Từ chợ Chiều (thị trấn Quỳ Hợp), đi theo QL48D vào khối Hợp Thành, chúng tôi ghi hận cảnh tượng rác thải bị đổ trộm tràn lan ngay sát đường. Những đống rác thải lớn nằm ngổn ngang dọc đường kéo dài hàng trăm mét. Chưa hết, gần đó còn có hai con đường người dân tự mở để xuống sông lấy cát cũng bị “tận dụng” tối đa để làm cung đường vận chuyển đưa rác xuống đổ trộm ngay bên bờ sông.
Rác thải đủ chủng loại đổ trộm sát bờ sông ở khối Hợp Thành (thị trấn Quỳ Hợp) |
“Rác thải bị người dân đổ trộm với số lượng ngày càng nhiều tại khu vực sát QL48D, gần trạm xử lý nước thô của Nhà máy cấp nước sạch Quỳ Hợp. Dù khối xóm và UBND thị trấn đã treo biển cấm đổ rác cũng như ra quy định bắt được xe nào, người nào đổ trộm là phạt 200 nghìn đồng và bắt bốc rác trở lại nhưng hầu như chưa bắt được trường hợp nào, họ toàn đổ vào ban đêm thôi” – Anh Hà Văn Đông, ở khối Hợp Thành, phản ánh.
Rác thải đủ chủng loại đổ trộm sát bờ sông ở khối Hợp Thành (thị trấn Quỳ Hợp) |
Một địa điểm khác cũng bị đổ trộm rác thải với khối lượng lớn là cầu tràn Châu Đình. Đây là cây cầu tràn được xây dựng từ nhiều năm trước, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân xã Châu Đình cùng một số xã vùng trong về thị trấn Quỳ Hợp và ngược lại. Thế nhưng, hiện nay cây cầu vô tình trở thành nơi tập kết rác thải với khối lượng hàng trăm mét khối khiến người dân hết sức bất bình. Theo quan sát của PV, rác thải được đổ ở hai bên đầu cầu và thời gian gần đây còn đổ lấn ra phía mép hai bên tràn của cầu phía Bản Điếm, xã Châu Đình gây ách tắc dòng chảy của sông Dinh và ô nhiễm môi trường.
Rác thải sinh hoạt sau đó được đốt |
Bác Nguyễn Xuân Doãn, cán bộ hưu trí, trú tại Khối 2, thị trấn Quỳ Hợp, tỏ ra bức búc: “Đã nhiều năm rồi, người dân ở khắp nơi đem rác thải đổ trộm tại khu vực giáp ranh giữa Bản Điếm (xã Châu Đình) và Khối 2 và Khối 3 (thị trấn Quỳ Hợp). Người dân chúng tôi hết sức bất bình vì ô nhiễm môi trường, gây ách tắc dòng chảy…tôi và nhiều người dân sống gần đầu cầu phía thị trấn Quỳ Hợp đã phản ánh rất nhiều nhưng các cơ quan chức năng không thấy có động thái cũng như biện pháp giải quyết dứt điểm”.
Cầu tràn Châu Đình tràn ngập rác thải |
Cũng theo ông Doãn, những người hay đổ trộm rác thải tại cầu tràn Châu Đình là người ở thị trấn Quỳ Hợp. Nhiều lần thấy xe đưa rác ra đổ ông Doãn và nhiều người dân khác ra ngăn cản thì họ lại đưa sang phía đất xã Châu Đình để đổ nên đành… chịu!
“Hàng ngày đi qua cầu tràn này mà bức xúc vô cùng. Rác thải đổ ngổn ngang với đủ chủng loại; từ rác thải sinh hoạt đến rác thải rắn xây dựng cũng bị đưa ra đây đổ lấn xuống cả sông Dinh. Vấn đề đổ rác thải tại đây người dân xã Châu Đình chúng tôi đã phản ánh nhiều lần nhưng không được giải quyết. Chúng tôi được biết, “thủ phạm” chủ yếu là người dân thị trấn Quỳ Hợp đem rác thải ra đổ chứ người dân xã Châu Đình chúng tôi không làm việc đó” – Anh Lữ Văn Long, ở Bản Điếm, xã Châu Đình, bức xúc cho hay.
Rác lấn chiếm hai bên cầu |
Trên sông Dinh hiện nay cũng tồn tại thêm hai địa điểm mà thường hay bị đổ rác thải trộm với số lượng lớn là đoạn QL48 cũ, thuộc xóm Phượng, xã Nghĩa Xuân và đoạn cầu tràn nối giữa xóm 11, xã Nghĩa Hưng (huyện Nghĩa Đàn) sang xã Nghĩa Xuân nằm ở phía trên Nhà máy đường NASU…Những đống rác thải bị đổ trộm nằm lăn lóc ven bờ sông, một số đã trôi lềnh bềnh sát mép sông rồi trôi về xuôi theo dòng nước lũ khiến cho môi trường bị ô nhiễm trầm trọng.
Tràn xuống lấn chiếm cả dòng sông Dinh |
Ông Lê Sỹ Hào – Trưởng Phòng TN&MT huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Vấn đề đổ trộm rác thải xuống sông và ven sông cũng như cầu tràn Châu Đình chúng tôi đã chỉ đạo xã, thị trấn nhiều. Những vấn đề đó địa phương phải sâu sát để giải quyết. Nếu không giải quyết được phải báo cáo với huyện để có phương án xử lý. Hiện, xã Nghĩa Xuân đang triển khai mạnh để xử lý vấn đề này”.
Biển cấm đổ rác dường như… “vô hiệu" |
Dư luận huyện Quỳ Hợp cho rằng, sông Dinh đã bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi các hoạt động khai thác khoáng sản từ trước đây, nay tiếp tục bị những người dân thiếu ý thức đổ thải như đang cố “bức tử” con sông này. Người dân mong mỏi các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn hiện tượng trên, trả lại môi trường xanh – sạch – đẹp.
Tác giả: Phạm Tuân
Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường