Hôm nay, Quốc hội tiếp tục bàn thảo về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN) |
Tiếp tục chương trình làm việc đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, hôm nay (28/5), Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ tám với nhiều nội dung quan trọng về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự kiến, trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này, trước khi cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Chương trình làm việc buổi chiều (Truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam) sẽ tiếp tục với phầntrình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Sau đó, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tư pháp), các cơ quan chính quyền thành phố Hà Nội và các Bộ, cơ quan có liên quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chỉnh lý dự thảo Luật và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo bước đầu của Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 chương và 54 điều (giảm 05 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 54 điều, bỏ 07 điều, bổ sung mới 02 điều).
Về Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, qua gần chục năm thi hành đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, đã thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án theo chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, vẫn còn tồn tại những vướng mắc, bất cập và chưa hợp lý: Nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa án là “cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” và việc xác định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án; Tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử của các Tòa án; Tổ chức các đơn vị và nhân lực giúp việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao; Nhiệm kỳ Thẩm phán và việc phân chia các ngạch Thẩm phán; Chức năng, nhiệm vụ, thành phần của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Chế độ trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật cần tăng cường hơn; Cơ chế pháp lý đầy đủ để xây dựng và triển khai Tòa án điện tử; Cơ chế bảo vệ cho các Thẩm phán, Tòa án;…
Hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới…
Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ./.
Tác giả: Nhóm PV
Nguồn tin: vietnamplus.vn