PV: Chào ông, trong những năm gần đây, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phát triển, đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Ông đánh giá như thế nào về vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua?
Ông Trần Thế Dũng: Hà Tĩnh triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn đan xen. Ngoài khó khăn chung do đại dịch COVID-19, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng rất nặng nề hai trận lũ lịch sử năm 2020.
Trong bối cảnh đó, phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất và quyết tâm chính trị cao, Hà Tĩnh đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 8,05%, 6 tháng đầu năm 2024 đạt 7,6%, trong nhóm 20 tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao của cả nước, thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ. Tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 17.500 tỷ đồng, 8 tháng đầu năm 2024 đạt gần 12.000 tỷ đồng. Thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, các dự án trọng điểm quốc gia như đường điện 500kV, đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn được triển khai quyết liệt, đảm bảo tiến độ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật, 100% số xã, 10/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực giáo dục, y tế, công tác an sinh xã hội được quan tâm chăm lo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả tích cực; khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh thăm hỏi tặng quà cán bộ lão thành. |
Kết quả đó là sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn dân; trong lãnh đạo, chỉ đạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bám sát Quy chế làm việc, Chương trình công tác toàn khóa, ban hành 18 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng đội ngũ cán bộ sát với tình hình thực tiễn của tỉnh. Quá trình triển khai các nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thể hiện tính quyết liệt, sâu sát, linh hoạt, phát huy dân chủ, sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tập trung chỉ đạo xử lý các tồn đọng, vướng mắc. Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
PV: Hà Tĩnh có hai khu kinh tế trọng điểm, tạo động lực phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động của Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo đang chững lại, tỉnh có giải pháp nào để tiếp tục phát huy lợi thế của Khu kinh tế Cửa khẩu Cầu Treo?
Ông Trần Thế Dũng: Khu kinh tế Vũng Áng không chỉ đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh Hà Tĩnh mà còn tạo liên kết phát triển vùng và mở rộng hội nhập quốc tế của khu vực. Đến nay, Khu kinh tế Vũng Áng có 150 dự án, tổng vốn đăng ký trên 16 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động, đóng góp 65% thu ngân sách của tỉnh, trên 95% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Hiện nay, tỉnh đang triển khai kế hoạch mở rộng Khu kinh tế, tiếp tục thu hút các dự án lớn vào đầu tư tại đây.
Ông Trần Thế Dũng đi kiểm tra và tặng quà Đảng ủy xã Sơn Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. |
Đối với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ quyết định tập trung đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Tuy vậy, trong thời gian vừa qua, hoạt động của Khu kinh tế chưa đáp ứng yêu cầu. Nguyên nhân do một số quy hoạch còn bất cập; hạ tầng thiếu đồng bộ, xuống cấp; quỹ đất để xây dựng các khu chức năng nhỏ; khu vực cửa khẩu diện tích nhỏ hẹp, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Thời gian tới tỉnh sẽ tập trung cao hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Quy hoạch chi tiết xây dựng mở rộng khu vực cửa khẩu; ưu tiên bố trí nguồn vốn để phát triển hạ tầng; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi, thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu, xúc tiến thành lập Khu hợp tác kinh tế biên giới Hà Tĩnh - Bolikhămxay; làm việc với tỉnh Bolikhămxay và tỉnh Khăm Muồn (Lào) để đề xuất nâng cấp tuyến đường qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phía nước bạn Lào, góp phần thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và thương mại biên giới hai nước Việt Nam – Lào.
PV: Hà Tĩnh có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng. Ông có thể cho biết về tầm nhìn dài hạn của tỉnh trong việc phát triển du lịch sinh thái?
Ông Trần Thế Dũng: Tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái như hệ thống hồ chứa, đặc biệt là hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, hệ sinh thái rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, vườn quốc gia Vũ Quang, suối nước khoáng Sơn Kim, thác Vũ Môn, các danh thắng nổi tiếng như Núi Hồng – Sông Lam, Hoành Sơn Quan, nhiều bãi biển đẹp như Xuân Thành, Thiên Cầm, Kỳ Xuân, Kỳ Ninh, Đèo Con…
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trần Thế Dũng. |
Để phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng, Hà Tĩnh đã đưa các nội dung phát triển du lịch vào Quy hoạch tổng thể tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với 6 sản phẩm du lịch cốt lõi, trong đó có du lịch sinh thái.
Thời gian tới, tỉnh tập trung rà soát, đánh giá, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng tâm để có kế hoạch đầu tư phát triển, tránh manh mún; khuyến khích, thu hút và ưu đãi các nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch sinh thái. Chú trọng khai thác các hoạt động tham quan, nghỉ dưỡng gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, các khu bảo tồn, vườn quốc gia. Tiếp tục phối hợp với các nhà đầu tư tiềm năng để sớm triển khai một số dự án đô thị, du lịch ven biển tại Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh.
PV: Trong năm 2024 - 2025, Hà Tĩnh sẽ tập trung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã gắn với mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh, tạo không gian phát triển trong giai đoạn mới? Xin Ông cho biết lộ trình thực hiện như thế nào và tỉnh gặp những khó khăn, vướng mắc gì không?
Ông Trần Thế Dũng: Thực hiện chủ trương của Trung ương và yêu cầu thực tiễn trong quá trình phát triển, thời gian tới tỉnh Hà Tĩnh sẽ thực hiện mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh và sắp xếp lại một số đơn vị hành chính, trong đó sắp xếp 04 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 03 huyện và 01 thành phố, giảm 01 đơn vị; sắp xếp 24 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 xã, 05 phường, 02 thị trấn; giảm 07 đơn vị.
Tỉnh Hà Tĩnh có nhiều tài nguyên du lịch sinh thái như hệ thống hồ chứa Ngàn Trươi - Cẩm Trang. |
Mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh sẽ tạo điều kiện cho việc quy hoạch, phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại hơn, góp phần tạo động lực mới cho các ngành dịch vụ, thương mại và du lịch, công nghiệp phát triển; thúc đẩy quá trình đô thị hóa, thu hút nhà đầu tư, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân; từng bước hình thành đô thị trung tâm của vùng.
Việc sắp xếp lại các huyện giúp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng, trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên, tạo điều kiện cho đầu tư phát triển.
Đến nay, mọi công tác chuẩn bị cho việc sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn đã được chỉ đạo thực hiện đảm bảo lộ trình. Tỉnh đã hoàn thành Đề án chung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đang chỉ đạo chuẩn bị cho việc tổ chức lấy ý kiến cử tri, sau đó tiếp tục hoàn thiện Đề án sắp xếp trình Chính phủ, Bộ Nội vụ trước ngày 30/9/2024.
Tuy vậy, việc sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh còn gặp một số khó khăn. Giai đoạn 2019 - 2021, toàn tỉnh đã thực hiện sắp xếp 80 đơn vị cấp xã, giảm 46 xã, đến nay việc bố trí, việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người lao động, trụ sở dôi dư vẫn chưa dứt điểm. Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh phải đồng thời thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Tĩnh, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện liền kề; khối lượng công việc rất lớn, trong khi thời gian thực hiện gấp. Khi thực hiện việc sắp xếp, tỉnh tiếp tục phải tìm phương án giải quyết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trụ sở cơ quan, tổ chức dôi dư. Mặc dù tỉnh đã chủ động đề ra các phương án, nhưng việc xử lý cán bộ, trụ sở dôi dư còn phải thực hiện lâu dài.
PV: Thị xã Hồng Lĩnh có vị trí thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua đã có bước phát triển khá. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Thị xã Hồng Lĩnh còn chậm so với yêu cầu và lợi thế. Xin Ông cho biết định hướng phát triển Thị xã Hồng Lĩnh trong thời gian tới?
Ông Trần Thế Dũng: Thị xã Hồng Lĩnh được thành lập năm 1992, là địa phương có lợi thế về vị trí địa lý, nằm trên huyết mạch giao thông Quốc lộ 8 và Quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam đi qua, là đô thị trung tâm phía Bắc của tỉnh. Với sự nỗ lực của tỉnh và Thị xã, thời gian qua diện mạo Thị xã Hồng Lĩnh đã có nhiều khởi sắc; hạ tầng được quan tâm đầu tư; thu hút được nhiều dự án công nghiệp, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm thành lập tốc độ phát triển đô thị thị xã Hồng Lĩnh chưa được như mong muốn. Nguyên nhân do xuất phát điểm thấp, nguồn lực đầu kết cấu hạ tầng còn hạn chế; hạ tầng các khu công nghiệp chưa đồng bộ. Quy mô diện tích của Thị xã nhỏ, đơn vị hành chính cấp xã, phường ít, không gian phát triển nhỏ hẹp đã tác động đến việc quy hoạch và định hướng phát triển. Ngoài ra, những khó khăn của Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cũng tác động đến sự phát triển của thị xã Hồng Lĩnh và hành lang kinh tế dọc quốc lộ 8.
Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định Thị xã Hồng Lĩnh là 1 trong 3 trung tâm đô thị và 1 trong 3 hành lang kinh tế của tỉnh. Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh đến năm 2030 đã xác định phương án mở rộng địa giới hành chính thị xã Hồng Lĩnh.
Thăm kiểm tra một số mô hình nằm trong lộ trình khai thác du lịch sinh thái hồ Ngàn Trươi - Cầm Trang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. |
Trên cơ sở các quy hoạch, định hướng được phê duyệt nói trên, thời gian tới tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo và ưu tiên huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp nhẹ theo hướng xanh, sạch, thân thiện với môi trường; khai thác các lợi thế cảnh quan Núi Hồng - Sông La, các di tích lịch sử văn hóa nhất là di tích Kinh đô Ngàn Hống để phát triển dịch vụ, du lịch; xây dựng thị xã Hồng Lĩnh kết nối với các vùng phụ cận của huyện Đức Thọ, huyện Can lộc, huyện Nghi Xuân, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại III trước năm 2030, trở thành đô thị trung tâm có công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển của phía Bắc tỉnh Hà Tĩnh.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ trên!
Tác giả: Quốc Hoàn - Loan Nguyễn
Nguồn tin: nguoiduatin.vn