Du lịch

Phát hiện đàn voọc Hà Tĩnh quý hiếm ở núi đá vôi phía đông Quảng Trị

Một đến hai đàn voọc Hà Tĩnh với số lượng hàng chục con mới được phát hiện ở núi Một và núi Con Rồng, thuộc xã Cam Thành, huyện Cam Lộ, mở rộng vùng phân bố loài này về phía đông Quảng Trị.

Một nhóm 8 con voọc Hà Tĩnh, gồm 3 con non một năm tuổi ở núi Một - Ảnh: LTA

Tổ chức bảo tồn Three Monkeys Wildlife Conservancy (TMWC) vừa công bố việc phát hiện đàn voọc Hà Tĩnh ở vùng núi đá vôi thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị.

Cụ thể, có 1-2 đàn voọc Hà Tĩnh số lượng 8-12 con ở núi Một và một quần thể lớn hơn có thể đang sinh sống ở ngọn núi bên cạnh - núi Con Rồng.

Mở rộng sự phân bố của voọc Hà Tĩnh

Khu vực phát hiện giáp ranh giữa huyện Cam Lộ và Đakrông, đã mở rộng vùng phân bố của voọc Hà Tĩnh về phía đông nam.

Khu vực này rộng 224ha, trong đó núi Một rộng 36ha, núi Con Rồng rộng 188ha. Núi Một cao 250m và núi Con Rồng cao 450m so với mực nước biển, cách nhau khoảng 500m bởi một khu vực tương đối bằng phẳng, được người địa phương trồng cao su và keo lai.

Tháng 2-2023, trong quá trình khảo sát thực vật ở hai ngọn núi trên, một nhà thực vật học đã phát hiện voọc Hà Tĩnh tại đây. Các cuộc khảo sát và phỏng vấn người dân được thực hiện từ đó đến nay để đánh giá quy mô, tình trạng đàn voọc.

Trong tháng 9-2023, một nhóm tám con, trong đó có ba con non khoảng 1 tuổi đã được quan sát, và một nhóm khác với bốn con. Người dân địa phương xác nhận có một quần thể voọc Hà Tĩnh lớn hơn ở núi Con Rồng và chúng thường băng qua rừng cao su giữa hai ngọn núi.

Ngoài ra, 3-4 nhóm khỉ Rhesus (Macaca mulatta) với tổng số ước tính khoảng 15-20 con cũng được ghi nhận ở cả hai khu vực trên.

Ghi nhận đàn voọc Hà Tĩnh ở núi Một và núi Con Rồng mở rộng vùng phân bố của loài này về phía đông tỉnh Quảng Trị - Ảnh: LTA


Cần nghiên cứu toàn diện để bảo tồn

Theo nhóm nghiên cứu, cần tiến hành thêm các cuộc điều tra, đánh giá toàn diện quần thể voọc Hà Tĩnh ở khu vực này để làm cơ sở cho các hoạt động bảo tồn tiếp theo.

Hoạt động săn bắt không được phát hiện trong thời gian nghiên cứu, nhưng số lượng lớn dê thả rông của người dân địa phương đã tạo nên cuộc cạnh tranh thức ăn với đàn voọc.

Cạnh đó, việc khai thác cây gỗ lớn đã tạo ra sự thay đổi trong cấu trúc thảm thực vật. Vùng núi này còn một số vật liệu nổ còn sót lại từ thời chiến tranh, gây nguy hiểm cho con người, động vật và môi trường.

Con voọc đầu đàn của một nhóm 4 con - Ảnh: LTA


Nhóm này chỉ ra cần nghiên cứu chi tiết, tập trung vào núi Con Rồng để đánh giá quy mô đàn voọc và đưa ra các biện pháp bảo tồn. Các khảo sát sau này cũng phải lưu tâm đến yếu tố tiêu cực tác động đến đàn voọc.

Nhóm khuyến nghị người dân phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ đàn voọc Hà Tĩnh, đưa hoạt động bảo vệ đàn voọc vào quy hoạch phát triển du lịch tại vùng núi này, loại trừ các tác động tiêu cực đến đàn voọc.

Hiện nghiên cứu này vừa được công bố tháng 12-2023 và chưa chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Voọc Hà Tĩnh, voọc đen Hà Tĩnh hay voọc gáy trắng (tên khoa học Trachypithecus hatinhensis) sống ở vùng núi đá vôi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và hai tỉnh giáp biên giới là Khammouane và Savannakhet (Lào). Tại Quảng Trị, loài này được ghi nhận tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa.

Khỉ Rhesus ghi nhận ở núi Một - Ảnh: LTA

Núi Một, nơi ghi nhận voọc Hà Tĩnh - Ảnh: HOÀNG TÁO

Tác giả: Hoàng Táo

Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP