Kinh tế

Phát hiện hàng nghìn văn bản trái luật gây hậu quả xấu cho doanh nghiệp

Con số này được Bộ Tư pháp thống kê nhanh trong năm 2017 qua các đợt kiểm tra mới đây. Các lỗi thường gặp thường là việc ban hành thêm các điều kiện kinh doanh, hạn chế cạnh tranh và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp lên tiếng cảnh báo về các văn bản trái luật gây hậu quả xấu cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa/Pháp luật VN)

Cụ thể, trong năm 2017, cơ quan này kiểm tra theo thẩm quyền và phát hiện 5.639 văn bản trái pháp luật, gồm 1.236 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; 3.829 văn bản quy phạm pháp luật về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày. Còn lại khoảng 574 văn bản không phải là quy phạp pháp luật nhưng lại chức quy phạm pháp luật.

Bộ Tư Pháp cho biết dựa trên các con số thống kê kể trên có thể nhận thấy các văn bản trái pháp luật được phát hiện ở hầu hết các lĩnh vực khác nhau là khá lớn, gây ra các thiệt hại, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội…

Điều đáng nói là, ngay tại Bộ Tư Pháp, năm 2017, cơ quan này cũng có tới 157 văn bản bị phát hiện trái luật về nội dung thẩm quyền. Trong đó 26 văn bản của Bộ trưởng, 131 văn bản còn lại của Thủ tưởng cơ quan ngang bộ , HĐND, UBND cấp tỉnh.

"Việc ban hành và đưa vào áp dụng các văn bản trái pháp luật đã để lại hậu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, thậm chí là cả quyền hiến định của các chủ thể này. Thế nhưng, quy định hiện hành lại chưa có quy định về việc bồi thường, trách nhiệm do các văn bản trái pháp luật gây ra, vì thế càng làm gia tăng những bức xúc trong xã hội", Bộ Tư pháp nhận định

Cũng theo kết quả kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản, chính sách, các lỗi sai phạm chủ yếu là văn bản có nội dung hạ chế quyền tự do kinh doanh, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Quy định thêm điều kiện đầu tư, kinh doanh; Quy định thêm cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động của doanh nghiệp, làm hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp.

Một số địa phương lại sai phạm chủ yếu liên quan đến hạ chế quyền cơ hội được làm việc của người lao động, điều kiện vô lý về hộ khẩu, phân biệt bằng cấp, giới hạn độ tuổi dự tuyển hoặc yêu cầu bằng cấp cao hơn hoặc hạ thấp tiêu chuẩn tuyển dụng.

Cũng theo kết quả kiểm tra, tại các địa phương, văn bản phát hiện vi phạm còn có nội dung đặt ra thêm nghĩa vụ hoặc cấm đoán người dân thực hiện các hành vi làm ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi con người, quyền công dân được ghi trong hiến pháp và các văn bản cơ quan nhà nước như… quy định về tổ chức tiệc cưới, việc tang lễ, phát sinh nghĩa vụ nộp thuế…

Theo khảo sát của Bộ Tư Pháp, việc ban hành văn bản trái luật đã gây ra những tổn thất về mặt thời gian, công sức trong quá trình xử lý văn bản của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra. Bên cạnh việc xử lý văn bản trái luật, cơ quan, cá nhân người có thẩm quyền còn phải thực hiện các quy định của pháp luật về tính toán mức độ thiệt hại nhằm có biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản gây ra. Đồng thời xem xét các thủ tục xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người tham mưu xây dựng văn bản trái luật.

Cùng với đó, chi phí giải quyết các hậu quả khi khiếu nại, khiếu kiện kéo dài do văn bản trái luật gây ra cũng gây tốn kém không ít tiền của cho ngân sách Nhà nước. Do đó, Bộ Tư Pháp đề xuất các bộ ngành chức năng cần khẩn trương khắc phục và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật khi đưa vào thực thi trong đời sống xã hội.

Tác giả: H.Anh

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP