Tin trong tỉnh

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm việc tại huyện Quế Phong

Sáng 31/7, Đoàn giám sát của Quốc hội do đồng chí Thượng tướng Trần Quang Phương - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với huyện Quế Phong về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

HTML Source EditorWord Wrap

Làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lạnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện Quế Phong.

Quang cảnh buổi làm việc

Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 34,03 triệu đồng/năm

Quế Phong là huyện vùng núi cao, biên giới nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An; diện tích tự nhiên của huyện là 1.888,42 km2, chiếm 11,3% diện tích tự nhiên của tỉnh; toàn huyện có 12 xã và 01 thị trấn (11 xã đặc biệt khó khăn - xã khu vực III), với 107 thôn bản (77 thôn, bản đặc biệt khó khăn); dân số toàn huyện là 74.328 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90,86% (Thái, Mông, Khơ mú). Giai đoạn 2021-2025, huyện Quế Phong được thụ hưởng cả 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG).

Đồng chí Dương Hoàng Vũ – Chủ tịch UBND huyện báo cáo tiến độ thực hiện 3 Chương trình MTQG

Huyện Quế Phong xác định việc thực hiện 3 Chương trình MTQG là cơ hội, động lực rất lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương. Huyện Quế Phong đã thành lập đầy đủ các Ban Chỉ đạo, Tổ công tác để triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia từ cấp huyện đến cấp xã; triển khai đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các chương trình; đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến người dân trên địa bàn.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Quế Phong được giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển 03 Chương trình MTQG là 491.465 triệu đồng. Về vốn sự nghiệp giai đoạn 2022-2023, huyện Quế Phong được phân bổ 191.157 triệu đồng.

Tính đến ngày 25/7/2023, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân lũy kế là 16.118 triệu đồng đạt 0,56%; trong đó: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.947/53.039 triệu đồng, đạt 7,44%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 449,57/73.943 triệu đồng đạt 0,61% và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 11.722/25.587 triệu đồng đạt 45,81%). Vốn sự nghiệp giải ngân lũy kế là 4.332 triệu đồng, đạt 7,59%; trong đó: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1.665/49.231 triệu đồng, đạt 3,38%, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là 2.541/7.005 triệu đồng đạt 36,27% và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 126/851 triệu đồng đạt 14,81%.

Đồng chí Trương Minh Cương – Bí thư Huyện ủy cho biết tỉnh đã ban hành các cơ chế để tháo gỡ khó khăn cho các huyện nghèo nhưng Trung ương chưa ban hành các bộ tiêu chí riêng cho các huyện nghèo, vì vậy, hiện còn nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện chưa được tháo gỡ

Kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2023 là 239.812 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư là 105.741 triệu đồng, vốn sự nghiệp là 134.071 triệu đồng. Tính đến ngày 25/7/2023, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân luỹ kế là 3.425 triệu đồng đạt 3,24% (trong đó: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 3.425/56.710 triệu đồng, đạt 6,04%, 02 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới chưa thực hiện giải ngân); vốn sự nghiệp 03 Chương trình MTQG năm 2023 hiện đang triển khai thực hiện.

Qua 2 năm triển khai thực hiện, các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện đã có tác động tích cực, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Kết cấu hạ tầng được tăng cường, nhiều mô hình kinh tế được xây dựng, năng lực sản xuất, kinh doanh các thành phần kinh tế từng bước được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 44,68% năm 2021 xuống còn 40,12% năm 2022, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 5,07%. Số tiêu chí bình quân các xã đạt 13,5 tiêu chí, tăng 1,25 tiêu chí so với năm 2020. Toàn huyện có 12 thôn, bản đạt nông thôn mới; 88% các thôn, bản có đường giao thông từ trung tâm xã đến thôn, bản được cứng hoá. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 28,82 triệu đồng năm 2020 lên đạt 34,03 triệu đồng năm 2022 (tăng 18,07% so với năm 2020) đạt 76,84% kế hoạch; 100% xã đạt bộ tiêu chí Quốc gia về y tế…

Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Quế Phong đánh giá lại thực chất, đúng những kết quả trong việc thực hiện giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, không chạy theo thành tích

Tuy nhiên, huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới; tiến độ xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới còn chậm; số sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP còn khiêm tốn. Các nguồn lực huy động khác để thực hiện các Chương trình còn thấp. Một số chỉ tiêu thuộc Chương trình đạt kế hoạch đề ra hàng năm, tuy nhiên tính bền vững chưa cao như vẫn còn hộ tái nghèo hàng năm, tỷ lệ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo qua đào tạo còn cao….

Trong quá trình triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gặp một số vướng mắc: Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể để xác định đối tượng người lao động thu nhập thấp, vì vậy còn khó khăn trong xác định đối tượng được hỗ trợ học nghề, đào tạo nghề; chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giữa các Chương trình chưa đồng bộ. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, tuy nhiên hiện vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện…

Tại buổi làm việc, huyện Quế Phong đề nghị Bộ LĐTB&XH hướng dẫn cách xác định “Người lao động có thu nhập thấp” để triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 – Dự án 4 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Ủy ban Dân tộc có hướng dẫn cụ thể triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn thuộc tiểu dự án 1 – Dự án 9 Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Huyện cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét, bổ sung quy định hỗ trợ chi phí đi lại từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Tiểu dự án 2 thuộc dự án 4 Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đề nghị Trung ương xem xét, có chính sách đặc thù đối với các xã Khu vực III, nên để người dân tiếp tục hưởng thụ các chính sách hỗ trợ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới với thời gian từ 3 - 5 năm để tạo thêm động lực cho người dân trong công tác xây dựng nông thôn mới. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã khu vực biên giới, vì đây là các địa bàn còn rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới….

Huy động cả hệ thống chính trị trong thực hiện 3 Chương trình MTQG

Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao sự cố gắng của huyện trong việc thực hiện các Chương trình MTQG. Các đại biểu đề nghị huyện cho biết nguyên nhân tại sao tỷ lệ hộ cận nghèo tăng lên; nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thấp; hiện nay trong các tiểu dự án thì có tiểu dự án nào chưa bố trí nguồn vốn?

Đồng chí Cao Thị Xuân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu

Số lượng văn bản huyện ban hành để chỉ đạo thực hiện các Chương trình MTQG là rất lớn (hơn 160 văn bản), tại sao không thực hiện lồng ghép các văn bản để hạn chế việc ban hành văn bản? Đề nghị huyện làm rõ việc huy động các nguồn vốn đối ứng của huyện, việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn? Huyện đã tổ chức giám sát được bao nhiêu cuộc, kết quả các cuộc giám sát như thế nào? Trong quá trình thực hiện các Chương trình MTQG, huyện đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị hay chưa?

Đề nghị huyện phân tích những khó khăn trong việc thực hiện lồng ghép 3 Chương trình MTQG. Đến nay, huyện còn bao nhiêu tiểu dự án chưa triển khai hoặc triển khai chậm? So với mục tiêu huyện đặt ra đến năm 2025 có bao nhiêu mục tiêu đạt được? So với nguồn thu ngân sách của huyện thì huyện có khả năng bố trí nguồn vốn đối ứng hay không?... Lãnh đạo các phòng, ban của huyện Quế Phong đã làm rõ các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Đồng chí Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị cần có hướng dẫn trong tổ chức hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng gắn với các cơ chế để hoạt động của Ban giám sát thật sự hiệu quả; có chính sách hỗ trợ xen dắm trong tái định cư

Đồng chí Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng địa phương đã triển khai 3 Chương trình MTQG quyết liệt. Công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh; đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện; kế thừa và lũy kế những kết quả các Chương trình MTQG giai đoạn trước. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên; công tác đối ngoại nhân dân được thực hiện tốt, an ninh chính trị được giữ vững… Tuy nhiên, huyện Quế Phong vẫn là lõi nghèo của cả nước; áp lực giải ngân vốn các Chương trình MTQG và các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, mục tiêu của Trung ương về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là rất lớn.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị huyện rà soát để có sự điều chỉnh lại các chỉ tiêu để triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn và đạt được mục tiêu đề ra. Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, huy động và thực hiện lồng ghép các nguồn lực từ các Chương trình MTQG; xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện.

Đối với báo cáo trình đoàn giám sát, đề nghị huyện phân tích rõ nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện các Chương trình MTQG chậm, có “sự e dè” trong tổ chức thực hiện hay không?

Trong tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG phải thực hiện trên nguyên tắc: Bám trên và sát dưới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để vươn lên thoát nghèo. Xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, đột phá để tổ chức thực hiện; mạnh dạn làm thí điểm, tránh tình trạng sợ sai, không dám làm. Thành lập Tổ công tác để chỉ đạo các chương trình, vừa làm vừa cầm tay chỉ việc, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tặng quà cho huyện Quế Phong

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Võ Thị Minh tặng quà cho các hộ gia đình chính sách

Dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã tặng quà cho 15 hộ gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Quế Phong.

Tác giả: PT

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP