Số hóa

Phản ứng của Apple khi Indonesia cấm iPhone 16

Apple đề xuất kế hoạch đầu tư thêm 10 triệu USD vào một nhà máy để chính phủ Indonesia gỡ lệnh cấm bán iPhone 16.

iPhone 16 bị cấm bán tại Indonesia do Apple chưa đáp ứng cam kết đầu tư. Ảnh: EFTM.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết Apple đã đề xuất đầu tư thêm 10 triệu USD để mở rộng sản xuất tại Indonesia. Động thái này nhằm gỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone 16 ở đất nước đông dân nhất Đông Nam Á.

Kế hoạch của Apple dự kiến đầu tư vào một nhà máy tại Bandung, phía đông nam Jakarta. Danh sách nhà cung ứng cũng được Táo khuyết đề cập dù chưa rõ tên công ty. Cơ sở này sẽ sản xuất linh phụ kiện cho thiết bị Apple.

Apple đã nộp hồ sơ lên Bộ Công nghiệp Indonesia. Hồi tháng 10, cơ quan này từ chối cấp giấy phép bán iPhone 16 do tỷ lệ linh kiện nội địa và nhân công địa phương chưa đạt 40% theo quy định.

Theo nguồn tin, cơ quan này đang cân nhắc đề xuất của Apple. Họ có thể yêu cầu thay đổi kế hoạch và sẽ sớm đưa ra quyết định. Cả 2 bên chưa trả lời câu hỏi phỏng vấn từ Bloomberg.

Lệnh cấm bán iPhone 16 tại Indonesia là động thái mới nhất từ chính phủ tân Tổng thống Prabowo Subianto, nhằm gây áp lực lên các công ty nước ngoài để thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo hộ doanh nghiệp địa phương. Quốc gia này cũng vừa cấm bán điện thoại Google Pixel với lý do tương tự.

Chính quyền cựu Tổng thống Joko Widodo từng đưa ra các biện pháp tương tự. Tháng 9/2023, Indonesia đã chặn tính năng TikTok Shop nhằm bảo vệ ngành bán lẻ trong nước trước tình trạng hàng giá rẻ từ Trung Quốc đổ bộ.

Để đối phó lệnh cấm, nền tảng video này phải đầu tư 1,5 tỷ USD vào một công ty liên doanh với Tokopedia, nhánh kinh doanh thương mại điện tử của GoTo Group tại Indonesia.

Apple không có nhà máy độc lập tại Indonesia, chủ yếu hợp tác với nhà cung ứng địa phương để sản xuất linh kiện hoặc gia công thành phẩm.

Theo chính phủ Indonesia, Apple chỉ đầu tư 95 triệu USD thông qua hoạt động đào tạo nhà phát triển, thấp hơn mức cam kết (110 triệu USD). Các quan chức cũng yêu cầu sàn thương mại điện tử Tokopedia và TikTok xóa iPhone 16 khỏi nền tảng nếu không muốn phạm luật.

Trên thực tế, khoản đầu tư 10 triệu USD tương đối nhỏ để Táo khuyết tiếp cận hơn 278 triệu người dùng tiềm năng tại Indonesia, hơn 50% dưới 44 tuổi và am hiểu công nghệ.

Google Pixel cũng bị cấm bán tại Indonesia. Ảnh: GSMArena.

Trong khi Indonesia có thể hài lòng với khoản đầu tư đang được Apple đề xuất, Bloomberg nhận định cách tiếp cận cứng rắn có nguy cơ ngăn cản nhiều công ty muốn mở rộng hoặc kinh doanh lần đầu tại đây, đặc biệt là những doanh nghiệp muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.

Điều này cũng có thể tác động tiêu cực đến mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của chính quyền ông Subianto, nhằm phát triển kinh tế và tài trợ chính sách chi tiêu.

Đầu năm nay, chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh hạn chế nhập khẩu hàng nghìn sản phẩm từ MacBook, lốp xe đến hóa chất, để buộc các công ty nước ngoài mở rộng sản xuất.

Theo Bloomberg, những động thái trên gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm các công ty kinh doanh và sản xuất lâu năm tại Indonesia như LG Electronics. Công ty Hàn Quốc nói rằng lệnh cấm khiến họ không thể nhập khẩu một số linh kiện nhất định để sản xuất máy giặt và TV.

Dù liên tục kêu gọi doanh nghiệp nước ngoài thúc đẩy sản xuất, ngành công nghiệp địa phương của Indonesia vẫn trì trệ. Năm 2023, tỷ trọng ngành công nghiệp sản xuất trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm còn 18,7% so với 21,1% năm 2014.

Tác giả: Phúc Thịnh

Nguồn tin: znews.vn

  Từ khóa: iPhone 16 , Indonesia , phản ứng , Apple

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP