Kinh tế

Phiên đấu giá đất trả tới 30 tỉ đồng/m² rồi xin rút vì 'sợ quá' diễn ra như thế nào?

UBND huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa có báo cáo về diễn biến phiên đấu giá diễn ra ngày 29-11 khi có một nhóm người trả đến 30 tỉ đồng/m² rồi xin rút vì 'sợ quá'.

Người tham gia đấu giá trả lên 30 tỉ đồng/m² rồi xin rút vì "sợ quá" - Ảnh: UBND huyện Sóc Sơn cung cấp

Liên quan tới phiên đấu giá đất trả 30 tỉ đồng/m2 rồi xin rút vì "sợ quá" xảy ra tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), ngày 30-11, UBND huyện Sóc Sơn vừa có báo cáo về sự việc.

Phiên đấu giá diễn ra như thế nào?

Theo báo cáo, ngày 29-11, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn tổ chức đấu giá 58 thửa đất tại thôn Đông Lai, xã Quang Tiến. Các lô đất diện tích 90-224m² với giá khởi điểm 2,48 triệu đồng/m². Tiền đặt trước tương ứng 223-550 triệu đồng/lô (20% tổng giá trị thửa đất tính theo giá khởi điểm).

Theo quy chế, cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tuy nhiên, đến vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, ông Phạm Ngọc Tuấn trả 30 tỉ đồng/m² cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6). Theo báo cáo, ông Tuấn có địa chỉ tại tổ 4, thị trấn Đông Anh (Hà Nội).

Khách hàng Ngô Văn Dương trả 101,4 triệu/m² cho 13 thửa đất. Hai khách hàng gồm Nguyễn Thế Quân, Nguyễn Thế Trung trả 98,4 triệu/m² cho 10 thửa đất. Ba vị khách hàng này đều ở Lương Quy, Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội.

Tương tự, 10 lô đất khác cũng được bà Nguyễn Thị Quỳnh Liên và ông Nguyễn Đức Thành trả giá lần lượt 50,4 triệu/m²; 59,4 triệu/m²; 62,4 triệu/m²; 68,4 triệu/m². Theo báo cáo, bà Liên ở Khối Phố, Nguyên Khê, Đông Anh; ông Thành ở thành phố Bắc Ninh.

Tuy nhiên, đến vòng đấu cuối cùng - vòng 6, 36 thửa đất trên đều không được các khách hàng trên trả giá nữa, xin rút vì "sợ quá".

Vì không tiếp tục tham gia trả giá nên các lô đó không thể đấu giá thành công. Kết thúc buổi đấu, chỉ có 22 trên tổng số 58 thửa đất được bán thành công.

Công an đang vào cuộc làm rõ động cơ

Toàn cảnh phiên đấu giá - Ảnh: UBND huyện Sóc Sơn cung cấp

Trước đó, liên quan tới phiên đấu giá trên, tối 29-11, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết trong quá trình đấu giá, có một nhóm khách hàng "phá" buổi đấu giá bằng cách trả giá cao bất thường từ vòng thứ 3.

Tới vòng đấu giá thứ 6, họ xin rút, không tiếp tục tham gia.

"Có một nhóm khách định trả giá để mua lô đất đấu giá, nhưng đến vòng đấu giá thứ 3, giá được trả đã vượt qua mức nhóm này mong muốn trúng nên họ không thể mua được.

Vì vậy, đến vòng đấu giá thứ 4, nhóm này bắt đầu phá bằng cách trả giá cao hơn rất nhiều lần so với giá thị trường, đến hơn 30 tỉ đồng/m². Đến bước thứ 6, bước quyết định người trúng đấu giá họ trả giá 0 đồng, không tham gia phiên đấu giá nữa", vị lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn nói và cho biết việc này không vi phạm quy chế đấu giá nhưng làm ảnh hưởng tới những người thực sự có nhu cầu, vì giá được đẩy lên quá cao.

"Việc đấu giá theo vòng như thế này mới thực hiện lần đầu tiên ở thành phố, mới có mấy đơn vị áp dụng. Bây giờ các trường hợp tham gia đấu giá mới tìm ra khe hở này, trả giá cao rồi xin rút để không cho người khác mua được nữa", vị này nói và cho biết thêm trong tuần tới sẽ cho đấu giá lại các lô đất.

Đồng thời giao Công an huyện Sóc Sơn điều tra, làm rõ động cơ của nhóm người trên.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện lập danh sách người trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền, công khai trên trang thông tin của các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tác giả: Phạm Tuấn

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP