Thế giới

Quốc gia châu Âu hiếm hoi sẵn sàng mở rộng cửa đón người di cư

Khác với hầu hết các quốc gia châu Âu đang tìm cách hạn chế dòng người di cư tràn qua biên giới, Bồ Đào Nha lại sẵn lòng mở cửa để đón những người này, do Lisbon đang “đau đầu” về tình trạng dân số và lực lượng lao động ngày càng giảm.

Tàu cứu hộ Lifeline chở người di cư được giải cứu trên biển khi họ tìm đường rời bỏ quê hương do nhiều nguyên nhân. (Ảnh: AFP)

Hãng tin AFP trích lời Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa trong một hội nghị hồi tháng 5 cho biết, Lison đang cần thêm nhiều người di cư nữa và họ sẽ không chấp nhận bất cứ ý kiến nào có tư tưởng bài xích những người này. Phát biểu của ông Costa đã được các nhà hoạt động xã hội ở Bồ Đào Nha tán thưởng bằng những tràng pháo tay lớn.

Khác với hầu hết các quốc gia châu Âu và EU khác đang triển khai mọi cách để chặn làn sóng di cư và tị nạn, Bồ Đào Nha lại cởi mở với việc đón chào những người di cư tới đất nước của họ. Bồ Đào Nha là 1 trong những quốc gia đầu tiên tình nguyện nhận một phần trong số hàng trăm người di cư trên thuyền cứu hộ của Mission Lifeline, một tổ chức phi chính phủ đăng ký ở Đức. Trong khi đó, một số quốc gia khác trong khu vực như Italy liên tục từ chối những tàu này được cập cảng.

Và trong khi các lãnh đạo châu Âu rất căng thẳng nhằm tìm cách đạt được tiếng nói chung trong hội nghị thượng đỉnh hồi tuần qua về việc nước nào nên nhận người di cư được cứu thoát từ bờ biển Bắc Phi thì chính quyền Bồ Đào Nha đã có những động thái để đưa nước này trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn với người di cư.

Trong định hướng chính trị của Thủ tướng Costa, vấn nạn sụt giảm dân số nhanh chóng ở Bồ Đào Nha là một trong những vấn đề mà ông cần giải quyết. Và nó dường như sẽ tiếp tục là một trong những vấn đề trọng tâm mà cử tri nước này quan tâm trong cuộc bầu cử vào năm sau.

AFP trích một nghiên cứu được công bố ở chính phủ Lisbon, Bồ Đào Nha cần ít nhất 75.000 công dân mới mỗi năm để có thể đảm bảo nguồn lao động ổn định. Trong bối cảnh này, chính phủ Bồ Đào Nha ngày 28/6 đã ban hành hàng loạt quy định mới nhằm đơn giản hóa thủ tục xin thị thực cho sinh viên, học sinh hoặc những người muốn khởi nghiệp trên đất nước này. Và họ cũng đưa ra những phương án để có thể nhanh chóng cấp phép cho 30.000 người nhập cư hợp pháp có quyền được lao động và làm việc.

Thiếu nhân lực có kỹ năng

Trong cuộc khủng hoảng kéo dài 3 năm từ năm 2011, hơn 300.000 người Bồ Đào Nha đã rời bỏ đất nước đi tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn, phần lớn trong số họ là những cử nhân mới tốt nghiệp đại học. Tới năm 2017, nhờ một số chính sách mà số lượng người nhập cư vào Bồ Đào Nha lần đầu tiên cao hơn số lượng người di cư khỏi đất nước trong 6 năm kể từ cuộc khủng hoảng.

Năm ngoái, chính phủ Bồ Đào Nha đã cấp phép nhập cư cho 61.400 công dân mới, tăng 31% so với năm 2016. Quốc gia này cũng đã bắt đầu vào đà tăng trưởng trở lại nhờ sự bùng nổ trong các hoạt động du lịch và các khoản đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, giới chức Lisbon lo ngại rằng điều này có thể sẽ không được lâu bền vì Bồ Đào Nha đang thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng.

Thỏa thuận hồi tuần trước giữa các quốc gia châu Âu quy định rõ những người di cư được giải cứu trên các đại dương sẽ được các quốc gia thành viên nhận về. Bồ Đào Nha tích cực tham gia vào các chương trình nhận người di cư do Ủy ban châu Âu EC phát động, với mục tiêu có thể đưa 50.000 người tị nạn tới các quốc gia thành viên trong vòng 2 năm tới.

Trong 3 năm từ 2015 tới 2018, Bồ Đào Nha cũng đã nhận về 1.552 người tị nạn nhưng thực tế là chỉ có 1 nửa số đó ở lại Bồ Đào Nha vì số còn lại đã rời quốc gia này tới những nước có cơ hội làm ăn tốt hơn.

Tác giả: Đức Hoàng

Nguồn tin: Báo Dân trí

  Từ khóa: di cư , Bồ Đào Nha

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP