Lời “nói thật” đó được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ khi UB Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội về nhiệm vụ kép trong giai đoạn hiện nay, một mặt thúc đẩy phát triển nhanh bền vững, một mặt giải quyết khó khăn tích tụ từ trước.
Đề cập nguyên nhân đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực của 2018, Phó Thủ tướng lưu ý, qua tiếp xúc cử tri vừa qua có thể thấy, cử tri đánh giá, những kết quả phát triển kinh tế xã hội đạt được vừa qua có sự đổi mới hoạt động của Quốc hội, không chỉ là chất lượng của hoạt động giám sát mà cả công tác lập pháp.
Cử tri và Chính phủ đánh giá cao nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu hay sửa đổi bổ sung luật các tổ chức tín dụng rất kịp thời. Đây coi như điểm sáng của nhiệm kỳ này, nhờ đó mà xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng rất tốt.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ báo cáo, làm rõ thêm một số vấn đề trước UB Thường vụ Quốc hội |
Lấy ví dụ về việc đổi mới trong xây dựng pháp luật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu biểu hiện, các Bộ trưởng gần đây phải nghe, theo dõi thường xuyên và giải trình về các dự án luật. Và với việc này, các Bộ trưởng đều phải… “lo sốt vó”. Bởi trước đây, công tác xây dựng luật thường giao cho Thứ trưởng, Thứ trưởng lại giao cho chuyên viên làm thôi còn hiện tại, các Bộ trưởng phải trực tiếp lăn lộn làm. Vì thế, chất lượng công tác xây dựng pháp luật tăng lên.
“Việc cải tiến chất vấn, chúng tôi cũng cũng lo sốt vó. Các thành viên Chính phủ đều phải chuẩn bị kỹ lưỡng để trả lời chất vấn sao cho đủ và chất lượng nữa, chứ không phải chỉ trả lời cho xong. Sau đó là tới việc thực hiện lời hứa như thế nào cho tốt khi mỗi phiên chất vấn xong đều có nghị quyết giao nhiệm vụ một cách rất cụ thể, nghiêm túc của Quốc hội” - Phó Thủ tướng bày tỏ.
Về yêu cầu báo cáo của Chính phủ cần nhấn mạnh nhiệm vụ kép trong giai đoạn này là một mặt phải thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, mặt khác phải tập trung để giải quyết những tích tụ, tồn đọng từ trước, ông Huệ chia sẻ: “Chính phủ giải quyết tồn đọng cũ nhưng sao để không đẻ ra những tồn đọng mới cho khóa sau”.
Chốt lại, Phó Thủ tướng khẳng định, báo cáo của Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội chỉ ra các yếu kém và Chính phủ, Thủ tướng sẽ tiếp thu để hoàn thiện chỉnh sửa thể chế chính sách và công tác thực thi.
Trao đổi thêm về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, về thu chi ngân sách thì trong báo cáo thẩm tra nói ý là thu ngân sách chỉ đủ chi thường xuyên và trả nợ thôi thì chưa chính xác.
“Chúng tôi tính toán kỹ hàng năm ngoài bội chi, thu sử dụng đất... thì năm 2016 ta tích lũy đầu tư khoảng 10.000 tỷ, 2017 là 69.000 tỷ, 2018 là 63.500 tỷ đồng, dự toán 2019 là 67.300 tỷ đồng. Vậy nên nói thu ngân sách cơ bản đủ chi thường xuyên và trả nợ là hợp lý. Thứ hai là cơ cấu chi chuyển biến tích cực như chi thường xuyên đầu nhiệm kỳ 70% thì nay kéo xuống còn 64%- đây là thành tựu rất lớn phải nhấn mạnh” - Phó Thủ tướng phát biểu.
Liên quan đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, theo Phó Thủ tướng, nếu chạy theo số lượng thì dễ đi vào các sai phạm như trước đây, phải có thời gian vừa làm, vừa bịt kẽ hở chính sách về thẩm định giá, sắp xếp đất đai. Trước đây các doanh nghiệp giá trị 5.000 tỷ cổ phần hóa thì kiểm toán vào thì nay 1.500 tỷ kiểm toán cũng vào để tránh sai phạm, xác định không đúng giá trị doanh nghiệp gây thất thoát tài sản nhà nước.
Chưa kể sắp xếp đất đai các doanh nghiệp cổ phần hóa cũng phải làm kỹ rà từng mét vuông đất, cũng mất khoảng 6 tháng nên chậm hơn nhưng số thu từ cổ phần hóa trong 3 năm rồi bằng 2,5 lần giai đoạn trước đấy. Nên đánh giá số lượng nhưng cũng phải tập trung chất lượng cổ phần hoá.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: Báo Dân trí