Khu nhà mồ với tấm bia đá
Du khách đến Phan Thiết ngày nay hết sức bất ngờ và thú vị với tấm bia đá ghi lại cuộc đời của một người phụ nữ có tên Lục Thị Đậu ở khu nhà mồ của gia đình họ Lục, phường Phú Hài (TP Phan Thiết, Bình Thuận).
Đường Phan Thiết - Mũi Né xưa. |
Tấm bia do bà Lục Thị Đậu lập năm 1958, trên tấm bia bà viết: “Tôi là Lục Thị Đậu nghiệp chủ, chánh quán Khánh Thiện, trú quán Phú Trinh, ở tại đường Hải Thượng Lãn Ông - Phan Thiết, đứng dựng bia này để kể lại cuộc đời dĩ vãng của tôi từ lúc sơ sanh đến lúc trưởng thành...”
Khu nhà mồ của vợ chồng bà Lục Thị Đậu. |
Câu chuyện mà bà Lục Thị Đậu kể trên tấm bia đã thôi thúc chúng tôi đi tìm hiểu về cuộc đời bà.
Bất hạnh và bươn chải
Bà có tên thường gọi là bà Hòa Chánh. Bà sinh ngày 26 tháng 6 năm 1888 tại làng Khánh Thiện (Mũi Né ngày nay), trong một gia đình nghèo phải di cư từ Chợ Lầu vào Khánh Thiện lập nghiệp bằng nghề gánh cá mướn và làm nước mắm.
Bà Lục Thị Đậu. |
Mẹ mất từ lúc mới lọt lòng, gia đình bên ngoại đem bà về nuôi bằng nước cơm nấu loãng và bú dạo sữa của những người hàng xóm.
Ở với bên ngoại 8 năm, bà được cha đón về đoàn tụ. Nhưng tình cảnh mẹ ghẻ con chồng, chỉ vài năm sau không thể chịu nổi cuộc sống ghẻ lạnh của mẹ kế, bà đành xin về tá túc với nội.
Năm 1905, cũng như các cô gái thời ấy, nội gả bà cho con trai ông Hương Chu ở làng bên, làng Thiện Khánh (Hàm Tiến ngày nay). Khi ấy bà vừa tròn 17 tuổi. Nhưng rồi cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ ấy lại đứt gánh chỉ sau một năm.
19 tuổi, bà một lần nữa ôm đồ về với nội. Thời gian sau, gần nhà có một thanh niên người Hoa nghèo, tính tình hiền lành, cần cù cảm thông rồi ngỏ ý, nội đồng ý gả bà cho người thanh niên nghèo này.
Năm 1908, bà và ông Lương Trân kết nghĩa vợ chồng. Vợ chồng bà ra riêng với tài sản là một quan tiền, một giạ gạo được nội cho. Cuộc sống khi ấy “hết sức nghèo khổ, thiếu trước hụt sau, thậm chí thiếu nợ, ngày nào chủ nợ cũng kéo đến đòi”, bà tâm sự trên tấm bia đá viết về cuộc đời mình.
Tằn tiện, tiết kiệm tạo dựng cơ nghiệp
Trên tấm bia bà kể tiếp: “Vợ chồng tôi tận tâm tận lực kiếm tìm đủ mọi phương diện để sinh nhai, nào là tráng bánh, nào là chiên chả đem đi bán. Sự ăn uống tiện tằn vô cùng, mua 2 xu cá ăn 10 ngày vẫn còn nguyên”.
Ông L.M.H, cháu nội của bà, cho biết, bà Đậu cả đời sống cực kỳ tiết kiệm. Khi trở thành một thương gia giàu có nhất nhì xứ Phan thời đó, đi xe hơi, bà vẫn mang đôi dép cũ, đứt quai phải buộc lại bằng dây thép. Bà chỉ có 2 bộ áo dài mặc đến khi rách, không còn mặc được nữa mới thay.
Trên tấm bia bà kể tiếp: “Vợ chồng tôi tận tâm tận lực kiếm tìm đủ mọi phương diện để sinh nhai, nào là tráng bánh, nào là chiên chả đem đi bán. Sự ăn uống tiện tằn vô cùng, mua 2 xu cá ăn 10 ngày vẫn còn nguyên”.
Ông L.M.H, cháu nội của bà, cho biết, bà Đậu cả đời sống cực kỳ tiết kiệm. Khi trở thành một thương gia giàu có nhất nhì xứ Phan thời đó, đi xe hơi, bà vẫn mang đôi dép cũ, đứt quai phải buộc lại bằng dây thép. Bà chỉ có 2 bộ áo dài mặc đến khi rách, không còn mặc được nữa mới thay.
Tấm bia ghi lại tiểu sử của bà Lục Thị Đậu. |
“Vợ chồng tôi hết sức cần kiệm làm ra được 2.000 đồng nhưng phải vay thêm 1.000 đồng, mẹ chồng cũ tôi cho mượn thêm 300 đồng, tổng cộng tất cả 3.300 đồng.
Vợ chồng tôi nhờ số tiền ấy mới tạo được sở lều cá đầu tiên mua của bà Tư ở Mũi Né. Ngay lúc ấy, với sự hảo tâm của người cha chồng cũ bán chịu cho 2 chiếc ghe cá và lúc cá muối mắm lại có giá, chúng tôi càng cố làm ăn nên mỗi ngày mới thêm phát đạt.
Tuy vậy chúng tôi còn phải tự lực chưa dám mướn người ở. Ví dụ khi đổ xác mắm thì phải đợi đến nửa đêm mướn một ông già 2 cắc vào thùng xúc xác (mắm) để chuyền qua cho tôi đội đem đổ xuống biển”, bà chia sẻ trên tấm bia về những ngày đầu tạo dựng cơ nghiệp.
Người dân trong làng Khánh Thiện thấy sự chịu khó, nỗ lực và làm ăn chắc chắn, hiệu quả của vợ chồng bà khi từ tay trắng đã tạo dựng được sở lều cá nên tin tưởng bán nợ nước mắm cho bà.
Bà chở số nước mắm ấy vào Sài Gòn bán rồi mua hàng hóa về làng bán lại, sau đó mới lấy tiền trả cho người bán nợ nước mắm lúc ban đầu. Với cách kinh doanh bằng chữ tín đó, dần dà bà đã tích lũy được một số vốn, mở rộng kinh doanh nhiều lĩnh vực khác.
Cùng với sự cần kiệm và cách làm ăn uy tín, chỉ một thời gian sau, bà đã trở thành bà Hòa Chánh giàu có nhất nhì xứ Phan trong khoảng thời gian dài từ thập niên 30 đến thập niên 60 của thế kỷ XX.
Bà còn là người có công lớn trong việc khai phóng tuyến đường Phan Thiết - Mũi Né xưa, xây dựng trường học, mở mang dân trí cho cư dân nghèo ở làng Khánh Thiện - Thiện Khánh - Ngọc Lâm ( các phường Mũi Né - Hàm Tiến - Phú Hài ngày nay).
(còn nữa)
Tác giả: Lê Huân
Nguồn tin: Báo VietNamNet