Tin trong tỉnh

Rào cản bủa vây thủy sản Nghệ An: [Bài 1] Hệ thống kiểm ngư tê liệt

Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An tạm dừng hợp đồng với 10 lao động khiến hệ thống kiểm ngư bị tê liệt, nhiệm vụ chống khai thác IUU cũng trì trệ theo.

Sau nhiều năm cống hiến, 10 hợp đồng lao động kiểm ngư bỗng chốc mất việc. Ảnh: Việt Khánh.

Quy định chưa theo kịp thực tiễn

Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An được cấp 2 tàu kiểm ngư mang số hiệu KN-688-NA và VN-93967-KN.

Áp theo Thông tư số 22/2018/TT-BNNPTNT về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản, nhẽ ra 2 tàu này phải được bố trí 26 thuyền viên (tàu VN-93967-KN 9 người, tàu KN-688-NA 17 người). Dù vậy do nguồn lực phân bổ quá hạn hẹp buộc Chi cục phải “liệu cơm gắp mắm” bằng cách ký hợp đồng với 10 lao động để trực tiếp vận hành, mỗi tàu 5 người.

Nhiều năm qua Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An vẫn ký hợp đồng với 10 lao động để vận hành 2 tàu kiểm ngư. Ảnh: Việt Khánh.

Tiền chi trả lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Nhà nước cấp hàng năm. Thực trạng “giật gấu vá vai” tồn tại suốt nhiều năm trời, thiếu hụt nhân lực trầm trọng khiến mỗi lao động hợp đồng phải nai lưng gồng gánh. Áp lực chưa được giảm tải thì rắc rối đã nảy sinh, trong diễn biến mới nhất những người nêu trên buộc phải tạm dừng công việc kể từ ngày 1/4/2024, nguyên nhân do không nằm trong danh sách biên chế được giao.

Nội dung này đang khiến ngành NN-PTNT Nghệ An rối như tơ vò, bởi lẽ bộ phận kiểm ngư đóng vai trò then chốt, trực tiếp quyết định đến thành bại của công tác phòng chống IUU trên địa bàn.

Không có người vận hành, 2 tàu kiểm ngư của Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư buộc phải dừng hoạt động, công tác chuyên môn cũng đình trệ vô thời hạn. Sự thể càng kéo dài áp lực càng tăng cao, các bên liên quan lúc này như thể đang ngồi trên đống lửa, cấp bách là thế nhưng việc này chưa thể tháo gỡ trong một sớm một chiều.

Hiện tại Nghệ An vẫn chưa tìm ra phương án tháo gỡ phù hợp cho bộ phận này. Ảnh: Việt Khánh.

Làm việc với Sở NN-PTNT Nghệ An, ông Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ, nhận định Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư là đơn vị quản lý nhà nước. Nghị định 111/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 68/2000) về hợp đồng lao động không cho phép ký hợp đồng đối với người làm chuyên môn nghiệp vụ, việc ký kết với 10 lao động trên tàu kiểm ngư là sai nguyên tắc. “Chính phủ quy định chứ không phải tỉnh hay Sở quy định”, ông Hưng nhấn mạnh.

Chủ trì buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung khẳng định vấn đề này do lịch sử để lại, quy định hiện hành chưa cho phép. Trên tinh thần đó giao Sở Nội vụ phối hợp với Sở NN-PTNT sớm tìm ra giải pháp tháo gỡ phù hợp, không trái với quy định.

Giật gấu vá vai

Ông Trần Như Long, Chi Cục phó Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An, xác nhận 2 tàu kiểm ngư được trang bị từ lâu, đến nay đã xuống cấp thấy rõ, đồng nghĩa chi phí bảo dưỡng thường xuyên rất tốn kém, đặc biệt khó đảm bảo công tác chuyên môn. Nhận định này đúng với thực tế, nhất là khi tàu cá của ngư dân từng bước được cải tiến theo hướng thuyền to máy lớn, công suất cao.

Để khắc phục, bắt buộc đơn vị phải bố trí thêm cano đi kèm, khi phát hiện phương tiện vi phạm sẽ dễ bề xuất kích, truy đuổi. Ngặt nỗi cano gọn nhưng kích thước nhỏ, khi gặp thời tiết bất lợi (mưa gió, bão tố, thiên tai…) thì gần như vô hại.

Thiếu hụt nhân lực, vật lực, bao năm rồi bộ phận kiểm ngư Nghệ An phải gồng gánh trọng trách lớn. Ảnh: Việt Khánh.

Những người trong cuộc quả quyết, lĩnh vực kiểm ngư mang tính đặc thù, nặng thực tế chứ không như lý thuyết sáo rỗng. Bên cạnh yếu tố vị trí việc làm, bằng cấp, nhất thiết phải có kinh nghiệm dạn dày mới đảm đương được. Đơn cử như một kỹ sư khai thác, học vấn cao chưa hẳn đã điều khiển tốt phương tiện bằng một người “trái ngành” nhưng quen luồng, lạch, quen quy luật của biển. Chung quy, kinh nghiệm thực tiễn là yếu tố cốt lõi.

