, quần áo, giầy dép da xuất khẩu, nguyên phụ liệu hỗ trợ ngành Dệt May, Da Giầy.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp ngành Dệt May, Da Giầy từ nay đến năm 2025 đạt 18-19%, giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đạt 17 -18%.

- Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành Dệt May, Da Giầy bình quân từ nay đến năm 2025 đạt từ 17-18%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt 17 -18%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng Dệt May, Da Giầy đạt khoảng 755 triệu USD; đến năm 2030 đạt khoảng 1.600 triệu USD.

- Nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, đến năm 2030 phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa ngành Dệt May, Da Giầy trên 45%.

Tác giả: PT (Tổng hợp)

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP