Nhiều tháng trở lại đây, người dân xã Quỳnh Lập đang phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ nặng nề. Theo phản ánh của những người dân tại địa phương, nhiều công dân cho công dân khác vay tiền, song chưa trả và không thực hiện đúng theo cam kết trả.
Vì vậy, nhiều công dân đã làm đơn khiếu nại trực tiếp tại các cơ quan gửi lên ủy ban Thị xã, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân thị xã và các cơ quan pháp luật.
Thực hiện thông báo số 99 ngày 26/3/2021 của Thị Ủy, hôm nay, ngày 31/3/2021, UBND xã Quỳnh Lập cùng Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân, Công an thị xã Hoàng Mai tổ chức Hội nghị đối thoại tuyên truyền pháp luật với người dân liên quan đến trường hợp cho vay tại xã để nắm rõ sự việc và phương án giải quyết.
Rất nhiều người dân đã có mặt tại hội nghị. Ảnh: Trần Thuỳ |
Tại buổi làm việc, nhiều trường hợp vay nợ được báo cáo lên công an thị xã. Tiêu biểu như:
Bà Trần Quỳnh Nga (SN 1973), thôn Đồng Tiến cho gia đình Lương Dân vay 814 triệu vào ngày 05/11/2020. Đây là hợp đồng vay có thời hạn (30 ngày) và lãi suất là 2%/tháng do bên vay và bên cho vay thỏa thuận với mục đích vay là do thiếu vốn kinh doanh.
Chị Hồ Thị Hiền (SN 1989) thôn Tân Thành cho gia đình Lương Dân vay 300 triệu đổi khế ngân hàng không có lãi suất và không có thời hạn.
Bà Nguyễn Thị Tỵ (SN 1940), thôn Sơn Long cho gia đình Hứa Vĩnh vay 440 triệu.
Bà Lê Thị Loan (SN 1978), thôn Tân Thành cho gia đình Tân Tuấn vay 281 triệu…và rất nhiều trường hợp liên quan khác.
Những người cho vay tiền bao gồm cả những người già, trung niên, thanh niên, người vay tiền ngân hàng chưa đến hạn trả, tiền con cháu biếu tặng, tiền thắp hương từ người khuất, tiền hưu trí, tiền bảo hiểm người bị tai nạn hiện đang sống thực vật…
Nhiều người già tích góp tiền cho vay, nhưng đến giờ lại “trắng tay”. Ảnh: Trần Thuỳ |
Theo phản ánh của người dân, đa số những người vay tiền đều có mối quan hệ thân thiết, bạn bè, họ hàng, nên khi vay chỉ có giấy cam kết, không có can thiệp của pháp luật. Thậm chí vì quá tin tưởng, nhiều trường hợp cho vay không có bất cứ giấy tờ gì để xác nhận.
Đỉnh điểm của sự việc là những ngày cận Tết Nguyên đán vừa qua, rất đông những người cho vay tiền đã đến nhà người vay tiền chờ đợi ngày đêm mong người vay tiền trả nợ, trả tiền để chuẩn bị Tết nhưng nhận được câu trả lời là “vỡ nợ”, “không có tiền”…
Đến thời điểm hiện tại, trong lúc người cho vay vẫn phải vất vả làm việc, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, thì người vay tiền lại kín cổng cao tường, “nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”, thách thức người cho vay kiện tụng, bức xúc hơn còn có trường hợp đi đòi nợ nhưng lại bị đánh…
Để tháo gỡ những thắc mắc cũng như bức xúc của người dân, UBND xã Quỳnh Lập cùng với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân, Công an thị xã Hoàng Mai tổ chức làm việc với người dân liên quan đến với trường hợp cho vay tại xã để nắm rõ sự việc và phương án giải quyết.
Tại buổi đối thoại, người người dân đã đưa ra các thắc mắc có liên quan.
Theo đó, ông Lê Bá Thuyết – trưởng thôn Tân Thành thay mặt người dân đặt câu hỏi: “đối với những người công bố phá sản, công an đã vào cuộc điều tra hay chưa. Hiện, người dân đang lo sợ người đi vay nợ tẩu tán tài sản, sang tên cho người thân để không phải trả nợ, nếu có trường hợp này thì hướng giải quyết như thế nào để hiệu quả nhất”.
Chị Trần Thị Quyên – Ủy viên ban thường vụ Hội liên hiệp Phụ nữ xã Quỳnh Lập đặt ra câu hỏi: ”Giấy vay nợ không có chữ ký, chỉ có chữ viết tay thì có hợp lệ không? Không có thời hạn trả nợ thì có hợp hay không? Đối với người vay nợ, trong trường hợp họ còn tài sản nhà nhà cửa, đất thì xử lý như thế nào, trường hợp nhà cửa và tài sản đã sang tên thì xử lý như thế nào? Thủ tục để hoàn thành hồ sơ và giải quyết hồ sơ trong thời gian bao lâu”.
Giải đáp thắc mắc của người dân ông Hồ Ngọc Tiệp – Chánh án Tòa án nhân dân Thị Xã Hoàng Mai phát biểu: “Nếu giấy vay nợ không có chữ ký, chỉ có chữ viết tay thì trong quá trình hầu đơn giải tòa, qua thu thập chứng cứ và lấy lời khai, chứng minh được người vay tiền là người ký đơn thì tòa án vẫn có căn cứ pháp lý, cơ sở để buộc bên vay tiền trả nợ cho bên cho vay.
Ông Nguyễn Thanh Hiến – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Hoàng Mai (trái), ông Nguyễn Ngọc Hoá – Trưởng phòng Tư pháp thị xã (giữa), ông Hồ Ngọc Tiệp – Chánh án Toà án nhân dân thị xã (phải). Ảnh: Trần Thuỳ |
Với trường hợp vay không có thời hạn, yêu cầu người cho vay nộp đơn lên Tòa án, Tòa án sẽ xem xét để đảm bảo quyền lợi cho các bên.
Trường hợp người vay tiền có tài sản là nhà đất mà đang thế chấp tại ngân hàng, thì theo quy định khi giải quyết sẽ ưu tiên thanh toán cho nhà nước, đến ngân hàng, phần còn lại sẽ được trả cho người cho vay theo thứ tự của pháp luật.
Thời gian giải quyết hồ sơ là 4 tháng, nếu vụ án phức tạp thì gia hạn thêm 2 tháng để tiếp tục giải quyết”.
Ông Nguyễn Thanh Hiến – Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân thị xã Hoàng Mai cho biết: “Mọi trường hợp sang tên tài sản hoặc tẩu tán tài sản thì bắt buộc phải thông qua tư pháp xã. Khi nhận được đơn tố cáo của người cho vay, mọi trường hợp sang tên, tẩu tán tài sản sẽ không được thực hiện”.
Để từng bước giải quyết, người dân làm đơn và photo bằng chứng để nộp cho tư pháp của UBND xã, UBND xã tổng hợp đơn để gửi lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đại diện tư pháp xã Quỳnh Lập lưu ý, khi làm đơn ngoài việc ghi đầy đủ thông tin về họ tên người vay và người cho vay, số tiền, lãi suất, thời hạn (nếu có), người làm đơn cần ký tên và để lại số điện thoại.
Bà Lê Thị Phượng bày tỏ: “Dân chúng tôi trót dại, tin tưởng người quen mà cho vay không giấy tờ. Rất mong thị xã giải quyết, đòi lại công bằng cho dân chúng tôi”.
Chánh án thị xã bày tỏ sự đồng cảm với nhân dân, hứa sẽ cố gắng giải quyết nhanh chóng và dứt điểm để đòi lại quyền lợi cho nhân dân Quỳnh Lập. Chánh án cũng nhấn mạnh thêm trong thời gian chờ đợi các cơ quan giải quyết, người dân tuyệt đối không được manh động và sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề tranh chấp nợ.
Tác giả: Trần Thuỳ
Nguồn tin: doanhnghiepvadautu.net.vn