Pháo hoa ngợp trời phía trên Nhà hát Opera Sydney (nhà hát con sò) để chào đón năm mới ở Sydney, Úc ngày 31-12-2022 - Ảnh: REUTERS |
Nhiều đảo quốc ở Thái Bình Dương là những nơi đầu tiên trên thế giới có người sinh sống đón năm mới bởi vì các nước này nằm rất gần với Đường đổi ngày quốc tế.
Những hòn đảo xa xôi như Kiribati, Samoa, Tonga... là những nơi đầu tiên tiễn biệt năm 2022 và đón năm 2023. Thành phố Auckland (New Zealand) hay Sydney (Úc) là những địa điểm tiếp theo chia tay năm cũ.
Theo Hãng tin Reuters, năm nay nước Úc đón giao thừa mà không phải áp dụng biện pháp hạn chế lần đầu tiên sau hai năm bị gián đoạn do COVID-19, với hơn 1 triệu người vui chơi dự kiến đổ về bến cảng của Sydney và xem màn bắn pháo hoa công phu.
Bà Clover Moore, thị trưởng Sydney, nói: "Đêm giao thừa lần này chúng tôi muốn nói rằng Sydney đã quay trở lại, khi chúng ta khởi động các lễ hội trên khắp thế giới và mang đến một năm mới thật hoành tráng".
Bữa tiệc rực rỡ màu sắc đón năm mới quét từ đông sang tây, với nhiều nước dự kiến có các tiết mục chào đón năm 2023.
Những hình ảnh khoảnh khắc giao thừa đáng ghi nhớ ở các nước:
Người dân chụp ảnh trước số 2023 tại một khu phức hợp mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 31-12-2022 - Ảnh: REUTERS |
Một nghệ sĩ biểu diễn hát trong lễ đếm ngược đón năm mới dọc theo sông Chao Phraya đối diện với chùa Wat Arun ở Bangkok, Thái Lan ngày 31-12-2022 - Ảnh: AFP |
Người dân đón giao thừa ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc, ngày 31-12-2022 - Ảnh: REUTERS |
Tại thành phố Dubai thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), năm nay các nhà tổ chức có kế hoạch phá vỡ kỷ lục mới. Tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa dự kiến có màn trình diễn laser quy mô lớn nhất thế giới, kèm theo pháo hoa và màn trình diễn nước đồng bộ từ đài phun nước Dubai gần đó, theo Đài CNN.
Năm ngoái, người dân đã được thưởng thức màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa ngoạn mục tại tòa nhà Burj Khalifa.
Con gái cùng mẹ chờ đón giây phút giao thừa ở Quezon, Philippines tối 31-12 - Ảnh: REUTERS |
Lung linh sắc màu đêm giao thừa ở Tokyo, Nhật tối 31-12 - Ảnh: REUTERS |
Lệnh phong tỏa cùng các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 áp dụng vào cuối năm 2020 và sự gia tăng số ca mắc biến thể Omicron vào cuối năm 2021 đã dẫn đến việc hạn chế đám đông tụ tập và giảm các hoạt động đón năm mới.
Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, nhiều quốc gia trên thế giới đã mở lại biên giới và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế. Ngay cả Trung Quốc đại lục, thành trì cuối cùng trên thế giới theo đuổi chiến lược "Zero COVID", cũng đã chấm dứt phần lớn biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất và hướng tới mở lại biên giới.
Cô gái tạo dáng chụp ảnh cạnh con số "2023" viết trên cát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 31-12-2022 - Ảnh: REUTERS |
Tác giả: Bảo Anh
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