Không chỉ là người phiên dịch
Trước Park Hang-seo, HLV Alfred Riedl cũng từng gây bất ngờ khi dẫn dắt ĐT Việt Nam lọt vào tứ kết Asian Cup 2007. Tuy nhiên trong quãng thời gian làm việc ở Việt Nam, ông thầy người Áo không ít lần gặp vạ miệng. Mãi nhiều năm sau này, mọi người mới hiểu vấn đề gốc rễ bắt nguồn vì sự bất đồng ngôn ngữ.
Bản thân HLV Riedl là người Áo, nhưng khi đến Đông Nam Á làm việc, ông buộc phải sử dụng tiếng Anh - ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ của mình. Những người từng tiếp xúc, làm việc cùng HLV Riedl cũng nhận xét thực ra ông không hề thạo tiếng Anh. Vốn từ tiếng Anh của Riedl không nhiều, phát âm cũng không chuẩn, vì thế ông thường gặp khó khăn khi diễn đạt.
Tuy nhiên, ở thời điểm cuối những năm 90 - đầu 2000, Riedl không thể yêu cầu cho mình một trợ lý ngôn ngữ nói tiếng Đức giọng Áo như ông. Vì thế, Riedl phải sử dụng tiếng Anh, qua đó gây ra không ít hiểu nhầm. Đơn cử như khi nói chuyện phiếm với một số phóng viên, ông nhận xét một vài cầu thủ Việt Nam "stupid". Từ này có thể mang nghĩa "chậm hiểu", nhưng cũng có thể hiểu sai thành "ngu dốt" và mâu thuẫn từ đó bùng phát.
Câu chuyện quá khứ của HLV Riedl cho thấy tầm quan trọng của trợ lý ngôn ngữ tại ĐTQG. Người này không chỉ rất giỏi về ngoại ngữ, mà còn phải nắm rõ tâm tư, tình cảm của HLV theo từng thời điểm. Chỉ có cách đó mới giúp họ dịch đúng, dịch chính xác ý nghĩa HLV muốn truyền tải qua lời nói. Quan trọng hơn cả, trợ lý ngôn ngữ nên là một người rành về tiếng mẹ đẻ của HLV chứ không phải tiếng Anh đơn thuần.
Trợ lý ngôn ngữ phải biết biểu đạt đúng cảm xúc của HLV. |
Sau thời của HLV Riedl tại ĐTVN, HLV Calisto cũng có lần khốn đốn vì nhận xét các phóng viên đưa ra câu hỏi "stupid". Tương tự Riedl, thầy Tô không phải người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Đến khi HLV Miura làm việc, ông cũng chỉ có thể nói tiếng Anh để trợ lý truyền đạt lại bằng tiếng Việt đến cầu thủ. Cách phiên dịch bắc cầu như thế khiến nội dung HLV đưa ra không được dẫn lại một cách đầy đủ, khiến cầu thủ trên sân không hoàn thành đúng yêu cầu.
Một điểm quan trọng khác mà những trợ lý ngôn ngữ tại ĐTQG cần có là thể lực. Các HLV nước ngoài không chỉ có tác phong làm việc chuyên nghiệp, họ còn sở hữu nền tảng thể chất sung mãn. Tiêu biểu là trường hợp của cựu HLV trưởng ĐTVN Falko Goetz. Trong buổi tập đầu tiên cùng các cầu thủ, ông thầy người Đức đầu trần đứng giữa trời nắng gắt suốt nhiều giờ đồng hồ. Nhưng trợ lý ngôn ngữ của ông lại không làm được như thế. Sau buổi sáng, người này ngất vì say nắng.
Những trợ lý ngôn ngữ của Nishino và Park Hang-seo
Tại Thái Lan, Natakorn Thiamkeerakul được gọi là người hùng thầm lặng đằng sau thành công của HLV Nishino Akira. Khi bổ nhiệm ông thầy người Nhật, LĐBĐ Thái Lan khá đắn đo về việc nên tuyển mộ ai làm trợ lý ngôn ngữ để đảm bảo thành công. May mắn thay Natakorn đã xuất hiện. Không chỉ rành về tiếng Nhật hơn cả một số người bản xứ, Natakorn còn am hiểu văn hóa Nhật Bản và đặc biệt yêu thích bóng đá.
So với những ứng viên khác, lý lịch của Natakorn ấn tượng hơn hẳn. Anh cùng gia đình chuyển đến Nhật Bản sinh sống từ hồi tiểu học, vì thế một phần lối suy nghĩ của người Nhật đã ăn đậm vào con người Natakorn. Để công việc mỗi ngày được đảm bảo, Natakorn đều phải liên tục cập nhật tin tức bóng đá ở 2 quốc gia. Anh cũng thường xuyên đến sân bóng theo dõi để hiểu hơn về các cầu thủ.
"Để trở thành một phiên dịch viên giỏi trong lĩnh vực bóng đá thì giỏi về ngôn ngữ thôi chưa đủ", Natakorn chia sẻ. "Chúng ta còn cần phải có kiến thức chuyên môn nhất định để nắm rõ từng chi tiết, từng thuật ngữ. Đối với tôi, cách tốt nhất để nâng cao hiểu biết về bóng đá là tăng cường trao đổi với cầu thủ và HLV. Bằng cách đó, tôi có thể diễn giải cho họ hiểu những thuật ngữ chuyên môn hàn lâm bằng từ lóng của họ".
Tại Việt Nam, HLV Phan Thanh Hùng cũng từng chia sẻ câu chuyện giống với Natakorn. Thuyền trưởng CLB Than Quảng Ninh nói các phiên dịch viên hay nhầm hai khái niệm "jump" và "take-off" trong bóng đá. Nếu hiểu theo nghĩa phổ thông, cả hai từ đều là "nhảy", nhưng bóng đá định nghĩa "jump" là bật nhảy bình thường, còn "take-off" là bật nhảy hết sức.
Còn ở Việt Nam, thành công của HLV Park Hang-seo có một phần công sức không nhỏ của trợ lý Lê Huy Khoa. Vốn chỉ được biết tới như "bạn thân của Công Phượng, Xuân Trường", ông Lê Huy Khoa đã trở thành cánh tay phải đắc lực của thầy Park ở những giải đấu lớn. Mỗi khi HLV người Hàn Quốc gào thét khản cổ bên ngoài đường biên, vị trợ lý người Việt cũng gằn giọng để truyền đạt cảm xúc chân thực nhất.
Dù vậy, quá trình làm việc của HLV Park Hang-seo và trợ lý Lê Huy Khoa không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Ông Khoa từng bị thanh lý hợp đồng trợ lý ngôn ngữ vì xuất bản cuốn sách chứa nhiều thông tin nội bộ của đội tuyển. Nhưng cuối cùng, VFF vẫn phải mời ông trở lại vì không ai làm việc ăn ý cùng thầy Park hơn ông cả.
"Không biết tiếng Việt" nhưng lại nắm rõ thông tin Gần 10 năm làm việc ở Việt Nam, HLV Henrique Calisto gần như chỉ sử dụng tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha khi làm việc. Ông hiếm khi nào cố tỏ ra thân thiện bằng cách nói một vài từ tiếng Việt, và cũng tự nhận bản thân "không biết tiếng Việt". Tuy nhiên, ông lại biết rất rõ báo chí Việt Nam viết gì về mình. Trong một lần chia sẻ cảm nghĩ về các phóng viên, thầy Tô từng nói: "Các bạn đừng nghĩ các bạn viết gì về tôi mà tôi không biết. Tôi từng đọc một bài viết đặt tiêu đề nói tôi không có lỗi trong thất bại của đội tuyển. Nhưng trong bài viết đó, anh ta lại liệt kê hết những chi tiết để mọi người hiểu tôi xứng đáng phải nhận lỗi". Khác với HLV Calisto, ông Miura lại khá kín tiếng trước truyền thông. Ông từng nói mình "không hiểu tiếng Việt", nhưng vẫn thường xuyên xem các bản tin thể thao bằng tiếng Việt để cập nhật thông tin. Sau khi về nước, mỗi lần có các đội tuyển của Việt Nam đến Nhật tập huấn, ông đều ra đón tiếp. |
Tác giả: Cẩm Chi
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân