Giáo dục

Phụ huynh không nên im lặng với các khoản thu vô lý đầu năm học

Vào đầu năm học, lo lắng về những khoản đóng góp lại hiện hữu dù đã có không ít văn bản quy định. Mới đây nhất, bảng liệt kê lên tới gần 9 triệu đồng của một trường THPT ở Hải Dương đã khiến dư luận rất bức xúc và đã được cơ quan quản lý làm rõ sai phạm.

Khoản thu đầu năm gần 9 triệu đồng

Bức ảnh thống kê các khoản thu đầu năm của trường THPT Thanh Miện III (huyện Thanh Miện, Hải Dương) trên mạng xã hội vừa qua đã trở thành tâm điểm của sự chú ý. Các hạng mục được liệt kê gồm: Học phí, tiền gửi xe, bảo hiểm thân thể, bảo hiểm y tế, vở ghi, ghế ngồi, thẻ học sinh, nước uống, vệ sinh, quỹ hội phụ huynh học sinh, đồng phục, sổ liên lạc điện tử, khảo sát, kiểm tra chung, mua tivi, xã hội hóa, quỹ học bổng. Tổng mức thu là 8.715.000 đồng. Trước nhiều khoản thu vô lý này, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu Giám đốc Sở GD-ĐT kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh và báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 15-9.

Đầu năm học, phụ huynh học sinh lại đối mặt với nỗi lo tiền trường

Theo báo cáo kết quả kiểm tra của Sở GD-ĐT Hải Dương, việc thực hiện các khoản thu của trường THPT Thanh Miện III có sai sót, vi phạm. Cụ thể, nội dung triển khai của lãnh đạo nhà trường tới giáo viên chủ nhiệm các lớp về thực hiện các khoản thu chưa thống nhất, rõ ràng. Một số khoản thu không đúng quy định dẫn đến có giáo viên chủ nhiệm nắm bắt chưa đầy đủ nên khi triển khai tới phụ huynh học sinh gây dư luận xấu. Có 4 khoản thu trong phiếu kê của giáo viên chủ nhiệm không có trong danh mục nhà trường hướng dẫn, gồm: tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, tiền mua tivi, tiền học thêm hè, tiền photo.

Có 2 khoản cao hơn so với mức thu do nhà trường thông báo là tiền gửi xe và sổ liên lạc điện tử. Các khoản thu nhà trường triển khai tại cuộc họp với giáo viên chủ nhiệm chưa đúng quy định tại Nghị quyết 08/2022/NQ-HĐND và các văn bản hiện hành. Có 6 khoản thu không có trong quy định, gồm: Tiền vở ghi, tiền mua ghế ngồi, tiền khảo sát, tiền kiểm tra chung, quỹ lớp, tiền mua sách giáo khoa. Có 3 khoản thu vượt mức quy định, gồm: Tiền nước uống, tiền làm thẻ học sinh, tiền sổ liên lạc điện tử. Bên cạnh đó, có 2 khoản thu chưa thực hiện đúng quy trình, gồm: Tiền vận động tài trợ (xã hội hóa) và tiền quỹ hội phụ huynh học sinh.

Để tránh hiện tượng lạm thu đầu năm tại các trường học hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Theo Thứ trưởng, các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề.

Theo Sở GD-ĐT Hải Dương, nhà trường mới dự kiến danh mục các khoản thu, mức thu đến giáo viên chủ nhiệm để thông báo công khai, xin ý kiến phụ huynh học sinh. Việc triển khai các nội dung trong cuộc họp tới giáo viên chủ nhiệm chưa cụ thể, dẫn tới giáo viên tự ý đưa thêm các khoản thu khác vào nội dung thu và gộp hết số tiền của cả năm học ở một số khoản thành một đợt thu là không đúng quy định. Trước vụ việc này, Sở GD-ĐT Hải Dương yêu cầu hiệu trưởng nhà trường kiểm điểm trách nhiệm bản thân và những cá nhân có liên quan trong việc triển khai thực hiện các khoản thu đầu năm học, báo cáo về Sở GD-ĐT Hải Dương trước ngày 20-9.

Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh

Hà Nội quy định rõ các khoản Ban phụ huynh không được thu

Đối với các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu thực hiện theo Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên. Cha mẹ học sinh hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục theo đúng quy định tại thông tư này và các quy định khác của nhà trường. Với việc dạy thêm, học thêm, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc công bố hết hiệu lực các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, Quyết định số 22/2013/QĐ-UBND ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố Hà Nội và các văn bản liên quan khác. Lưu ý các nhà trường quyết toán tiền học thêm đúng quy định hiện hành. Mức chi và tỉ lệ phân bổ chi phải được thông qua hội đồng nhà trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.

Về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu tuyệt đối không lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT. Cụ thể ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản sau: Bảo vệ cơ sở vật chất nhà trường; bảo đảm an ninh, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp - trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc thiết bị đồ dùng dạy học cho trường, lớp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Việc thu chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải công khai, dân chủ. Không được quy định mức kinh phí bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Không dùng tiền mặt trong mọi khoản đóng góp để tránh lạm thu

Để tránh hiện tượng lạm thu đầu năm tại các trường học hiện nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Theo Thứ trưởng, các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề.

Đối với khối các trường đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT không quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí. Tuy nhiên, các trường đại học khi có những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. Các cơ quan quản lý trực tiếp các nhà trường có chức năng thanh tra, kiểm tra việc này. Riêng với các trường đại học trực thuộc Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra. Bộ GD-ĐT quy định rất rõ về công khai minh bạch, đặc biệt trong tuyển sinh, công khai các khoản thu cho năm học thứ nhất và cả khóa học, trường nào không thực hiện đúng cam kết này thì sẽ xử lý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ, rất mong báo chí có thông tin kịp thời nếu phát hiện trường nào có khoản thu trái pháp luật hoặc không công khai minh bạch.

Tác giả: Duy Anh

Nguồn tin: anninhthudo.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP