Giáo dục

Phiền lòng với bữa ăn bán trú

Nhiều phụ huynh xót xa khi chứng kiến bữa ăn trưa của con ở trường

"Nhìn khay cơm trưa của con ở trường mà gia đình đau lòng, bữa ăn là chút trứng xào khổ qua, vài lát mướp xào giá, miếng canh bầu và tráng miệng bằng hũ rau câu. Con đang học lớp 5, sức ăn tạm gọi là bình thường mà còn than đói, huống gì những em đang tuổi ăn, tuổi lớn" - chị Phương, một phụ huynh tại quận 8 (TP HCM), rớm nước mắt.

"Về đến nhà là đòi ăn"

Chị Phương cho biết không riêng gì chị, nhiều phụ huynh ngày nào cũng chứng kiến con đi học về là than đói. "Suất ăn trưa đã khô khan, khó nuốt, đến giờ ăn xế, nhà trường cho các bé ăn chiếc bánh ngọt, càng khó nuốt hơn. Con nói chỉ mong thật nhanh về nhà để được ăn thỏa thích vì ăn ở trường xem như ăn tạm, ăn cho có" - phụ huynh này nói thêm.

Theo Nghị quyết 04 của HĐND TP quy định các khoản thu, mức thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục. Trong đó có quy định trường học chỉ được thu tối đa 35.000 đồng/suất ăn trưa của học sinh (HS).

Bữa ăn trưa ở một trường tiểu học tại quận 8, TP HCM .Ảnh: PHỤ HUYNH CUNG CẤP


Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Thủ Đức, cho biết thực tế, có những đơn vị trường học không thu đến mức trần theo quy định là 35.000 đồng/suất ăn, nhưng vẫn thực hiện cân đối, ổn thỏa bữa ăn bán trú. "Việc này tùy thuộc vào trường học chọn đơn vị nào cung cấp suất ăn, lợi nhuận tính toán thế nào để cân đối suất ăn. Việc trường chọn nhà cung cấp nào là quyền tự chủ ở các trường, các cơ quản lý chỉ thực hiện kiểm tra, giám sát các vấn đề như vệ sinh an toàn thực phẩm, có làm đúng theo quy định hay không…" - ông Nguyên nói.

Từ thực tế này, theo lãnh đạo một phòng GD-ĐT, theo lý thuyết nếu đơn vị cung ứng nào bỏ giá thấp nhất thì các trường học sẽ chọn. Do vậy, nếu đơn vị cung cấp nào tính toán lợi nhuận ít thì bữa ăn của HS được đầu tư đủ đầy hơn và ngược lại.

Tại các buổi khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM tại một số trường học về việc thực hiện Nghị quyết 04/2023 của HĐND TP về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP HCM năm học 2023-2024 vừa qua, nhiều cơ sở giáo dục cho biết mức thu 35.000 đồng/suất ăn là chưa phù hợp.

Cải thiện bữa ăn để phát triển thể chất

Bà Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), cho biết trường nghiên cứu kỹ Nghị quyết 04 của HĐND TP, bảo đảm thu đúng tên 26 nội dung thu của 4 nhóm đã được quy định rõ ràng, không đặt thêm các khoản thu khác với quy định. Mỗi khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục, trường xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung thu, làm căn cứ tính toán mức thu cụ thể đối với học sinh năm học 2023-2024 phù hợp với tình hình thực tế, có sự thống nhất với cơ quan quản lý cấp trên trước khi thực hiện, bảo đảm không được vượt mức trần quy định.

Theo bà Chi, Nghị quyết 04 của HĐND TP giúp trường có được căn cứ để dự toán thu chi, là cơ sở xây dựng kế hoạch thu, các loại hình thu, từ đó, thực hiện các khoản thu hộ, chi hộ trong năm học một cách chi tiết, rõ ràng, tránh được lạm thu. Đồng thời, tạo được sự công khai minh bạch trong công tác thu chi của nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi để cha mẹ học sinh nắm bắt, giám sát các khoản thu trong trường.

Tuy nhiên, qua triển khai thực tế cho thấy, có mức thu tiền ăn bán trú chưa phù hợp. Cụ thể, Nghị quyết quy định mức tiền suất ăn bán trú tối đa 35.000 đồng/suất/ngày với trường ở khu vực nhóm 1 (các quận, TP Thủ Đức) và 32.000 đồng/suất với trường ở khu vực nhóm 2 (các huyện còn lại). Với mức thu này, những trường ở trung tâm khá khó khăn trong việc cân đối để bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú với mức thu 35.000 đồng/ngày, bao gồm việc phục vụ ăn trưa và ăn xế trong ngày. "Từ thực tế trên, trường đã nhận được sự đồng tình cao của cha mẹ HS bày tỏ mong muốn tăng mức thu tiền ăn bán trú lên 40.000 đồng/suất/ngày để cải thiện bữa ăn cho các con" - bà Chi nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), cũng cho biết Nghị quyết 04 đã giúp trường có được căn cứ để dự toán thu chi, là cơ sở xây dựng kế hoạch thu, các loại hình thu từ đó thực hiện các khoản thu hộ, chi hộ trong năm học một cách chi tiết rõ ràng, tránh được tình trạng lạm thu.

"Dù tạo rất nhiều thuận lợi cho trường nhưng qua triển khai thực tế các khoản thu, những trường ở khu vực trung tâm khá khó khăn trong việc cân đối để bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú với mức thu 35.000 đồng. Mặt khác, việc quy định mức thu tiền ăn chung cho các bậc học trong khi sự phát triển thể lực, sức khỏe, nhu cầu lứa tuổi của các em khác nhau cũng chưa hợp lý" - bà Hạnh trăn trở.

Bà Hạnh thông tin 2 năm trước trường đã thu 40.000 đồng/suất ăn và nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh. Năm nay, khi điều chỉnh theo quy định, phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn tăng tiền ăn bán trú như mức thu cũ để bữa ăn bán trú được bảo đảm như trước đây.

Điều chỉnh phù hợp với thực tế

Theo ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP, Nghị quyết 04 của HĐND TP chỉ có hiệu lực trong năm học 2023-2024. Do đó, để chuẩn bị cho năm học mới cần phải ban hành một nghị quyết mới để thay thế. Thực tế cho thấy, việc ban hành Nghị quyết 04 đã tạo điều kiện cho các trường trong việc hoạch định các khoản thu, tạo sự công khai, minh bạch.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, có một số khoản cần phải điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Đây là lý do để Ban Văn hóa - Xã hội thực hiện các cuộc khảo sát nắm bắt tình hình thực tế, hoàn chỉnh tờ trình để trình HĐND TP vào tháng 7 để ban hành nghị quyết mới.

Tác giả: Đặng Trinh

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP