Ruộng bậc thang trải dài làm nên nét duyên của Pù Luông. Ảnh: Thanh Thuận |
Pù Luông được ví như “Sa Pa của xứ Thanh”. Với những người yêu thích du lịch khám phá thì Pù Luông không còn xa lạ, tuy địa danh này mới được đưa vào khai thác mấy năm gần đây. Có lẽ, vì mới khai thác nên núi rừng Pù Luông vẫn giữ được vẻ nguyên sơ vốn có. Pù Luông là cách gọi của người Thái về đỉnh núi cao nhất trong vùng. Đó cũng chính là tên của Khu BTTN cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 130km, được thành lập năm 1999 với tổng diện tích hơn 17 ngàn ha. Pù Luông được xem là Khu BTTN đẹp, có giá trị đa dạng sinh học cao.
Trải dài trên 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa (Thanh Hóa), nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với những khu rừng, cảnh quan đá vôi hùng vĩ, những thác nước chảy trắng xóa suốt ngày đêm. Đặc biệt, những hang động mang dáng vẻ kỳ quái được tạo ra từ thạch nhũ và từ những thác nước đầu nguồn của những cánh rừng Pù Luông khiến nhiều người không khỏi bất ngờ (hang động tại thôn Khuyn, hang Dơi ở bản Kho Mường). Len lỏi khắp các cánh rừng, bản làng là những con suối thơ mộng. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tuyệt đẹp...
Sau khi băng qua khu rừng già âm u, vượt qua các cung đường hiểm trở, uốn lượn, đến với Pù Luông, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng nên thơ với các bản làng người Thái, những thửa ruộng bậc thang, những nếp sàn, núi đồi mờ ảo. Trèo lên đỉnh núi Pù Luông sẽ là một chuyến leo núi khó khăn, nhưng kết quả thu được sẽ vô cùng thú vị. Lọt thỏm trong điệp trùng núi cao, nhấp nhô đá tai mèo là những bản Son, bản Bá, bản Mười (xã Lũng Cao), ở độ cao trên 1.000m của dãy Pù Luông, vẫn còn lưu giữ được những phong tục tập quán truyền thống của người Thái. Họ sống chan hòa với thiên nhiên. Ở những bản này, quanh năm có mây mù bao phủ, nhiệt độ thường ở mức 18 – 22 độ C. Những khối đá tai mèo giữa thung lũng hay những vạt rừng trúc xanh ngắt điểm tô cho vẻ đẹp của bản làng, tạo ra những góc ảnh đẹp mê hồn cho du khách thích chụp ảnh thỏa sức sáng tạo.
Hành trình được yêu thích nhất khi tới Pù Luông là đi bộ sâu vào vùng lõi của Khu BTTN Pù Luông. Với hành trình này, bạn sẽ khám phá ra nhiều địa danh, thác suối, những bản làng đẹp, hoang sơ giữa đại ngàn như: Bản Nủa (xã Lũng Cao), bản Đôn (xã Thanh Lâm), bản Hiêu (xã Cổ Lũng), bản Cao Sơn (xã Lũng Cao) và bản Đông Điểng, Kho Mường (xã Thành Sơn), huyện Bá Thước... Hiện nay, mô hình du lịch cộng đồng ở đây đang phát triển, là nơi lưu trú và nghỉ chân của nhiều khách du lịch ở đây trong và ngoài nước.
Đến với Pù Luông, bạn sẽ hoàn toàn được sống cuộc sống hòa vào thiên nhiên, tìm hiểu phong tục, tập quán, lối sống của người dân trong các bản làng, ngủ trong những căn nhà sàn không có ti vi, điều hòa, internet, thậm chí một số nơi còn không có cả sóng điện thoại. Điều đặc biệt ở đây, một phần chi phí từ du lịch của khách sẽ được đưa vào quỹ phát triển thôn bản.
Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là người dân tộc Thái vô cùng hiếu khách, cùng với những bản sắc văn hóa riêng của dân tộc là nhân tố góp phần quan trọng vào việc tạo nên sức hút cho Pù Luông. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hà Thị Tương, ở bản Đôn, xã Thanh Lâm trong trang phục truyền thống Thái vui vẻ cho biết: “Nhờ có du lịch cộng đồng đã mang lại thu nhập cao cho gia đình tôi và nhiều hộ dân nơi đây. Đời sống của bà con được cải thiện rõ rệt. Khách không chỉ có nhu cầu ăn đồ ăn tươi sạch do chủ nhà tự chế biến, được nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn thoáng mát, mà còn rất thích tham quan, trải nghiệm đời sống đồng bào.
Theo các tài liệu được công bố, Khu BTTN Pù Luông hiện nay có hơn 1.127 loài thực vật và hơn 599 loài động vật. Trong đó, có nhiều loài động, thực vật quý hiếm được đưa vào Sách đỏ thế giới như: Đỉnh tùng, thông Pà Cò, thông Đỏ Bắc, lan hài, kim tuyến đá vôi, voọc mông trắng, beo lửa, báo gấm, gấu đen châu Á, nhím đuôi ngắn...
Với Pù Luông, du khách có thể đến vào bất cứ mùa nào trong năm, tuy nhiên, thời điểm tuyệt vời nhất để ghé thăm nơi đây là khoảng tháng 6 và tháng 10 khi lúa vào mùa chín vàng trên những thửa ruộng bậc thang bao quanh những triền đồi hay những ngôi nhà sàn đặc trưng của đồng bào Mường, nổi bật trên nền xanh thẳm của núi rừng.
Đến Pù Luông, tận mắt nhìn ngắm cảnh thiên nhiên hoang sơ và trải nghiệm cuộc sống thôn bản cùng các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa sẽ thấy được ý thức bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái của bà con nơi đây. Đó là điều tuyệt vời trong hành trang khám phá của du khách mỗi khi có dịp dừng chân ở khu BTTN nơi thượng nguồn sông Mã.
Tác giả: Thanh Thuận
Nguồn tin: Báo Biên phòng