Thâm niên trong nghề hàng chục năm rồi, ông Trần Như Long quả quyết, để đào tạo một kiểm ngư mất rất nhiều thời gian, nhanh nhất cũng phải chừng vài ba năm mới có thể nắm vững quy trình, thông thạo từng đường đi nước bước:

"Mỗi lần thành lập đoàn kiểm tra trên biển, Chi cục luôn bố trí cán bộ công chức xuống đi cùng đoàn. Bộ phận công vụ phụ trách sổ sách, ghi chép không nói làm gì, riêng công việc đặc thù như lái tàu, sửa máy, theo dõi, lên boong, neo tàu… bắt buộc phải do người thạo việc đảm nhận, họ trực tiếp xắn tay vào làm mới xong”, ông Long nói thêm.

Kiểm ngư là nghề đặc thù, để đảm đương nhiệm vụ chuyên môn cần người chuyên sâu, dạn dày kinh nghiệm. Ảnh: Việt Khánh.

Đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An thừa nhận, kể cả bố trí đầy đủ con người cũng như kinh phí hoạt động thì nhiệm vụ kiểm ngư cũng đầy rẫy áp lực, chông gai. Đầu tiên là yếu tố tự nhiên, tàu thường neo đậu trong khu vực lạch, có lạch sâu, lạch cạn, ra vào không dễ.

Từ địa phận thị xã Cửa Lò đến phía Bắc của huyện Quỳnh Lưu, nơi giáp ranh với tỉnh Thanh Hóa có chiều dài trên 80 km. Trong khi 2 tàu kiểm ngư của Nghệ An đã “quá date”, tốc độ di chuyển hạn chế, vận tốc bình quân chỉ đạt trung bình 15 - 16 km/h, đi từ điểm đầu đến điểm cuối mất đến 5 - 6 tiếng đồng hồ.

Phương tiện đồ sộ, khi di chuyển âm thanh rền vang trời, đi đến đâu biết đến đó thành thử tính bất ngờ bị loại bỏ. Ấy là chưa kể “tai mắt” trên biển nhiều vô kể, chẳng thế khi tiếp cận hiện trường thì mọi việc cơ bản đã an bài, các đối tượng đã tẩu tán trang, thiết bị cùng vật chứng liên quan từ bao giờ. Để tránh tình cảnh sôi hỏng bỏng không nhất thiết không được ôm đồm, ngược lại phải tập trung vào 1, 2 phương tiện cụ thể để vây bắt.

Nhằm che đậy hành vi, các chủ tàu thường bất chấp hiệu lệnh, dùng đủ chiêu trò hòng qua mặt lực lượng chức năng. Trường hợp bắt giữ thành công cũng không dễ xử lý, đằng sau đó là muôn vàn câu chuyện cười ra nước mắt.

“Một mặt họ thừa nhận hành vi, mặt khác khăng khăng không có tiền nộp phạt. Sự thể tưởng giản đơn nhưng kỳ thực phức tạp vô cùng, từ đây nảy sinh nhiều rắc rối, phiền phức. Họ sẵn sàng bỏ lại phương tiện, nhảy xuống biển bơi thẳng vào bờ, trường hợp xảy ra mất mát, thương vong câu chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác.

Lai dắt tàu thuyền vi phạm phát sinh chi phí đã đành, nay lại phải cắt cử bộ phận theo dõi, túc trực thường xuyên, đặt trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng nhân lực lẫn vật lực, việc này chẳng khác nào đánh đố. Đấy là chưa kể trên tàu thường có nhiều vật dụng dễ cháy, nổ, nhiều tàu công suất nhỏ, vận hành đã lâu lại xuống cấp trầm trọng, nếu không máy xảy ra sự cố thì tai vạ ai gánh cho, tránh nhiệm đổ đầu ai?”, một lãnh đạo chuyên ngành thủy sản băn khoăn.

Một số nước phát triển ngành nghề thủy sản cho phép “đánh đắm” phương tiện vi phạm nếu cần, dù vậy không thể vận hành cách này trên các vùng biển Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển. Trong cái lý có cái tình, vô hình trung áp lực lại đè nặng lên vai ngành nông nghiệp, bao gồm lực lượng kiểm ngư.

Khó khăn chất chồng

Trước đây hay hiện tại Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nghệ An vẫn có chức năng đăng kiểm nhưng diễn biến lại theo 2 ngả rẽ khác nhau, chiều hướng ngày một đáng lo ngại. Khi chưa “xã hội hóa”, Chi cục cơ bản “một mình một sân” trong lĩnh vực này, việc làm không xuể. Gió đổi chiều khi Luật Thủy sản 2017 chính thức có hiệu lực, từ đó mở đường cho các doanh nghiệp tư ngân chiếm lĩnh thị phần.

Mấu chốt liên quan đến thủ tục hành chính, Chi cục là đơn vị quản lý nhà nước nên phải thông qua hành chính công, ngư dân muốn làm đăng kiểm phải tiến hành rất nhiều bước, ngược lại nếu qua kênh tư nhân sẽ rút ngắn đáng kể do lợi thế kinh doanh dịch vụ đơn thuần.

Miếng bánh cạn vơi qua từng năm đồng nghĩa với nguồn thu giảm sút, thiếu hụt kinh phí hoạt động khiến chế độ, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo như trước. Đáng nói hơn, những kế hoạch, lộ trình mang tính dài hơi cũng đành gác lại.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG


TOP